Những nỗ lực nhằm thu hẹp "lỗ hổng" thuế của các cường quốc

Sau khi đạt được thỏa thuận trong cả OECD và G20, mục tiêu đặt ra là thuyết phục các quốc gia còn lại tham gia vào Kế hoạch cải cách thuế toàn cầu của OECD.
Những nỗ lực nhằm thu hẹp "lỗ hổng" thuế của các cường quốc ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: OECD)

Theo The Nikkei Asia, ngày 1/7, các nhà đàm phán từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã nhất trí về quy định áp thuế tối thiểu trên phạm vi toàn cầu nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua về thuế suất.

Kế hoạch cải cách thuế toàn cầu của OECD bao gồm hai phần: Quy định áp mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các doanh nghiệp và quy định một loại thuế kỹ thuật số áp dụng cho các doanh nghiệp kỹ thuật số trên toàn cầu.

Những khác biệt của hai đề xuất quan trọng

Phần đầu tiên của kế hoạch yêu cầu áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu là 15%. Đây cũng là mức mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất. Việc áp mức thuế tối thiểu 15% có nghĩa là nếu một tập đoàn và các công ty con nộp thuế ở nước ngoài dưới mức tối thiểu, họ sẽ tiếp tục phải nộp khoản chênh lệch so với mức tối thiểu tại chính quốc gia của họ.

Từ đó, việc chuyển lợi nhuận sang các quốc gia khác có mức thuế thấp hơn mức tối thiểu sẽ không còn hấp dẫn với các doanh nghiệp nữa. Mức thuế tối thiểu sẽ được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp có doanh thu hàng năm trên 750 triệu euro.

Trong khi đó, doanh thu thuế từ doanh nghiệp sẽ được phân phối lại một phần. Cho đến nay, các doanh nghiệp chủ yếu nộp thuế tại quốc gia nơi họ đặt trụ sở.

Trong tương lai, việc đánh thuế sẽ được thực hiện nhiều hơn tại nơi mà doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh và tạo ra doanh thu. Ví dụ, các tập đoàn như Apple hay Google sẽ phải đóng nhiều thuế hơn ở châu Âu; trong khi các tập đoàn của Đức như Volkswagen sẽ phải nộp nhiều thuế hơn ở các quốc gia như Trung Quốc.

Đề xuất thứ hai liên quan đến chính sách thuế kỹ thuật số mới, nhắm vào khoảng 100 công ty công nghệ có doanh thu ít nhất là 20 tỷ euro (23,7 tỷ USD) với tỷ suất lợi nhuận 10%, đã được OECD thông báo sau khi các cuộc đàm phán kết thúc.

[Mỹ kêu gọi nhiều quốc gia tham gia thỏa thuận thuế toàn cầu]

Theo đó, việc đạt được thỏa thuận cuối cùng trong năm nay sẽ đánh dấu một bước ngoặt nhằm ngăn chặn tình trạng mất công bằng về thuế ở các công ty đa quốc gia.

Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ - những nước đã áp dụng chính sách thuế kỹ thuật số của riêng mình - đã đạt được sự đồng thuận. Tổng thống Biden ca ngợi đây là "một bước đi quan trọng nhằm tạo điều kiện để kinh tế toàn cầu trở nên bình đẳng hơn cho người lao động và các gia đình trung lưu" trên khắp thế giới.

Tổng thống Mỹ cho biết trong một tuyên bố của Nhà Trắng rằng thỏa thuận này sẽ buộc các tập đoàn đa quốc gia phải "đóng góp công bằng" và ngăn họ giấu tài sản ở các "thiên đường" nước ngoài.

Phản ứng của các chính phủ

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và nhiều nước trên thế giới đã hoan nghênh thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu mà 130 thành viên OECD vừa đạt được nhằm giúp chính phủ các nước thu thêm thuế từ các công ty lớn, đồng thời kêu gọi các quốc gia còn lại tham gia.

Trong một phát biểu, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: "Ngày hôm nay (1/7) đánh dấu một bước đi quan trọng trong việc hướng nền kinh tế toàn cầu trở nên công bằng hơn cho người lao động và các gia đình ở tầng lớp trung lưu."

Ông Biden nhấn mạnh rằng việc ban hành một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia "giấu lợi nhuận" ở những nơi đánh thuế thấp.

Lưu ý các quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia vào thỏa thuận nói trên chiếm hơn 90% nền kinh tế thế giới, ông Biden cho rằng các nước đang gần đạt được một thỏa thuận toàn diện trên toàn cầu để chấm dứt cuộc đua "xuống đáy" đối với thuế doanh nghiệp.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hoan nghênh đây là một thỏa thuận "lịch sử" và cuộc đua "xuống đáy" đối với thuế doanh nghiệp, mà bà tin là đã khiến Mỹ và nhiều nước khác thất thu thuế để thực hiện những kế hoạch đầu tư quan trọng như cơ sở hạ tầng, đang tiến thêm một bước đến ngày kết thúc.

Sau khi OECD đạt được sự đồng thuận về một mức thuế suất tối thiểu, phóng viên TTXVN tại Đức dẫn phát biểu của Bộ trưởng Tài chính liên bang Olaf Scholz cho rằng thỏa thuận là bước tiến mạnh mẽ hướng tới sự công bằng về thuế doanh nghiệp.

Trong tương lai, các tập đoàn lớn sẽ phải chia sẻ nguồn tài chính một cách công bằng hơn vì lợi ích chung. Bộ trưởng Scholz cho biết, nhiệm vụ hiện tại là thúc đẩy việc triển khai nhanh chóng thỏa thuận đã đạt được ở châu Âu.

Sự đồng thuận của OECD cũng mở đường cho Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua thỏa thuận này tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 dự kiến được tổ chức vào tuần tới tại Italy. Bộ trưởng Tài chính nước chủ nhà Daniele Franco tin tưởng G20 sẽ thông qua thỏa thuận này.

Theo ông, không một quốc gia nào muốn cản trở một thỏa thuận mang tính toàn cầu như vậy. Thực tế, tất cả các nước G20 trong OECD đều đã chấp thuận cải cách quan trọng này.

Trong khi đó, OECD cho biết "một nhóm nhỏ" trong số 139 thành viên tham gia cuộc tranh luận vẫn chưa đồng ý với đề xuất thuế kỹ thuật số. Trong đó, Ireland - nơi nổi tiếng là "thiên đường" thuế với mức thuế doanh nghiệp 12,5% - đã tham gia thảo luận nhưng chưa cho thấy sự đồng thuận.

Do đó, các đề xuất này sẽ được trình lên phê duyệt cấp Bộ trưởng. Khi các chi tiết được hoàn thiện, đề xuất này sẽ chờ đợt phê duyệt cuối cùng vào tháng 10 và dự kiến có hiệu lực vào năm 2023.

Tranh luận toàn cầu về thuế doanh nghiệp tối thiểu đã diễn ra sau khi các "gã khổng lồ" công nghệ như tập đoàn mẹ của Google là Alphabet, Apple và Facebook ghi nhận lãi khủng.

Giới phê bình cho rằng trước đây, do tính chất hoạt động không yêu cầu sử dụng nhiều tài sản hữu hình có giá trị lớn (ví dụ nhà máy sản xuất), các công ty công nghệ có thể dễ dàng thành lập công ty con ở những nơi có thuế suất thấp và chuyển thu nhập kỹ thuật số của họ thông qua đó nhằm tránh phải trả thuế ở các quốc gia nơi họ kiếm được phần lớn lợi nhuận.

OECD cho biết trong một tuyên bố: "Những khuôn khổ thuế quốc tế đã tồn tại hàng thế kỷ nay không còn phù hợp với các hoạt động kinh tế trong thế kỷ XXI, vốn đã được toàn cầu hóa và số hóa."

Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cho biết: "Những đề xuất mới về thuế (của OECD) không loại bỏ cạnh tranh về thuế nhưng lại đặt ra những hạn chế đa phương nhất định."

Các chính phủ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là cân đối ngân sách của họ sau đại dịch COVID-19. Vấn đề tiếp theo mà các cuộc đàm phán phải đối mặt là số phận của những chính sách thuế dịch vụ kỹ thuật số mà các quốc gia từng đơn phương áp dụng.

Pháp và Anh đã đánh thuế doanh thu quảng cáo trực tuyến nội địa và các nguồn tương tự. Trong khi đó, Mỹ đã yêu cầu tạm ngừng hoặc bãi bỏ các loại thuế dịch vụ kỹ thuật số ngay sau khi đạt được thỏa thuận thuế quốc tế.

Tuy nhiên, một vài quốc gia và vùng lãnh thổ vốn đã áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số của riêng họ đang do dự với việc đi theo lộ trình mới, với lo ngại về nguy cơ mất doanh thu.

Tuyên bố của OCED cho biết: "Đề xuất mới về thuế sẽ là sự phối hợp hợp lý giữa việc áp dụng các quy tắc thuế quốc tế mới và việc loại bỏ tất cả các loại Thuế dịch vụ kỹ thuật số cùng những biện pháp tương tự có liên quan đối với tất cả các công ty."

Sau khi đạt được thỏa thuận trong cả OECD và G20, nhiều bước tiếp theo còn cần phải tiếp tục thực hiện, trong đó mục tiêu đặt ra là thuyết phục các quốc gia còn lại chưa chấp nhận tiến trình cải cách nhanh chóng tham gia vào tiến trình này, để việc cải cách được thống nhất trên phạm vi toàn cầu, mang lại hiệu quả cao hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục