Nghị định số 151/2024/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, quy định rõ ràng về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện giao thông nhằm đảm bảo an toàn giao thông và ngăn ngừa vi phạm.
Theo nghị định này, có bốn loại phương tiện bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trìnhgồm xe ôtô kinh doanh vận tải, xe ôtô đầu kéo, xe cứu thương và xe cứu hộ giao thông đường bộ.
1. Xe ôtô kinh doanh vận tải
Xe ôtô kinh doanh vận tải, đặc biệt là các loại xe chở hàng hóa và hành khách, đã và đang trở thành phương tiện không thể thiếu trong ngành vận chuyển.
Những xe này thường xuyên tham gia vào các hoạt động giao thông trên các tuyến đường chính và liên tỉnh, nơi mật độ giao thông cao và có tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình giúp theo dõi hành trình của xe, đảm bảo rằng các phương tiện này tuân thủ đúng lộ trình và tốc độ quy định.
Theo quy định của Nghị định số 151, xe tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình, giúp cơ quan chức năng có thể giám sát và thu thập dữ liệu về hoạt động của xe, bao gồm thông tin về tốc độ, vị trí, thời gian di chuyển.
Các dữ liệu này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông, đồng thời hỗ trợ công tác xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm luật giao thông.
2. Xe ôtô đầu kéo
Xe ôtô đầu kéo, thường dùng để kéo các loại rơmoóc hoặc container trong ngành vận tải, cũng là một trong những phương tiện bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Các xe đầu kéo thường vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn, và việc lắp thiết bị giám sát hành trình giúp kiểm soát tốt hơn tốc độ, hành trình và thời gian di chuyển của chúng, giảm thiểu rủi ro tai nạn và vi phạm tốc độ. Điều này đặc biệt quan trọng trong các khu vực có mật độ giao thông cao hoặc gần các khu công nghiệp.
Việc sử dụng thiết bị giám sát hành trình đối với xe đầu kéo cũng giúp cơ quan chức năng dễ dàng kiểm tra lộ trình của xe và nhanh chóng phát hiện các hành vi vi phạm, như chạy quá tốc độ hoặc đi sai lộ trình, góp phần bảo vệ an toàn giao thông cho các phương tiện khác.
3. Xe cứu thương
Xe cứu thương là phương tiện có vai trò quan trọng trong việc cứu hộ và cấp cứu bệnh nhân trong các tình huống khẩn cấp.
Việc lắp thiết bị giám sát hành trình đối với xe cứu thương giúp đảm bảo rằng các phương tiện này có thể di chuyển nhanh chóng và an toàn, đồng thời giúp các cơ quan chức năng theo dõi quá trình di chuyển của xe để hỗ trợ kịp thời nếu có sự cố xảy ra.
Trong nhiều trường hợp, xe cứu thương cần di chuyển qua các tuyến đường đông đúc hoặc khu vực có giao thông phức tạp, việc giám sát hành trình không chỉ giúp đảm bảo sự an toàn cho phương tiện mà còn hỗ trợ đội ngũ y tế trong việc xác định vị trí nhanh chóng, từ đó tiết kiệm thời gian cấp cứu cho bệnh nhân.
4. Xe cứu hộ giao thông đường bộ
Xe cứu hộ giao thông đường bộ có nhiệm vụ hỗ trợ các phương tiện bị hỏng hóc hoặc gặp sự cố trên đường. Những chiếc xe này thường xuyên di chuyển trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, nơi tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Việc lắp thiết bị giám sát hành trình giúp theo dõi chính xác vị trí và hành trình của xe cứu hộ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc giải quyết sự cố giao thông.
Thiết bị giám sát hành trình cũng giúp đảm bảo rằng các xe cứu hộ hoạt động hiệu quả, không gây ra sự cản trở giao thông, đồng thời tuân thủ các quy định về tốc độ và lộ trình. Ngoài ra, nó cũng giúp quản lý hoạt động của các đơn vị cứu hộ, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong công tác cứu hộ giao thông.
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn mang lại nhiều lợi ích thực tế. Theo thống kê, việc áp dụng thiết bị giám sát hành trình đã góp phần đáng kể trong việc giảm tỷ lệ tai nạn giao thông và vi phạm tốc độ.
Từ năm 2015-2022, tỷ lệ vi phạm tốc độ trung bình trên 1.000km đã giảm từ 11,5 lần xuống chỉ còn 0,75 lần, giảm 15 lần so với trước đây.
Ngoài ra, dữ liệu từ các thiết bị giám sát hành trình còn giúp cơ quan chức năng kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật giao thông, quản lý hoạt động vận tải đường bộ, và hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền trong công tác quản lý nhà nước về giao thông./.
Kiểm soát tải trọng và giám sát hành trình, giảm tử vong do tai nạn giao thông
Thời gian qua, Cảnh sát Giao thông đã tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện và giám sát hành trình, nhờ đó tình trạng xe chở quá tải, vi phạm kích thước thùng hàng tiếp tục được kiểm soát tốt.