Những phụ nữ vùng cao bước ra khỏi 'màn sương' để đi tìm hạnh phúc

Cuộc sống của phụ nữ và trẻ em vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, nhiều người phụ nữ chưa được bảo vệ, chưa thực hiện được ước mơ của mình, vẫn còn những em nhỏ chưa được đến trường.
Những phụ nữ vùng cao bước ra khỏi 'màn sương' để đi tìm hạnh phúc ảnh 1Các khách mời chia sẻ tại buổi tọa đàm “Ra khỏi màn sương”. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Kết hôn sớm từ khi mới chỉ đang học cấp 2 dẫn tới những nguy cơ phải bỏ học, bị bạo lực giới, gặp khó khăn về kinh tế... là những rào cản với không ít thanh thiếu niên dân tộc thiểu số.

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở vùng dân tộc thiểu số, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang triển khai các dự án để xóa bỏ những định kiến và rào cản khuôn mẫu giới cần phải thay đổi như vấn đề tảo hôn, hay như tình trạng hôn nhân cận huyết gây ra nhiều hệ lụy trực tiếp và lâu dài không chỉ cho phụ nữ, trẻ em gái mà còn cho cả gia đình và xã hội. 

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm “Ra khỏi màn sương” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) và Tập đoàn phát triển Thịnh Vượng Việt Nam tổ chức ngày 5/7 tại Hà Nội.

Hiện nay, phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số đã và đang phải đối mặt với nhiều quan niệm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng và trao đổi cơ hội phát triển bình đẳng. Những vấn đề này được ví như là "màn sương" cản bước chân của những người phụ nữ vùng cao trong hành trình đi tìm hạnh phúc.

[Phân bổ ngân sách thực hiện mục tiêu phát triển vùng đồng bào thiểu số]

Khách mời  tọa đàm “Ra khỏi màn sương” là em Má Thị Di cùng mẹ là chị Châu Thị Say, hai nhân vật trong bộ phim "Những đứa trẻ trong sương" của đạo diễn Hà Lệ Diễm. Bộ phim "Những đứa trẻ trong sương" mổ tả chân thực cuộc sống của Di khi đó là một cô bé 12 tuổi người H’Mông sống tại Sapa (tỉnh Lào Cai). Bộ phim đã phản ánh sự va chạm, xung đột giữa những giá trị văn hóa truyền thống với hiện đại, những thách thức mà các bé gái người dân tộc thiểu số phải đối mặt trong xã hội khi đối diện với tục kéo vợ của người dân tộc mình.

Những phụ nữ vùng cao bước ra khỏi 'màn sương' để đi tìm hạnh phúc ảnh 2Di chia sẻ về thực trạng về cuộc sống của phụ nữ và trẻ em vùng cao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại buổi tọa đàm, Má Thị Di đã chia sẻ một thực tế đang buồn là vẫn còn nhiều phụ nữ vùng cao bị bạo lực gia đình và bị lừa bán.

“Ở chỗ em còn nhiều phụ nữ và con gái bị lừa bán. Nhiều người phụ nữ bị bạo lực gia đình và bị chồng đánh, họ bỏ đi Trung Quốc, các bạn nữ trẻ bị bạn trai lừa đi,” Di kể.

Theo Di, cuộc sống của phụ nữ và trẻ em vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, nhiều người phụ nữ chưa được bảo vệ, chưa thực hiện được ước mơ của mình, vẫn còn những em nhỏ chưa được đến trường. Nhiều bạn nữ bằng tuổi Di bị bắt đi lấy chồng, không được đi học và phải sống dưới sự quản lý của bố mẹ

Tuy khó khăn là thế nhưng có nhiều người phụ nữ vùng cao đã vượt lên trên những rào cản để tự làm chủ cuộc sống của mình. Di vui mừng kể: “Cuộc sống của phụ nữ vùng cao cũng đã có nhiều thay đổi hơn, nhiều người làm hướng dẫn viên, mở home stay giao tiếp với du khách, học tiếng Anh và mở các lớp dạy tiếng Anh, cũng có nhiều người dũng cảm đi ra ngoài trải nghiệm cuộc sống xã hội.”

Di cho biết thêm bản thân em dù đã có gia đình nhưng vẫn ấp ủ mong ước được đi học lại để phát triển bản thân và chạm tới ước mơ của riêng mình.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh Di là một tấm gương về sự thay đổi về tư tưởng để sống cuộc sống tốt đẹp, có những ước mơ và có kỹ năng rất tốt, nuôi dạy và chăm sóc con tốt.

Những phụ nữ vùng cao bước ra khỏi 'màn sương' để đi tìm hạnh phúc ảnh 3Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đang triển khai các dự án hỗ trợ tập trung vào 4 nội dung chính. Thứ nhất, tác động để thay đổi nếp nghĩ, cách làm, những định kiến và rào cản khuôn mẫu giới cần phải thay đổi như vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã không còn phù hợp và gây ra nhiều hệ lụy xã hội. Thứ hai là tăng tiềm năng kinh tế cho phụ nữ, làm sao để phụ nữ dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt hơn, thu nhập ổn định, chăm lo được cho gia đình. Thứ ba, xây dựng các mô hình câu lạc bộ tác động vào các bạn trẻ là học sinh và sinh viên để có các kỹ năng tốt, được giao lưu với các dân tộc khác. Thứ tư, triển khai công tác kỹ năng lồng ghép giới và các vấn đề về bình đẳng giới cho cả nam và nữ,” bà Tôn Ngọc Hạnh nói./.

Tọa đàm “Ra khỏi màn sương” nằm trong khuôn khổ Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 dự án do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục