Nội dung nào mới trong dự án Luật Giao thông đường bộ?

Những nội dung mới trong dự án Luật Giao thông đường bộ

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết có nhiều nội dung mới được quy định trong dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Sáng nay (ngày 11/11), trong cuộc thảo luận ở tổ về các dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã làm rõ nhiều vấn đề liên quan được đề cập tới trong luật sửa đổi lần này.

Luật Giao thông đường bộ ban hành lần đầu năm 2001, đến 2008 phát hiện một số bất cập nên Quốc hội đã ban hành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Từ năm 2008 đến 2018, Bộ Giao thông Vận tải đã tổng kết việc thực hiện luật, xác định một số ưu điểm, hạn chế và những bất cập mà thực tiễn đặt ra để đăng ký với Chính phủ, Quốc hội chỉnh sửa trong nhiệm kỳ này.

Từ tổng kết thực tiễn, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Chính phủ và được Bộ Tư pháp thẩm định, sau đó trình qua Quốc hội, Quốc hội giao Ủy ban An ninh quốc phòng thẩm tra, báo cáo Quốc hội đưa vào chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ tiến hành xây dựng, điều chỉnh cụ thể các điều khoản.

“Đến thời điểm này, có thể nói Luật Giao thông đường bộ sửa đổi thực hiện đúng trình tự thủ tục và Nghị quyết của Quốc hội cũng như cập nhật gần như đầy đủ các nội dung mới liên quan đến quản lý giao thông đường bộ,” Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.

Trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, để tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội. Tới kỳ họp thứ 11 năm 2021, Quốc hội sẽ xem xét để ban hành Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong luật hiện nay có một số nội dung mới, ngoài việc điều chỉnh 2 chương để Bộ Công an xây dựng luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bao gồm một là quy tắc giao thông, hai là những vấn đề liên quan đến đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và đổi giấy phép lái xe. Các chương còn lại, Bộ Giao thông cập nhật toàn bộ các vấn đề mới.

Sẽ quy hoạch tới 10.000km đường cao tốc?

Nội dung mới thứ nhất, theo người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất việc sẽ thu phí trên đường cao tốc. Các quốc lộ hiện nay không tiến hành thêm dự án BOT để thu phí theo Nghị quyết 427. Do đó đường cao tốc là đường mới song hành với quốc lộ hiện nay.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: “Chúng tôi thấy bài học kinh nghiệm từ dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương sau khi dừng thu phí thì việc quản lý tuyến đường này vô cùng khó khăn. Bởi khi vắng bóng lực lượng chức năng, người dân sẵn sàng đi xe máy vào. Do đó, việc quản lý đường cao tốc thời gian qua gặp nhiều khó khăn.”

“Thậm chí, đường được thiết kế với tốc độ 100km/h, nhưng thực tế vận tốc dòng xe chỉ có thể đạt 50-60km/h, không đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn của đường cao tốc. Mặc dù lực lượng công an, thanh tra giao thông địa phương đều phối hợp chặt chẽ nhưng việc điều tiết phương tiện hết sức khó khăn.”

Trước thực tế này, Chính phủ đã có chỉ đạo phải nghiên cứu để thu phí lại tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương. Việc thu phí sẽ điều tiết những phương tiện cần đi nhanh sẽ chọn cao tốc, phương tiện cần đi chậm hơn sẽ chọn đường quốc lộ, để tránh tình trạng tất cả xe đều lên đường cao tốc, biến đường cao tốc thành đường bình thường.

Vấn đề này Thủ tướng cũng đã kết luận hơn một năm nay, giao cho Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính xây dựng phương án. Vừa qua, Chính phủ cũng đã họp nhiều phiên và đang chuẩn bị báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về đề án thu phí trên đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương để vừa quản lý giao thông vừa điều tiết phương tiện giao thông đồng thời có nguồn vốn đầu tư trở lại các dự án đường cao tốc.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay ngân sách đang hết sức khó khăn trong thực hiện các kế hoạch. Theo quy hoạch, Việt Nam có 6.400km đường cao tốc, nhưng thực tế đến thời điểm này mới khai thác được khoảng 1.200km; số đang xây dựng và chuẩn bị thi công cộng lại mới được khoảng 2.000km và cũng phải tới 2023 mới đủ điều kiện đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định quy hoạch 6.400km cao tốc hiện nay đã lạc hậu. Bởi khi đường cao tốc vận hành, tất cả các địa phương đều thu hút đầu tư kinh tế rất nhanh. Do đó nhiều địa phương đang kiến nghị điều chỉnh quy hoạch để đường cao tốc phải kết nối trung tâm tỉnh lỵ của tất cả các tỉnh, các trung tâm kinh tế lớn, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của kinh tế-xã hội.

“Hiện Bộ Giao thông Vận tải cũng đang tiếp thu và chúng tôi dự kiến khả năng lớn là quy hoạch đường cao tốc sẽ lớn hơn con số 6.400km nhiều, cũng có thể lên tới 10.000km, để kết nối tất cả các trung tâm tỉnh. Với kinh phí đầu tư lớn như thế Nhà nước không có khả năng, huy động xã hội hóa cũng đang rất khó khăn nên Chính phủ chủ trương đưa vào trong Luật 1 điều khoản thu phí trên đường cao tốc,” Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nói.

Thêm nhiều quy định mới

Nội dung mới thứ hai, hiện Chính phủ đã trình và Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ môi trường.

Hiện môi trường đang phải gánh những tác động tiêu cực rất nghiêm trọng. Các thành phố lớn rất nhiều ngày trong năm ô nhiễm ở mức báo động, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

Việt Nam đang có 4,3 triệu ôtô, hơn 60 triệu xe môtô, trong đó có nhiều phương tiện cũ, xả thải nhiều ra môi trường, và được nhận định là tác nhân chính của giao thông đường bộ gây ô nhiễm môi trường.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cùng với Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ có chỉ đạo quản lý khí thải môtô nhằm có giải pháp cải tiến công nghệ bảo vệ môi trường.

“Việc này có một số nước như Đài Loan đang thực hiện tốt. Vì vậy chúng tôi đang học hỏi mô hình và đưa vào Luật Giao thông đường bộ, cùng đưa vào Luật Bảo vệ môi trường giải pháp kiểm soát khí thải. Dĩ nhiên việc này phải có lộ trình, ko phải đưa vào luật là làm ngay, mà chọn đối tượng từng bước, từng năm, từng thời kỳ tiến dần tới quản lý toàn bộ khí thải môtô. Trước mắt, chúng ta có thể chọn phương tiện môtô phân khối lớn, hoặc loại môtô sử dụng đã lâu từ 20-30 năm, tiến tới quản lý toàn bộ,” người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải nói.

Nội dung mới thứ 3, Bộ Giao thông Vận tải quy định giấy phép hành nghề kinh doanh vận tải.

Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết việc này Bộ đưa từ đầu chứ không phải sau khi có Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Hiện nay, giáo trình đào tạo ở các trường đào tạo cấp giấy phép lái xe ôtô có 2 phần là kỹ năng lái xe và kinh doanh vận tải, có nghĩa người học lái xe học 2 phần và thi 2 phần. Tuy nhiên, nhiều người chỉ lái phương tiện cá nhân mà không kinh doanh nhưng hiện vẫn phải học, vì giáo trình thống nhất như vậy. Do đó thời gian học lý thuyết, thi kéo dài, nội dung nhiều, câu hỏi phức tạp.

“Chúng tôi sẽ học hỏi kinh nghiệm một số nước như Hàn Quốc, nếu học lấy giấy phép lái xe chỉ học một phần liên quan đến kỹ năng, biển báo… và cấp 1 lần. Thứ 2 là những người kinh doanh vận tải, số lượng này ít. Hàn Quốc chia 2 nhóm, phương tiện cá nhân và phương tiện kinh doanh vận tải; trong đó người kinh doanh vận tải phải học thêm quy định về kinh doanh vận tải. Theo số liệu của chúng tôi hiện nay, trong số 4,3 triệu ôtô đang lưu hành ở Việt Nam có khoảng 1,7 triệu phương tiện kinh doanh vận tải, còn lại là phương tiện cá nhân. Khi ‘bóc tách’ như Hàn Quốc thì phần đào tạo sát hạch lái xe sắp tới chắc chắn sẽ giảm,” Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Nội dung mới thứ 4, tất cả phương tiện vận tải công cộng có liên quan đến tính mạng con người theo quy định hiện hành phải có thiết bị giám sát hành trình, để biết được xe đang đi đâu, ở chỗ nào, hoạt động có đúng như đăng ký không và phải lắp camera hành trình để giám sát sự cố kỹ thuật, nguyên nhân tai nạn giao thông, có giải pháp rút kinh nghiệm. Còn riêng xe cá nhân không quản lý việc này.

Nội dung mới thứ 5, Bộ Giao thông Vận tải đã cụ thể hóa Nghị định 100 bằng luật để xử phạt nguội. Đây được đánh giá là cuộc cách mạng lớn. Để chuẩn bị phạt nguội tất cả hành vi trên đường, tới đây sẽ hình hành hệ thống camera công cộng, ngoài việc giám sát hoạt động của lái xe, còn để xử lý những vấn đề an ninh trật tự của địa phương. Việc lắp camera trên đường như vậy sẽ giám sát toàn bộ hoạt động vi phạm của xã hội.

“Cùng với cuộc cách mạng này, chúng tôi luật hóa việc xử phạt. Ví dụ, giám sát camera mà phát hiện đỗ xe ko đúng quy định, vượt đèn đỏ, ko nhường đường… thì công an và các lực lượng chức năng có thể xử phạt nguội. Hiện các thành phố cũng đang đẩy mạnh việc trang bị công nghệ để quản lý đô thị, quản lý vỉa hè,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Nội dung cuối cùng, Bộ Giao thông Vận tải rút kinh nghiệm những công nghệ mới vừa qua, khi Uber, Grab ra đời luật không theo kịp, dẫn đến không biết quản lý thế nào.

“Do đó, hiện nay trong luật chúng tôi dự kiến sắp tới có xe lái tự động, có thể có taxi bay, hay loại hình vận tải mới… Để đảm bảo hiệu quả, trong luật có điều khoản khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến giao thông đường bộ thì giao cho Chính phủ ban hành Nghị định để thực hiện, tránh tình trạng lúng túng như khi Uber, Grab ra đời. Luật bổ sung sẽ bao quát toàn bộ các vấn đề có thể xảy ra để Chính phủ chủ động trong công tác quản lý,” Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thông tin./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục