Những nhân tố chính chi phối chứng khoán Phố Wall tuần qua

Tính chung cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,1%, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 0,1%, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,7%.
Những nhân tố chính chi phối chứng khoán Phố Wall tuần qua ảnh 1Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ), ngày 29/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Diễn biến trong đàm phán Nga-Ukraine và số liệu mới về tình hình việc làm Mỹ là những nhân tố chính chi phối thị trường chứng khoán Phố Wall tuần qua.

Tính chung cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,1%, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 0,1%, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,7%.

Trong hai phiên đầu tuần, các chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ đều tăng điểm, khi các nhà giao dịch chờ các báo cáo kinh tế chủ chốt và những tiến triển trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine.

Nhà phân tích Tom Cahill tại công ty quản lý đầu tư và tư vấn tài chính Ventura Wealth Management (Mỹ) cho rằng tiến triển trong đàm phán Nga-Ukraine đã tạo động lực cho thị trường.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các cuộc đàm phán với Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ có những dấu hiệu tích cực. Phía Nga cũng thông báo sẽ "giảm đáng kể các hoạt động" gần Kiev và Chernihiv sau cuộc đàm phán "có ý nghĩa" với Ukraine.

[Chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ tiến triển đàm phán Nga-Ukraine]Bên cạnh đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ còn nhận được sự hỗ trợ từ báo cáo của tổ chức nghiên cứu Conference Board (Mỹ) cho thấy lòng tin tiêu dùng tại nước này tăng nhẹ trong tháng Ba, khi họ đánh giá tích cực hơn về nền kinh tế, dù lo ngại hơn về tương lai.

Tuy nhiên, trong hai phiên giữa tuần (30-31/3), thị trường chứng Mỹ quay đầu đi xuống, giữa bối cảnh Nga làm giảm hy vọng về một sự đột phá trong các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine.

Ngày 30/3, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhận định rằng ông không thấy có dấu hiệu "đột phá" trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.

Trong phiên cuối tuần (1/4), các chỉ số chứng khoán lấy lại đà tăng, sau khi Mỹ công bố số liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 431.000 việc làm trong tháng Ba, đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống 3,6%.

Các chuyên gia nhận định tín hiệu tích cực từ thị trường lao động sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5%) trong cuộc họp diễn ra vào tháng Năm.

Trước đó, ngày 31/3, Bộ Lao động Mỹ cho biết số người Mỹ nhận trợ cấp thất nghiệp thường xuyên đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong hơn 5 thập niên qua, cho thấy thị trường lao động của nền kinh tế đầu tàu thế giới tiếp tục khởi sắc.

Brian Jacobsen, chiến lược gia đầu tư tại công ty quản lý tài sản Allspring Global Investments, có trụ sở tại Mỹ, nhận định số lao động có việc làm ngày càng tăng, khi nhiều người quay trở lại văn phòng làm việc.

Số liệu tích cực này sẽ tạo thuận lợi cho Fed tiến hành tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Tại cuộc họp tháng Ba, Fed đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, ghi dấu lần tăng đầu tiên kể từ năm 2018.

Một loạt các nhà hoạch định chính sách của Fed cho biết ngân hàng trung ương này đang chuẩn bị cho các đợt tăng lãi suất lớn hơn.

Chốt phiên 1/4, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 139,92 điểm (0,4%) lên 34.818,27 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 15,45 điểm (0,34%) lên 4.545,86 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 40,98 điểm (0,29%) lên 14,261,50 điểm.

Chứng khoán Phố Wall đã sụt giảm trong hai tháng đầu năm 2022 giữa những lo ngại về cuộc khủng hoảng Ukraine và các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ và kiềm chế lạm phát của Fed.

Art Hogan, chiến lược gia tại công ty dịch vụ môi giới chứng khoán National Securities (Mỹ) nhận định thị trường đang ở tình trạng tốt hơn so với đầu quý I/2022, khi giá cổ phiếu đã phục hồi phần nào trong tháng Ba.

Ryan Detrick, chiến lược gia tại công ty dịch vụ tài chính LPL Financial, có trụ sở tại Mỹ, dự báo tháng Tư có xu hướng là một tháng mạnh mẽ đối với chứng khoán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục