Họ là những người phụ nữ tưởng chừng như tuyệt vọng khi nhận được tin mình đã mắc bệnh ung thư vú. Nhưng, bằng nghị lực, niềm tin và sự động viên của mọi người, những "chiến binh" ấy đã chiến thắng bệnh tật, chung sống với bệnh ung thư 8,10, 12 năm qua.
Các câu chuyện cảm động của những “chiếc nơ hồng” đã minh chứng cho hành trình vượt qua bạo bệnh để sống khoẻ, sống vui đã được chia sẻ tại Lễ phát động chiến dịch truyền thông và khám sàng lọc ung thư vú diễn ra ngày 18/10 tại Hà Nội.
Những nữ chiến binh dũng cảm
Nén lại những nỗi đau và những giọt nước mắt, chị Lê Thị Thanh Nga (43 tuổi, ở Cầu giấy, Hà Nội) tâm sự về hành trình điều trị của chị với những vết sẹo chi chít trên cơ thể và những cuộc mổ đại phẫu đầy thử thách.
[Sức mạnh của dải ruybăng hồng trong cuộc chiến chống ung thư vú]
Không được may mắn như những người khác, trong vòng 3 năm chị Nga phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật lớn. Đợt đầu tiên chị điều trị khối u nguyên phát vào năm 2017 và trải qua cuộc mổ gần 8 giờ đồng hồ; lần thứ 2 là phẫu thuật khối u tái phát vào năm 2020, mổ diện rộng bỏ toàn bộ khối u.
“Trên cơ thể tôi hiện nay chằng chịt các vết sẹo ngang dọc, có những lúc bản thân tôi cũng không dám nhìn thẳng trực tiếp hay nhìn trong gương. Tuy nhiên, so với việc được có cơ hội để sống tiếp trên cuộc đời này thì những vết sẹo đó không còn đáng sợ nữa. Tôi cảm thấy trân trọng cả những vết sẹo sần sùi, xấu xí bởi đó là minh chứng cho những nỗi đau trong hành trình chống ung thư vú. Ngẫm lại, cũng có lúc tôi hèn nhát muốn bỏ cuộc, nhưng được sự động viên đồng hành của gia đình, các y bác sĩ và tin tưởng vào sự tiến bộ của y học, tôi lạc quan vào ngày mai bình yên và chiến thắng ung thư để trở về cuộc sống bình yên như hôm nay,” chị Nga kể.
Còn với chị Đỗ Thị Thuỷ, 55 tuổi (ở Đông Anh, Hà Nội) đã chung sống với bệnh ung thư vú suốt 12 năm qua. Sau khi phát hiện ở giai đoạn sớm, chị đã điều trị tích cực và đến nay sức khoẻ khá tốt.
“Tôi chỉ có một điều từ kinh nghiệm của mình để chia sẻ với các chị em đó là mọi người hãy tầm soát kiểm tra thường xuyên về ung thư tuyến vú để không bỏ lỡ cơ hội vàng điều trị kịp thời. Đặc biệt, mọi người hãy giữ tinh thần thoải mái, lạc quan trong quá trình điều trị,” chị Thuỷ cho hay.
Một trường hợp khác, chị Bùi Thị Tuyết Nhung (ở Hà Nội) đã chung sống với bệnh ung thư vú 8 năm nay. Chị Nhung cho hay: “Ung thư khiến cho tôi thêm nhiều nghị lực và sống có trách nhiệm hơn. Khi mắc bệnh, tôi học cách chấp nhận và vượt lên hoàn cảnh. 8 năm qua, tôi sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc và hạnh phúc với mỗi trải nghiệm trong thời gian qua và trân trọng từng phút giây.”
Ung thư vú ngày càng trẻ hóa
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh hiện nay căn bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng lớn của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ung thư vú là bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo thống kê của Ghi nhận ung thư năm 2020, mỗi năm cả nước có 21.555 ca mắc mới ung thư vú chiếm 25,8% tổng số các loại bệnh ung thư ở nữ giới.
“Đáng lo ngại hơn, tại Việt Nam hiện nay, ung thư vú đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Hơn nữa, do yếu tố tâm lý nên nhiều phụ nữ còn e ngại, trì hoãn việc khám sàng lọc để được phát hiện sớm ung thư vú. Còn rất nhiều chị em tới bệnh viện thăm khám đều ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kém. Vì vậy việc tầm soát phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nếu được phát hiện sớm, tỉ lệ chữa khỏi có thể lên đến 90%, cùng với đó chi phí và hiệu quả điều trị cũng thuận lợi hơn rất nhiều,” Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Đặc biệt, việc điều trị ung thư vú hiện nay đã có những bước tiến lớn về phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và kết hợp với các phương pháp điều trị khác như liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp sinh học (điều trị nhắm trúng đích), liệu pháp miễn dịch và thực tế đã cải thiện đáng kể chất lượng điều trị ung thư vú.
Theo số liệu của bệnh viện K những năm gần đây tỷ lệ khám phát hiện ung thư vú giai đoạn sớm (Giai đoạn 0, 1, 2) đã đạt trên 70% và tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú cũng đã đạt 70% ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Video về Chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức và tầm soát ung thư vú:
Phó giáo sư Nguyễn Thị Xuyên - Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng nhấn mạnh: “Việc tầm soát phát hiện sớm ung thư vú đối với phụ nữ rất quan trọng. Thông qua chiến dịch này, chúng tôi mong muốn phụ nữ Việt Nam sẽ được trang bị các kiến thức cũng như nâng cao nhận thức về căn bệnh tử vong hàng đầu này. Tôi mong muốn phụ nữ chúng ta hãy biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân, đặc biệt là chủ động thực hiện định kỳ thói quen tầm soát ung thư vú.”
Bởi vậy, Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng cùng chung tay đẩy lùi ung thư vú. Các doanh nghiệp, tổ chức cần đưa chương trình sàng lọc ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng đối với phụ nữ bước sang tuổi 40 vào chương trình khám sức khỏe định kỳ để hướng tới một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh, không còn ai tử vong vì căn bệnh này./.
Chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức và tầm soát ung thư vú là hoạt động thường niên của Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng từ năm 2013 đến nay. Ngoài truyền thông, chiến dịch đã tổ chức khám sàng lọc ung thư miễn phí cho hơn 72.000 phụ nữ, trong đó đã phát hiện được 38 trường hợp ung thư vú. Năm nay, chương trình khám sàng lọc miễn phí ung thư vú (gồm khám lâm sàng, siêu âm vú cho 100% phụ nữ tới khám và chụp nhũ ảnh các trường hợp nghi ngờ ác tính) sẽ được Quỹ triển khai cho 3.400 phụ nữ tại 05 bệnh viện trên toàn quốc gồm: Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh và 3 điểm trong cộng đồng từ ngày 18/10-20/11/2022. Tại sự kiện, Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng đã ra mắt cuốn sách “Câu chuyện nơ hồng.” Cuốn sách là tuyển tập các câu chuyện truyền cảm hứng về những chiến binh kiên cường trên hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư vú. |