Ca trù vốn dĩ là một loại hình nghệ thuật "bác học," với lời ca “trong như tiếng hạc bay qua” cùng nhịp phách nói hộ nỗi lòng đã làm thổn thức không biết bao nhiêu “tao nhân, mặc khách.” Thế nhưng, cơ chế chính sách không đủ giữ chân nghệ nhân, vì gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền” nhiều ca nương đã phải rời bỏ chiếu hát đi kiếm kế mưu sinh khác.
Ca trù trên quê hương cụ Nguyễn Công Trứ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang loay hoay để giữ gìn và bảo tồn di sản này.
Nỗi lòng đào nương
Đều đặn mỗi chiều thứ 3 và 5 hàng tuần, tại sân nhà thờ danh nhân Nguyễn Công Trứ lại vang lên những tiếng đàn “tùng, tếnh” trầm đục cùng những lời ca như ai oán, nỉ non. Đó là buổi sinh hoạt của các thành viên hai câu lạc bộ ca trù Nguyễn Công Trứ và Cổ Đạm.
Trên chiếu, nghệ nhân ưu tú Trần Văn Đài đang thả hồn vào tiếng đàn đáy để đệm cho ca nương trẻ Thu Hà cất giọng hát. Tiếng đàn của anh đã buồn nay lại càng trầm đục hơn khi đã lâu không được song hành cùng tiếng ca của người bạn đời, người vợ là nghệ nhân ưu tú Dương Thị Xanh vốn là những hạt nhân cốt lõi của Câu lạc bộ ca trù Cổ Đạm bỏ nghề đi làm kinh tế khác.
Xuất thân là nông dân nhưng bằng niềm đam mê mãnh liệt với ca trù, vợ chồng anh Đài, chị Xanh đã tình nguyện bố trí, sắp xếp việc đồng áng để cơm đùm, cơm nắm đến nhà các nghệ nhân cao tuổi học hát với ý thức trách nhiệm lớn. Năm 1995, khi Câu lạc bộ ca trù Cổ Đạm được thành lập, vợ chồng anh Đài, chị Xanh nhanh chóng trở thành những thành viên nòng cốt và là Chủ nhiệm câu lạc bộ.
[Liên hoan ca trù 2018: ‘Cuộc chơi’ của đào nương, kép đàn thế hệ mới]
Bằng những nỗ lực không mệt mỏi, lời ca tiếng đàn của anh Đài, chị Xanh đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng công chúng yêu âm nhạc. Những tấm huy chương, giải thưởng lớn tại các đợt liên hoan ca trù toàn quốc càng khẳng định thêm nỗ lực gìn giữ báu vật do tổ tiên để lại cho cặp vợ chồng này. Năm 2012, chị Dương Thị Xanh trở thành người trẻ tuổi nhất được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian và một năm sau đó, anh Trần Văn Đài cũng vinh dự được nhận danh hiệu này. Đến năm 2015 cả hai vợ chồng đều được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Ấy vậy mà khi tài năng vừa vào độ chín, lại được xã hội ghi nhận, thì năm 2016 chị Dương Thị Xanh lại phải gác lại đam mê để đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Anh Đài tâm sự: “Vợ chồng tôi đến với ca trù bằng đam mê của những người nông dân, nhưng gánh nặng mưu sinh quá lớn khi cả ba đứa con đang tuổi ăn học, nên tôi phải để cho vợ đi xuất khẩu lao động. Với nguồn hỗ trợ mỗi tháng hơn 1 triệu đồng của địa phương, cùng với thu nhập ít ỏi từ hát ca trù không đủ cho sinh hoạt của gia đình năm người…”
Nỗ lực giữ gìn di sản
Tại Nghi Xuân, mỗi tuần Câu lạc bộ ca trù Nguyễn Công Trứ đều đặn sinh hoạt 2 buổi tại sân nhà thờ danh nhân Nguyễn Công Trứ. Tiếng là thế, nhưng hầu như rất ít khán giả, chủ yếu là các nghệ nhân hát cho nhau nghe. Còn tại Cổ Đạm, hầu hết ca nương, kép đàn đều là những nông dân trong làng, dù say mê đến mấy cũng không thể bỏ công việc đồng áng, bởi đó mới là nguồn thu nhập chính của gia đình. Trong khi đó chính quyền chưa có chế độ, chính sách nhằm khuyến khích nghệ nhân dân gian hoạt động trong lĩnh vực này. Số nghệ nhân, ca nương bỏ sinh hoạt, bỏ hát ngày một nhiều.
Chị Trần Thị Cảnh - Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao và du lịch huyện Nghi Xuân cho biết: Trước khi Nghệ nhân ưu tú Dương Thị Xanh đi xuất khẩu lao động thì ca nương Dương Thị Nết cũng từ bỏ ca trù để sang Đức mưu sinh. Những thế hệ kế cận, trưởng thành từ phong trào hát ca trù trong nhà trường như Nguyễn Thị Minh Ngọc (sinh năm 1998) cũng đã lựa chọn con đường xuất khẩu lao động sau khi rời ghế nhà trường.
Năm 2009, ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Từ đó đến nay, trên địa bàn huyện Nghi Xuân đã thành lập được 2 câu lạc bộ ca trù là Cổ Đạm và Nguyễn Công Trứ vào các năm 1995 và 1998. Tuy vậy, đến năm 2015 mới được hỗ trợ 65 triệu đồng/câu lạc bộ và 30 triệu đồng/câu lạc bộ vào năm 2016. Từ đó đến nay, nguồn kinh phí này bị cắt khiến các câu lạc bộ có thể phải ngừng hoạt động.
Cũng theo chia sẻ của Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao và du lịch huyện Nghi Xuân Trần Thị Cảnh: Để duy trì hoạt động của hai câu lạc bộ ca trù trên, Trung tâm đã vận dụng mọi cách, đưa cán bộ của Trung tâm vào đào tạo để giữ phong trào và hợp đồng thêm ba cán bộ, mỗi người một tháng lương cơ bản để duy trì sinh hoạt ca trù. Đối với các em đã tham gia sinh hoạt, sau khi đi xuất khẩu lao động quay về quê hương được Trung tâm vận động trở lại tham gia sinh hoạt theo mùa vụ, như Tú Anh, Phương Anh, Cẩm Tú, Khuyên. Nhưng vẫn chưa có chế độ đãi ngộ nào xứng đáng để các em yên tâm sinh hoạt, nên rất mong các cấp, ngành quan tâm hơn nữa với loại hình nghệ thuật ca trù này để các nghệ nhân và nghệ sỹ gắn bó với nghề hơn./.