Những nhầm lẫn về cách đọc hạn sử dụng trên nhãn thực phẩm

Người tiêu dùng cần ghi nhớ cụm từ “Sử dụng trước ngày...” nghĩa là phải dùng trước ngày hết hạn, còn “Sử dụng tốt nhất trước ngày...” thì vẫn dùng được sau ngày in trên bao bì nhưng chất lượng giảm.

Nhiều người tiêu dùng hiện nay vẫn khá bối rối để hiểu cách diễn giải các ngày trên bao bì thực phẩm như “hạn sử dụng,” “sử dụng trước ngày…” và "sử dụng tốt nhất trước ngày…," dẫn đến việc một số người sẽ giữ thực phẩm quá hạn trong khi những người khác vứt bỏ thực phẩm khi vẫn còn dùng được.

Một cuộc khảo sát cho thấy 91% người tiêu dùng Mỹ vứt bỏ thực phẩm của họ quá sớm vì họ không không phân biệt nổi những chỉ dẫn trên bao bì.

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ước tính sự nhầm lẫn trong cách hiểu thông điệp về nhãn ngày tháng đóng gói thực phẩm đã khiến người dân nước này vứt bỏ lượng thực phẩm trị giá khoảng 161 tỷ USD mỗi năm.

Trong khi đó, nhiều người khác lại dựa vào cách tiếp cận không khoa học là sử dụng tín hiệu thị giác như nấm mốc, sự thay đổi về kết cấu, màu sắc và khứu giác (mùi) của đồ ăn để quyết định khi nào nên vứt bỏ thực phẩm.

Đây là hành vi có khả năng gây nguy hiểm vì các tác nhân gây bệnh từ thực phẩm đôi khi không thể nhìn hoặc ngửi thấy.

Người tiêu dùng cần hiểu rõ về hạn sử dụng thực phẩm để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. (Ảnh: Vietnam+)

Tại Việt Nam, Luật An toàn Thực phẩm 2010 đã quy định về hạn sử dụng của thực phẩm và thời gian ghi nhãn của thực phẩm với các thuật ngữ "Hạn sử dụng," "Sử dụng đến ngày…," "Sử dụng tốt nhất trước ngày…" phù hợp với từng loại sản phẩm thực phẩm cụ thể.

Tất cả các sản phẩm thực phẩm khi bán trên thị trường đều bắt buộc phải ghi hạn sử dụng ghi trên bao bì nhằm giúp người tiêu dùng biết được thực phẩm có thể được lưu giữ trong bao lâu trước khi bắt đầu hỏng, không nên ăn và không thể ăn được.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn khá nhiều người chưa hiểu được hết ý nghĩa của các cụm từ trên. Để đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như tránh lãng phí những món ăn vẫn còn dùng được, những gợi ý sau đây sẽ giúp người tiêu dùng hiểu cơ bản về các thuật ngữ hạn sử dụng trên bao bì thực phẩm.

Ngày hết hạn - EXP

Loại hạn dùng "Ngày hết hạn" (Expiry date/EXP) thường được dùng cho các thực phẩm chức năng, bánh quy đóng hộp... Khi sản phẩm được định hạn dùng này có nghĩa là đến ngày được ấn định trên bao bì thì sản phẩm không còn đảm bảo chất lượng và chúng ta không nên sử dụng chúng.

Ngày sản xuất và hạn sử dụng của sản phẩm in trên bao bì. (Ảnh: Vietnam+)

Sử dụng trước ngày...

Thuật ngữ “Sử dụng trước ngày…” (Use by date…) là về độ an toàn thực phẩm. Có nghĩa là thực phẩm chỉ nên sử dụng trước ngày hết hạn in trên bao bì. Nếu tiếp tục sử dụng thực phẩm sau ngày này có thể gây hại cho sức khỏe.

Cụm từ này thường dùng cho những loại thực phẩm có thời hạn an toàn ngắn, dễ hỏng sau ngày hạn sử dụng, chẳng hạn các loại salad ăn liền, các sản phẩm sữa, phomát mềm, thịt, thủy hải sản...

Sử dụng tốt trước ngày…

Hạn sử dụng “Sử dụng tốt trước ngày…” (Best before date…) là hạn sử dụng về chất lượng tốt nhất của sản phẩm, không phải là về độ an toàn. Thực phẩm vẫn có thể ăn được sau ngày in trên bao bì nhưng độ ngon và giá trị dinh dưỡng sẽ giảm dần.

Cụm từ này thường được dùng đối với thực phẩm đông lạnh, đồ khô và đóng hộp.

Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn nên tránh ăn những thực phẩm hư hỏng và sử dụng theo đúng hạn sử dụng ghi trên bao bì thực phẩm.

Sử dụng thực phẩm bao gói sau khi mở

Đối với một số thực phẩm, sau khi mở nắp/gói, sản phẩm sẽ bị rút ngắn thời hạn sử dụng so với ngày in trên bao bì. Vì thế, khi mua thực phẩm, bạn phải tuân thủ nguyên tắc hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất về thời gian và điều kiện bảo quản thực phẩm sau khi mở gói thực phẩm.

Chẳng hạn, “bảo quản trong tủ lạnh sau khi mở nắp ở nhiệt độ bằng hoặc thấp hơn 40 độ C và dùng hết trong vòng 7 ngày”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục