Những quan ngại về sinh kế của người dân địa phương dọc sông Mekong

Các dịch vụ hệ sinh thái của sông Mekong đã bị xáo trộn một cách tàn khốc khi dòng sông bị kiểm soát hoàn toàn bởi các con đập ở thượng nguồn.
Những quan ngại về sinh kế của người dân địa phương dọc sông Mekong ảnh 1Mực nước sông Mekong tại Lào xuống mức thấp nhất trong gần 100 năm qua. (Ảnh: Hữu Kiên/TTXVN)

Ngày 20/1, trang tin của Đài truyền hình ABC Australia cho biết, vào đầu tháng 1/2020, người dân ở làng Chiang Khong phía Bắc Thái Lan thức dậy và thấy mực nước sông Mekong hạ xuống một mét chỉ sau một đêm.

Mực nước sông giảm nhanh đã khiến một số thuyền bị mắc cạn trên bờ sông và người dân nhìn thấy những tảng đá nhô lên khỏi mặt nước cùng các đụn cát xuất hiện ven sông.

Thông thường vào thời điểm này trong năm, mực nước sông Mekong bắt đầu hạ dần cho đến mức thấp nhất vào khoảng tháng Tư hoặc tháng Năm.

Tuy nhiên, người dân địa phương và các nhóm môi trường cho rằng đập thủy điện Jinghong của Trung Quốc nằm cách đó 300km về phía thượng nguồn đang làm biến động mạnh mực nước sông và làm thay đổi chu kỳ tự nhiên của dòng sông.

Sông Mekong dài hơn 4.000km, khởi nguồn từ Trung Quốc và chảy qua các nước Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia, trước khi chảy vào miền Nam Việt Nam ra biển.

Tại các quốc gia nằm trong lưu vực hạ lưu sông Mekong, có khoảng 60 triệu người sống dọc theo hai bên bờ sông và dựa vào dòng sông.

Sông Mekong là một hệ sinh thái phong phú với những loài cá di cư lớn di chuyển xuôi và ngược dòng sông để sinh sản theo mùa mưa và mùa khô.

Bà Pianyh Deetes từ Tổ chức International Rivers cho biết, cá ở sông Mekong là nguồn thu nhập chính và là nguồn thức ăn chính cho dân cư nông thôn dọc lưu vực sông ở Thái Lan, Lào, Campuchia và đồng bằng miền Nam Việt Nam.

[Hạn hán và những dự án đập thủy điện đang bức tử sông Mekong]

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều báo động về số phận của các đàn cá sông và hệ sinh thái mà chúng đang sinh sống, khi dòng sông được khai thác để tạo ra năng lượng tái tạo thông qua việc xây dựng hàng chục đập cho các dự án thủy điện khổng lồ.

Nhiều con đập thủy điện đã được xây dựng ở thượng nguồn sông ở Trung Quốc - quốc gia đang rất khát năng lượng và ở Lào, nơi Chính phủ tuyên bố sẽ đưa quốc gia thoát khỏi cảnh đói nghèo và trở thành "bình ắc quy của châu Á."

Đập Jinghong không phải là đập lớn nhất của Trung Quốc, nhưng là đập thấp nhất trên hệ thống sông và nằm sát miền Bắc Thái Lan.

Ông Niwat Roykaew, Chủ tịch Tập đoàn Bảo tồn Rak Chiang Khong của Thái Lan nói thảm họa đối với sông Mekong không chỉ do biến đổi khí hậu mà còn do con người tạo ra, đó là những con đập.

Các nhà bảo tồn lo lắng mực nước sông Mekong sẽ không còn thay đổi theo mùa nữa mà phụ thuộc vào việc quản lý đập ở thượng nguồn và có thể thay đổi nhanh chóng.

Bà Deetes nói sức khỏe và các dịch vụ hệ sinh thái của sông Mekong đã bị xáo trộn một cách tàn khốc khi dòng sông bị kiểm soát hoàn toàn bởi các con đập ở thượng nguồn.

Hiện có 11 trạm thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn tại tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đang kiểm soát nước ở hạ lưu, đặc biệt là ở biên giới Thái Lan-Lào phía Bắc Thái Lan.

Bà Deeets còn cho rằng các con đập trên sông Mekong đã làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn và gây tác động lớn hơn đến các cộng đồng và hệ sinh thái.

Ngoài ra, ngày càng có nhiều lo ngại rằng các con đập ở Trung Quốc, và xa hơn nữa ở Lào, đang phá hủy các đàn cá di cư, khi có nhiều ngư dân và người dân địa phương nói họ không còn nhìn thấy cá da trơn, vốn xuất hiện rất nhiều theo mùa nước lên xuống, ở khu vực Chiang Khong.

Những người trồng rau và thu hoạch rong trên sông cũng cho biết việc kiếm sống của họ từ sông trở nên khó khăn hơn do sự lên xuống rất bất thường của mực nước sông.

Ủy ban sông Mekong (MRC), một tổ chức liên chính phủ hợp tác với Chính phủ Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam để cùng quản lý sự phát triển bền vững của hệ thống sông Mekong, khẳng định chế độ tự nhiên của dòng sông bị thay đổi sẽ gây ra nhiều hậu quả lớn.

MRC cho biết, năm 2019 là một năm hạn hán nghiêm trọng, một phần cùng là do hoạt động của các đập thủy lợi và Ủy ban đã phải làm việc với các nước thành viên về việc chia sẻ thêm thông tin về hoạt động của các đập.

Vào năm ngoái, đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan tuyên bố lũ lụt và hạn hán thường xuyên trong lưu vực sông Mekong là do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, việc Trung Quốc xây dựng các hồ chứa trên sông Lancang-Mekong là một biện pháp hiệu quả chống lại biến đổi khí hậu, giúp điều tiết mực nước sông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục