Những 'om xòm' trong lòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương

Trong lúc NATO kỷ niệm 70 năm thành lập nhằm thể hiện mặt trận thống nhất trước nỗi lo Nga và Trung Quốc, liên minh quân sự này lại chứng kiến căng thẳng gia tăng giữa Mỹ với Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.
Những 'om xòm' trong lòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ảnh 1(Nguồn: CNN)

Theo hãng AFP/TTXVN, trong lúc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kỷ niệm 70 năm thành lập nhằm thể hiện một mặt trận thống nhất trước nỗi lo các cường quốc đang nổi như Nga và Trung Quốc, liên minh quân sự lớn nhất thế giới này lại chứng kiến căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và hai đối tác là Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.

Om xòm về chi tiêu quốc phòng

Mối căng thẳng này bộc phát vài giờ trước khi ngoại trưởng của 29 nước thành viên NATO khai mạc một phiên đối thoại ở Washington.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đưa ra lời chỉ trích gay gắt với Đức về mức chi tiêu quân sự của nước này và với Thổ Nhĩ Kỳ vì mua sắm vũ khí của Nga.

"Đức phải làm nhiều hơn nữa. Và chúng ta không thể đảm bảo sự bảo vệ cho phương Tây nếu các đồng minh của chúng ta ngày càng phụ thuộc vào Nga" - ông Pence phát biểu tại một diễn đàn nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập NATO.

Thêm giọng điệu gay gắt khi Phó Tổng thống Mỹ cho rằng không thể chấp nhận được khi một nền kinh tế lớn nhất châu Âu tiếp tục phớt lờ mối đe dọa gây hấn từ Nga và lơ là vấn đề tự bảo vệ họ cũng như bảo vệ chung cho các thành viên.

Hồi tháng 3, Đức tuyên bố chi tiêu quốc phòng sẽ giảm xuống 1,25% trong năm 2023.

Vì "khát" năng lượng, Đức cũng đã thúc đẩy dự án Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga. "Điều này chẳng khác nào biến nền kinh tế Đức bị cầm tù dưới tay Nga," Pence nói.

[Rạn nứt bên trong NATO xuất hiện trước khi ông Trump lên nắm quyền?]

Tuy nhiên, Pence cam kết Mỹ "hiện là và sẽ luôn là đồng minh lớn nhất của châu Âu," một sự đổi giọng từ Trump, người công khai thể hiện mối băn khoăn liệu có nên bảo vệ những thành viên "nhỏ bé" hơn của NATO như Montenegro hay không.

Theo phóng viên TTXVN, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, trong một bài phát biểu lịch sử trước Quốc hội Mỹ ngày 4/4, đã tuyên bố rằng việc Trump thúc giục các nước đồng minh NATO tăng chi tiêu quốc phòng đã có tác động và làm cho liên minh này trở nên mạnh mẽ hơn, mặc dù lời kêu gọi của ông đã không làm các đồng minh lâu năm của Mỹ hài lòng.

NATO không có ngân sách quốc phòng, nhưng các thành viên của tổ chức này cam kết chi tối thiểu 2% GDP của họ cho quốc phòng.

Chính phủ Mỹ dành 3,5% GDP cho quốc phòng và Tổng thống Trump từ lâu đã kêu gọi các thành viên NATO đồng ý chia sẻ gánh nặng này.

Hồi tháng 1/2019, báo New York Times đưa tin Trump đã đề nghị rút Mỹ khỏi NATO nhiều lần trong năm 2018 và các quan chức lo ngại ông có thể nhắc lại lời đe dọa này nếu chi tiêu quân sự của đồng minh tiếp tục như vậy.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas giải thích rằng việc chia sẻ gánh nặng không chỉ đơn thuần là vấn đề chi tiêu quốc phòng và rằng NATO "trước hết là liên minh của những giá trị."

Maas cũng chỉ ra rằng Berlin là nước đóng góp binh sĩ lớn thứ 2 trong cuộc chiến ở Afghanistan và đang xây dựng một trung tâm chỉ huy NATO mới ở thành phố Ulm.

Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn

Các cường quốc phương Tây cũng ngày càng bất bình với chính quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khi trấn áp lực lượng bất đồng chính kiến ở trong nước và đe dọa oanh kích các tay súng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn ở Syria.

Hôm 1/4, Mỹ cho biết sẽ đình chỉ sự tham gia của Ankara trong chương trình chiến đấu cơ F35 do nước này có kế hoạch mua sắm hệ thống phòng thủ tên lửa S400 của Nga, làm gia tăng mối quan ngại rằng Moskva có thể thu thập được dữ liệu để cải thiện khí tài của họ đồng thời có thể bắn hạ chiến đấu cơ của phương Tây.

"Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn - họ có muốn vẫn là một đối tác quan trọng của liên minh quân sự thành công nhất trong lịch sử thế giới hay muốn đe dọa an ninh của mối quan hệ đối tác này bằng các quyết định liều lĩnh gây hủy hoại liên minh của chúng ta?" Pence đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu loại bỏ khả năng nước này sẽ thay đổi kế hoạch mua sắm vũ khí của Nga, nói rằng: "Thỏa thuận S400 đã xong và chúng tôi không thể rút lại."

Nhằm trấn an các đồng minh NATO, ông Cavusoglu khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ủng hộ NATO về những mối quan ngại cốt lõi và sẽ không bao giờ thừa nhận việc Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine hồi năm 2014.

"Chúng tôi lâu nay làm việc với Nga. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng tôi hủy hoại liên minh", người đứng đầu ngành ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định.

Không "Chiến tranh Lạnh" 2.0

Kỷ niệm 70 năm thành lập NATO diễn ra trong bối cảnh quan ngại gia tăng về Nga, vốn ủng hộ các phần tử ly khai ở Ukraine và Georgia, tìm cách can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 và bị các buộc thực hiện cuộc tấn công bằng chất độc ở Anh.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg nói rằng liên minh quân sự muốn có mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga, song cần có bước đi chuẩn bị cho năng lực quốc phòng mạnh mẽ. "Chúng tôi không muốn một cuộc đua vũ trang mới. Chúng tôi không muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Nhưng chúng tôi không thể ngây thơ," ông Stoltenberg nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục