Trong “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19, chính quyền các cấp và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã thành công trong việc phát hiện, cách ly và chữa trị thành công cho tổng cộng 6 ca dương tính, ngăn chặn dịch lây lan ra địa bàn.
Thành công này không chỉ đến từ những người trực tiếp làm công tác chuyên môn mà còn có sự phối hợp từ những người làm công tác thông tin-truyền thông.
Trong số những phóng viên “ăn, ngủ với dịch,” có không ít nữ phóng viên dũng cảm, tâm huyết, không ngại khó khăn để có được những thông tin chuẩn xác, kịp thời cho độc giả.
Bài học quý báu
Sinh năm 1996 và mới có 1 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí, Mai Xuân Quỳnh (cộng tác viên Văn phòng đại diện miền Trung, báo Sài Gòn Giải Phóng) là cô gái trẻ nhất trực tiếp tác nghiệp về dịch COVID-19 tại Đà Nẵng.
Điều Quỳnh nhớ nhất là những đêm cùng các anh chị phóng viên túc trực đến khuya tại bệnh viện để đưa tin, chụp ảnh.
[Tác nghiệp an toàn tại 'điểm nóng' thiên tai dải đất miền Trung]
Mai Xuân Quỳnh nhớ lại: “Trước khi Đà Nẵng phát hiện ca dương tính đầu tiên với SARS-CoV-2, Thứ trưởng Bộ Y tế đã có buổi kiểm tra công tác chuẩn bị tại các bệnh viện, cơ sở y tế tại Đà Nẵng. Hôm đó, lịch làm việc là buổi chiều nên tôi tới bệnh viện từ khá sớm để chờ, nhưng chuyến bay bị trễ nên đến 21 giờ thì buổi làm việc mới bắt đầu. Đến 23 giờ 30, khi tác nghiệp xong và về đến nhà tôi mới nhớ ra mình còn chưa ăn tối. Trong những lúc “chạy đua” đưa tin như vậy, tôi không còn cảm thấy đói, mệt mỏi hay sợ đêm tối nữa.”
Ngay từ khi dịch COVID-19 chưa được phát hiện tại Đà Nẵng, Xuân Quỳnh đã thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin hàng ngày, vì đây là một trong những mảng tin tức cô được phân công phụ trách.
Từ đầu tháng 3/2020, khi Đà Nẵng phát hiện ca dương tính đầu tiên với virus SARS-CoV-2 đến khi tất cả các bệnh nhân xuất viện, Xuân Quỳnh luôn cố gắng để túc trực, không bỏ sót bất cứ thông tin quan trọng nào.
Cộng tác viên báo Sài Gòn Giải Phóng tâm sự: “Biết là dịch bệnh nguy hiểm, nhưng tôi luôn tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn cho bản thân nên không cảm thấy lo lắng khi đi tác nghiệp ở bệnh viện, khu cách ly, sân bay... Trái lại, tôi còn cảm thấy tự hào, hứng thú khi được vào những nơi đó để mang đến cho độc giả những hình ảnh chân thực nhất, cảm động nhất về các y bác sỹ, tình quân dân, quyết tâm “không ai bị bỏ lại phía sau” của các cấp, các ngành.”
Tròn một năm rời giảng đường đại học và quyết định theo nghề báo, Xuân Quỳnh đã hiểu rằng nghề này không phân biệt nam-nữ, cô cũng xác định “không sợ khổ” thì mới theo được nghề.
Sau đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, cô cộng tác viên năng động này đã có được những bài học về trách nhiệm người cầm bút, luôn nỗ lực hết mình để trở thành một “cầu nối” giữa bạn đọc và đội ngũ y bác sỹ tiền tuyến.
Những hình ảnh cảm động
Một cô gái trẻ thường xuyên tác nghiệp tại các “điểm nóng” khác là Tâm An, phóng viên Văn phòng miền Trung, Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Cô gái trẻ một mình chuyển từ Hà Nội vào Đà Nẵng nhận địa bàn công tác, rất hòa đồng cùng đồng nghiệp các báo và luôn sẵn sàng “tay bút, tay máy” cập nhật thông tin về dịch COVID-19 cho độc giả.
Chỉ riêng trong tháng 4/2020, Tâm An đã thực hiện hàng trăm tin bài, chùm ảnh về cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng.
Thường xuyên túc trực tại các bệnh viện, khu cách ly, bài học đầu tiên mà Tâm An ghi nhớ là phải luôn giữ an toàn khi tác nghiệp.
Tâm An kể: “Một lần tôi làm tin lãnh đạo thành phố thăm khu cách ly của người nước ngoài, do tới gần sát giờ nên tôi chạy vội vào chụp ảnh mà quên mất đó là nơi có khả năng lây nhiễm cao. Rất may, một số đồng nghiệp đã kéo lại, xịt nước rửa tay, nhắc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn... Mình đã rất xúc động với tình cảm, sự quan tâm của các đồng nghiệp khi đó và luôn tự nhắc nhở bản thân phải đảm bảo an toàn khi tác nghiệp.”
Theo nữ phóng viên Tâm An, dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng những hình ảnh về sự tận tụy, hy sinh của các y, bác sỹ sẽ mãi lưu lại trong trí nhớ của cô. Đó là hình ảnh một bác sỹ trưởng khoa lặng lẽ trở về phòng sau khi tiễn một bệnh nhân xuất viện, hình ảnh đôi mắt thâm quầng, rơm rớm của một bác sỹ khi chia sẻ về quá trình điều trị bệnh nhân, hình ảnh cô y tá dỗ con qua màn hình điện thoại khi con khóc đòi mẹ...
Tâm An vẫn còn nhớ mãi hình ảnh các bác sỹ mang theo đàn guitar, sách, bình thản vào khu tự nguyện cách ly sau khi tất cả các bệnh nhân đều đã xuất viện... Tận mắt chứng kiến những hình ảnh đó, Tâm An rất khâm phục đội ngũ y, bác sỹ và tự hứa với bản thân rằng phải chuyển tải những chi tiết, hình ảnh đó một cách chân thực nhất, sống động nhất tới các độc giả.
Bên cạnh đó, Tâm An cũng chứng kiến những cảm xúc vỡ òa xung sướng: “Ngày bệnh nhân cuối cùng xuất viện, tất cả y, bác sỹ đều ra tiễn, vẫn mặc đồ bảo hộ nhưng không khí rất vui tươi, phấn khởi, ánh mắt rất rạng ngời. Khi đó, tôi cảm thấy nghẹn ngào, sung sướng, biết ơn vì những biện pháp giãn cách kịp thời của các cấp chính quyền đã giúp dịch bệnh sớm được khống chế, các y, bác sỹ có thể được nghỉ ngơi.”
Vượt qua khó khăn
Nghề báo là một trong số ít nghề nghiệp không bị ngưng trệ vì dịch COVID-19, ngược lại, nhiều phóng viên còn phải làm việc với cường độ công việc cao hơn so với bình thường.
Là phóng viên phụ trách mảng y tế tại Trung tâm truyền hình Thông tấn (Vnews) khu vực miền Trung-Tây Nguyên, chị Hoàng Thị Mỹ Hà đã có những tháng ngày không thể nào quên khi tác nghiệp về dịch bệnh.
Ngày Đà Nẵng phát hiện 2 ca đầu tiên dương tính với SARS-CoV-2, Mỹ Hà đã cùng quay phim sản xuất 2 tin, 1 phóng sự truyền hình, tất bật từ sáng cho đến 9 giờ tối.
“Khi tôi về tới nhà, mở máy điện thoại ra thấy nhiều lời chúc mừng thì mới biết hôm đó là ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Đối với nữ phóng viên, việc tác nghiệp quên thời gian, quên bản thân như vậy đã là chuyện bình thường,” Mỹ Hà tâm sự.
Đã làm truyền hình thì phải có mặt tại hiện trường, phải đưa được những hình ảnh chân thực nhất, nên Mỹ Hà luôn giữ "trái tim nóng và cái đầu lạnh," đảm bảo giữ an toàn cho bản thân và đồng nghiệp.
Một lần đề nghị tác nghiệp trong khu cách ly đặc biệt, dù cho các phóng viên báo, đài khác đều bị từ chối, Mỹ Hà vẫn kiên nhẫn liên hệ hàng chục lần, thuyết phục lãnh đạo bệnh viện hiểu được tầm quan trọng trong công tác truyền thông chống dịch.
Cuối cùng, đoàn quay phim của Vnews là đoàn duy nhất được đồng ý vào ghi hình, tác nghiệp lần đó. Những thước phim, hình ảnh quý giá đó khi đăng tải lên nguồn tin của TTXVN đã được nhiều cơ quan báo chí, truyền hình khác sử dụng, đăng phát.
Cũng trong lần tác nghiệp đó, phóng viên Mỹ Hà và quay phim Xuân Sang đã có những kỷ niệm không thể quên với đồ bảo hộ y tế.
Phóng viên Mỹ Hà cho biết: “Lần đầu tiên tôi sử dụng bộ đồ bảo hộ tiêu chuẩn của bệnh viện, với nhiều lớp kín mít, nóng bức, không thoát được mồ hôi, trên mặt cũng phải đeo tới 3 lớp khẩu trang và kính che, khi tháo bộ đồ ra cũng phải đúng quy trình từng lớp, kèm xịt khử khuẩn. Lần đó, tôi chỉ mặc gần 1 giờ nhưng khi cởi bỏ bộ đồ thì toàn thân đã ướt đẫm mồ hôi, cảm giác ngột ngạt khó tả. Từ đó, tôi càng thêm khâm phục, cảm thông và yêu thương các y, bác sỹ phải làm việc cả ngày trong điều kiện như thế.”
Mỹ Hà cho biết phóng viên nữ có khó khăn riêng khi thực hiện công việc trong những đợt cao điểm chống dịch dài ngày như các nhược điểm về thể hình, sức khỏe, sức dẻo dai, thiếu thời gian chăm sóc cho bản thân, gia đình... Nhưng bù lại, các nữ phóng viên cũng có lợi thế ở khả năng thuyết phục, sự khéo léo, chu toàn, cẩn thận.
“Quan trọng nhất, tôi luôn ý thức dù là nam hay nữ thì luôn phải có mặt tại những thời điểm quan trọng, những nơi khó khăn, nguy hiểm để có được thông tin mà khán giả cần. Trong đại dịch vừa qua, lượng tin giả phát tán trên các trang mạng, trong cộng đồng rất nhiều. Điều đó càng thôi thúc những người làm báo phải có thông tin nhanh nhất, trung thực nhất, sống động nhất đến với mọi người,” Mỹ Hà cho biết.
Chính sự cống hiến, hết mình với công việc của các nữ phóng viên nói riêng cũng như các nhà báo nói chung trong đợt dịch vừa qua đã góp phần tạo nên chiến thắng của toàn dân ta trước đại dịch toàn cầu.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, thành viên Tiểu ban truyền thông (Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng) nhận định: "Để đạt được kết quả ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh thành công như vậy, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng đánh giá cao sự phối hợp của các nhà báo, cơ quan báo chí. Thời gian qua, các nhà báo, nhất là các nữ phóng viên đã không quản gian khổ, vất vả để đồng hành cùng các Sở, ban, ngành thành phố Đà Nẵng trong công tác phòng chống dịch bệnh."
"Nhờ các phóng viên, nhà báo, những thông tin mới về chủ trương, biện pháp trong công tác chỉ đạo của Chính phủ, của thành phố; những tấm gương, việc làm tiêu biểu của các tập thể, cá nhân trên địa bàn thành phố được kịp thời lan tỏa...Sự dũng cảm của các phóng viên, nhà báo đã giúp chính quyền, nhân dân toàn thành phố Đà Nẵng sát cánh, đồng lòng phòng, chống, đẩy lùi thành công bệnh dịch nguy hiểm toàn cầu này," bà Nguyễn Thị Phượng cho biết thêm./.