Những nữ phóng viên xông pha nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19

Phóng viên Hoàng Lan, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng trong mùa dịch, phóng viên khá áp lực trong việc phải thông tin thật nhanh, nhưng điều quan trọng nhất là đảm bảo không sai sót.
Những nữ phóng viên xông pha nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19 ảnh 1Phóng viên Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam phỏng vấn người nước ngoài trong đợt xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, với vai trò, nhiệm vụ của mình, phóng viên của các tờ báo đã không quản ngại khó khăn, đi vào "điểm nóng" để tìm hiểu, phản ánh khách quan, đa dạng các thông tin về dịch.

Từ đó, đưa đến cho bạn đọc những thông tin hay, hình ảnh đẹp, nhất là giúp người dân có cái nhìn đầy đủ về diễn biến, cũng như công tác phòng, chống dịch để cùng chung tay góp sức vào công cuộc chống dịch.

Xông xáo ở các "điểm nóng"

Ngay những ngày đầu của đợt dịch thứ tư bùng phát, 0 giờ ngày 15/5, Thành phố Hồ Chí Minh chính thức kích hoạt các chốt chặn sàng lọc COVID-19 ở các cửa ngõ vào thành phố.

Nhận nhiệm vụ thực hiện thông tin, tối 14/5, phóng viên Hoài Thương, Báo Sức khỏe và Đời sống, theo chân đoàn lấy mẫu của Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức, lấy mẫu xét nghiệm tại khu lưu trú công nhân làm việc ở Khu Chế xuất Linh Trung 2. Gần 21 giờ ngày 14/5, Hoài Thương tiếp tục đến ngay tới chốt cầu vượt Sóng Thần để ghi nhận tình hình lúc 0 giờ ngày 15/5.

Tại đây, cùng với bốn phóng viên nữ, phần lớn là phóng viên nam tham gia tác nghiệp.

Sau khi ghi nhận xong các công việc tại chốt Sóng Thần, để thông tin thêm đa dạng, phong phú, Hoài Thương tiếp tục đến ghi nhận tại chốt cầu Vĩnh Bình, lúc này chị là phóng viên nữ duy nhất còn trụ lại. Xong công việc, trở về nhà đã là 2 giờ ngày 15/5. Chưa kịp nghỉ ngơi, chị bắt tay ngay vào việc thực hiện tin, bài để có những thông tin mới nhất gửi đến độc giả. Theo đó, hai bài viết và một tin đã được nhà báo Hoài Thương gửi đến bạn đọc trong lần tác nghiệp đó.

Đó là một trong những câu chuyện đáng nhớ của nhà báo Hoài Thương trong những ngày tác nghiệp mùa dịch. Chị chia sẻ, dù đã nhiều lần tác nghiệp đêm theo chân các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm, nhưng lần này tính chất công việc rất khác, mang đến cho chị nhiều cảm xúc. Bởi, trước hết là công tác chống dịch cấp bách, sau là tận mắt chứng kiến sự khắc khổ, hy sinh của đội ngũ y bác sỹ, các lực lượng liên ngành trên mặt trận chống dịch.

Với phóng viên Hoàng Lan, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23/5 là một ngày đặc biệt khi chị tham gia tác nghiệp về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp ở Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

"Khi cả nước nô nức bầu cử thực hiện quyền công dân, tôi được phân công ghi nhận không khí bầu cử ở Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Trước khi đi, tôi trằn trọc, thức dậy từ 4 giờ và ra khỏi nhà lúc 4 giờ 30 phút để đến bệnh viện. Sáu giờ, khi tôi đến nơi, không khí tại Bệnh viện khá tất bật với các công việc chuẩn bị và trước khi tổ chức bầu cử, bệnh viện lấy mẫu phết họng cho người bệnh. Những bàn bầu cử được dựng đơn sơ trong khu cách ly và khu vực điều trị cho bệnh nhân, nhưng những người thực hiện bầu cử đều vui mừng. Tôi cảm thấy rất vui khi chuyển tải được đến bạn đọc không khí, tâm trạng của người bệnh, người được cách ly trong Ngày hội non sông," phóng viên Hoàng Lan chia sẻ.

[Chuyện của những phóng viên, nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa]

Cũng như các phóng viên phụ trách thông tin mảng y tế khác, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát thứ tư này, phóng viên Nguyễn Thủy, Báo Nông nghiệp Việt Nam, phải tăng "công suất" làm việc lên gấp nhiều lần, để kịp thời thông tin tới bạn đọc. Áp lực thông tin trong mùa dịch cũng tăng lên, phóng viên thường xuyên phải tiếp cận các nguồn tin để có được những thông tin chính xác nhất. Vì thế, mọi sinh hoạt của gia đình ít nhiều bị ảnh hưởng. Đôi khi say mê, muốn có thông tin nhanh, hay mà phóng viên sẵn sàng dấn thân, đã không ít lần "lén" gia đình đi vào "tâm dịch."

"Với những kiến thức y tế trong quá trình phỏng vấn các bác sỹ, chuyên gia đúc kết cho phóng viên y tế, đã giúp chúng tôi biết cách bảo vệ mình. Mặt khác, là một trong những đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 theo Nghị Quyết 21 của Chính phủ, tôi cùng với gần 100 phóng viên báo đài trên địa bàn đã sớm được tiêm để an tâm hơn trong quá trình tác nghiệp. Dù thế không chủ quan, suốt quá trình tác nghiệp, tôi luôn cẩn trọng, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch 5K. Nhờ đó, buổi tác nghiệp của tôi diễn ra an toàn và đem được nhiều thông tin hay đến với bạn đọc," phóng viên Nguyên Thủy chia sẻ.

Chung tay chống dịch bằng những dòng tin chính xác

Tình hình dịch ở thành phố diễn biến phức tạp, khi vào các nơi được đánh giá là "điểm nóng", ngoài việc đưa tin, phóng viên Hoài Thương, Báo Sức khỏe và Đời sống, cũng cố gắng tìm những câu chuyện, hình ảnh của đội ngũ tuyến đầu, nhất là các y, bác sỹ với mong muốn chuyển tải tới bạn đọc. Qua đó, để mọi người hiểu, cùng đồng lòng, chung tay chống dịch, nghiêm túc hơn trong thực hiện các biện pháp, sớm đẩy lùi dịch bệnh.

"Trong nhiều lần tác nghiệp, tôi được chứng kiến thành viên các đội lấy mẫu xét nghiệm trong bộ đồ bảo hộ ướt sũng. Có bác sỹ bị cận, mắt kính nhòe nhoẹt, tấm kính chắn giọt bắn cũng mờ đục vì mồ hôi, hơi nóng tứa ra. Ở các chốt chặn, các lực lượng liên ngành làm việc xuyên đêm. Có nhân viên y tế lần đầu được tăng cường ở chốt chặn, dù trong bộ đồ nóng bức ướt đẫm nhưng khi được hỏi về cảm nhận thì anh vẫn cười, nói: 'Mình mệt còn hơn người dân khổ'," phóng viên Hoài Thương xúc động nhớ lại.

Những nữ phóng viên xông pha nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19 ảnh 2Phóng viên, nhà báo ở các cơ quan báo chí tác nghiệp ở Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Theo phóng viên Nguyễn Thủy, Báo Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân rất quan tâm đến mọi thông tin về dịch bệnh. Do đó, những thông tin đem đến độc giả đòi hỏi phải thật chính xác, trung thực nhất, tránh gây tâm lý hoang mang cho người dân. Ngoài cập nhật tình hình dịch bệnh, các tin, bài cũng luôn chú trọng tới các giải pháp mà thành phố, cả nước đang triển khai để người dân biết và cùng chung tay thực hiện.

Phóng viên Hoàng Lan, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng trong mùa dịch, phóng viên khá áp lực trong việc phải thông tin thật nhanh, nhưng điều quan trọng nhất là phải đảm bảo không sai sót. Điều đó góp phần quan trọng trong việc góp sức chung tay cùng cả nước chống dịch.

"Khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh có ca mắc COVID-19, thông tin ban đầu lan truyền trong 'làng' phóng viên rằng bệnh viện có nhiều ca mắc, trong đó có nhân viên Khoa Hồi sức cấp cứu chăm sóc bệnh nhân. Lúc này, chúng tôi biết bệnh viện đang rất rối nhưng chắc chắn sẽ công khai thông tin chính thức, nên kiên nhẫn chờ. Cùng lúc, cơ quan giao một phóng viên đến hiện trường ghi nhận thực tế và đúng là bệnh viện đang được phong tỏa. Tuy nhiên, thông tin chính thức sau đó là ban đầu có 3 nhân viên khu hành chính mắc COVID-19, chưa có nhân viên bên khối điều trị", phóng viên Hoàng Lan nêu ví dụ.

Theo phóng viên Hoàng Lan, từ câu chuyện này, nếu chẳng may vì chạy theo thông tin nhanh mà không đảm bảo tính xác thực của thông tin sẽ gây hoang mang trong dư luận. Thậm chí phóng viên và tờ báo sẽ bị "xử lý" do đưa thông tin sai sự thật.

Dù không phải là phóng viên phụ trách chính mảng y tế nhưng phóng viên Hoàng Tuyết, Báo Tin Tức (Thông tấn xã Việt Nam) luôn chủ động, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tăng cường thực hiện thông tin trong các đợt dịch.

Thường xuyên có những bài viết về công tác thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong mùa dịch, Hoàng Tuyết chia sẻ: "Bên cạnh những thông tin 'ảm đạm' về diễn biến phức tạp của dịch, tôi mong muốn những bài viết về những hành động đẹp, việc làm tốt sẽ mang đến cho bạn đọc những góc nhìn tích cực hơn, giảm đi sức nóng của tình hình dịch. Qua đó, cùng góp phần chung tay, tiếp thêm 'lửa' cho những người làm công tác chống dịch nơi tuyến đầu"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục