Với những nữ phi công, tiếp viên hàng không hay nhân viên dịch vụ của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), để khoác lên mình tấm đồng phục là cả một quá trình gian nan khổ luyện và nỗ lực không ngừng nghỉ.
Họ tâm niệm, những việc “cánh mày râu” làm được thì người phụ nữ phải có đam mê lớn chừng nào mới có đủ nghị lực và kiên trì theo đuổi nghề nghiệp này.
Không phải vì là phụ nữ mà hạ thấp tiêu chuẩn
Được bay trên bầu trời như những loài chim luôn là ước mơ của Nguyễn Thị Ngọc Bích từ thủa còn chập chững. Bởi vậy, năm 2011, khi đang ổn định với công việc của một tiếp viên tại Vietnam Airlines, cô gái bé nhỏ ấy lại thông báo với gia đình rằng mình sẽ chính thức nghỉ việc và “chuyển vai.”
Đắn đo rất nhiều khi từ bỏ vị trí tiếp viên hàng không, Bích vẫn nhớ như in ngày mặc bộ áo dài sải bước lên chuyến bay đầu tiên, cũng là ngày ước mơ thủa nhỏ đã thành sự thực, giây phút ấy chị không bao giờ quên.
Tiếp xúc với các anh phi công, chị thấy được sự tự tin, bản lĩnh của những con người làm chủ bầu trời. Để rồi một ngày, chị quyết định rời bỏ công việc của một tiếp viên để hướng tới những chân trời mới của nghề phi công thương mại.
[Những nhân viên hàng không quên Tết để phục vụ 'thượng đế']
Bước từ khoang làm việc của tiếp viên lên khoang lái chỉ là một bước chân, nhưng để bước một bước chân ấy, Bích đã phải đổ biết bao mồ hôi và nước mắt bởi ba năm huấn luyện là quãng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời.
“Dù đã biết trước sẽ không dễ dàng nhưng cũng không thể tưởng tượng được hết sự khắc nghiệt của quá trình khổ luyện để đào tạo phi công. Chẳng phải tự nhiên mà công việc này vốn dĩ chỉ dành cho phái mạnh. Người phụ nữ phải có đam mê lớn chừng nào mới có đủ nghị lực và kiên trì theo đuổi nghề nghiệp này,” nữ cơ trưởng nói.
Bích bảo mình luôn nỗ lực từng ngày để có thể tự tin ngồi vào khoang lái, chịu trách nhiệm an toàn cho hàng trăm hành khách phía sau. Những lúc kiệt sức, cô không thể chia sẻ cùng ai vì không muốn người thân phải lo lắng quá nhiều cho mình. Có những khi cô đơn, mệt mỏi đến phát khóc, Bích cũng chưa bao giờ suy nghĩ đến chuyện từ bỏ, vượt qua những phút yếu lòng để tiến về phía trước. Sau ba năm huấn luyện, năm 2014, Ngọc Bích chính thức trở thành nữ Cơ trưởng máy bay A321 của Đoàn bay 919 (Vietnam Airlines).
“Cảm xúc lần đầu tiên một mình điều khiển máy bay mà không có giáo viên hướng dẫn bay cùng thật sự hạnh phúc, tự hào vì mình vượt qua bản thân. Mỗi lần được ngắm vẻ đẹp choáng ngợp của bầu trời hay đổi theo từng khung giờ ngay trước khoang lái, nơi mà cánh phi công vẫn ví von gọi là ‘văn phòng trên mây’ khiến bao mọi mệt mỏi dường như tan biến,” Bích hồ hởi cho hay.
Khẳng định nghề phi công không phân biệt giới tính, theo Bích, quá trình đào tạo, huấn luyện cho đến địa bàn làm việc của người lái máy bay là môi trường của những người chuyên nghiệp. Không bao giờ chỉ vì bạn là nữ mà những tiêu chuẩn, quy trình lại thay đổi và hạ thấp.
“Công việc của phi công phải thường xuyên phải xa nhà nên luôn cần có sự cảm thông rất lớn từ gia đình. Đó là hậu phương, là điểm tựa của người phi công giống như như bến đỗ, sân ga của mỗi chiếc máy bay. Tôi may mắn có gia đình luôn hậu thuẫn bên mình và được làm việc bằng niềm đam mê. Tôi biết ơn cuộc sống bởi những điều tốt đẹp ấy và sẽ cố hết sức để có thể cân bằng được việc chăm sóc, quan tâm đến gia đình và phát triển trong nghề,” Cơ trưởng Ngọc Bích chia sẻ.
Hướng bản thân trở thành phiên bản mới, tốt hơn
“Khi tất cả các hành khách vừa lên chuyến bay và đang ổn định chỗ ngồi, một vị khách nam tiến đến chỗ tôi với một bó hoa rất đẹp với lời chúc mừng ngày 8/3 đến các chị em trong phi hành đoàn Vietnam Airlines. Chúc các chị em luôn xinh đẹp, vui tươi và là một phần không thể thiếu của cả thế giới,” Tiếp viên trưởng Phạm Thị Như Phú vẫn nhớ ký ức tuyệt vời nhất về những chuyến bay trong ngày mà cả thế giới hướng về Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.
Có 8 năm gắn bó cùng Vietnam Airlines là khoảng thời gian Như Phú từng bước hiện thực hóa giấc mơ của bản thân, được khám phá những miền đất mới và mang nụ cười đến cho tất cả mọi người.
Với chị, hình mẫu phụ nữ lý tưởng là một người tự lập, mạnh mẽ, có khả năng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống nhưng không đánh mất sự dịu dàng, nữ tính của một người phụ nữ Việt Nam.
“Mẹ chính là người phụ nữ lý tưởng bởi tuổi thơ lớn lên dưới sự chăm sóc, dạy bảo và những bữa cơm ngon. Đôi khi có lịch bay dày, tôi vẫn được mẹ chuẩn bị những phần cơm mang theo, đó là điều vô cùng may mắn và luôn hy vọng mình sẽ trở thành một người mẹ, một người phụ nữ như mẹ,” nữ tiếp viên xúc động nói trong khi đôi mắt ngấn lệ.
[Nữ nhân viên hàng không Vietnam Airlines có bốn năm đón Tết ở sân bay]
Không hề nuối tiếc khi lựa chọn công việc chuyên viên dịch vụ hành khách của Vietnam Airlines trong 7 năm qua, Lý Thu Thảo cho biết phục vụ hành khách không đơn thuần chỉ là trách nhiệm mà nó còn đem đến cho cô những bài học mới, kinh nghiệm mới vô cùng chân thực và sống động bởi mỗi một vị khách, tình huống gặp luôn mang lại những trải nghiệm và cảm xúc khác biệt.
Là một cô gái hiện đại và phóng khoáng, Thu Thảo cho rằng phụ nữ hiện đại cần phải biết yêu thương và chăm sóc bản thân mình. Yêu thương ở đây không phải là sống ích kỷ, chỉ nghĩ cho riêng mình mà là không ngừng trau dồi để bản thân trở thành phiên bản mới, tốt hơn, có như thế mới có thể dành tình yêu cho mọi người và đem lại những giá trị khác cho cuộc sống.
Trong dịp ngày 8/3 này, cô chia sẻ món quà lớn nhất mình nhận được chính là của mẹ - người luôn người cho cô những lời khuyên, lời động viên, an ủi đầy ấm áp mỗi khi cô gặp khó khăn trong công việc chăm sóc khách hàng hiện tại.
“Ngoài ra, những bông hoa nhỏ, chiếc bánh ngọt ngào từ anh em đồng nghiệp hay thi thoảng là vài mẩu giấy chúc mừng từ khách hàng cũng là những món quà bất ngờ khiến cô và các chị em khác vui vẻ suốt cả ca trực,” Thu Thảo vui vẻ nói./.