Thời đại của những nhà thiết kế thuộc thế hệ 6X, 7X đang dần khép lại, mở đường cho thế hệ nhà thiết kế thế hệ 8X với tư duy thẩm mỹ hiện đại, trẻ trung, nhanh chóng bắt kịp và đáp ứng xu hướng.
Nhiều nhà thiết kế 8X rất trẻ còn nắm giữ những vị trí quan trọng tại các nhà mốt lớn nhất, tạo nên một tiền lệ hiếm thấy trong lịch sử thời trang.
Zac Posen (1980)
Khi nhắc đến thời trang dạ hội, Zac Posen chính là một trong những cái tên đầu tiên khiến cho phái đẹp phải xiêu lòng. Các thiết kế của anh là sự tái sinh của nét hào hoa của Hollywood thời vàng son, với phom dáng hoàn toàn cổ điển nhưng được xử lý tinh tế bằng những chất liệu đương đại.
Nhà thiết kế người Do Thái đã từng thiết kế nhiều bộ trang phục đã giúp đưa những minh tinh như Reese Witherspoon, Naomi Watts, Uma Thurman hay Sofia Vergara lọt vào danh sách mặc đẹp tại những lễ trao giải lớn. Không chỉ vậy, đầu năm 2016, hãng hàng không Delta còn mời Zac Posen thiết kế lại toàn bộ đồng phục cho tiếp viên của hãng.
Virgil Abloh (1980)
Cái tên Virgil Abloh còn có thể xa lạ với nhiều người, nhưng hẳn hãng thời trang Off-White do anh làm Giám đốc sáng tạo thì đã quá quen thuộc với những tín đồ thời trang.
Sinh ra trong một gia đình gốc Ghana tại Chicago, Virgil tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc sư và công trình công cộng tại Viện Công nghệ Illinois. Anh từng được đề cử giải Grammy cho thiết kế bìa album ''Watch the Throne'' của Kanye West và Jay-Z.
Nhãn hiệu Off-White được thành lập năm 2014 một cách tình cờ, với logo bắt mắt và những thiết kế thời thượng, Off-White hiện là một trong những thương hiệu street-wear được săn đón nhất hiện nay.
Demna Gvasalia (1981)
Có lẽ không cần nhiều lời giới thiệu về Giám đốc sáng tạo đương nhiệm của Balenciaga. Nổi lên từ thương hiệu riêng Vetements và khẳng định vị thế của mình với vị trí danh giá tại Balenciaga, Demna Gvasalia đang thay đổi thế giới thời trang cao cấp với một tốc độ chóng mặt.
Với phương châm tạo nên những thiết kế đậm tính ứng dụng nhưng vẫn đột phá, những thiết kế của Demna đang là lựa chọn hàng đầu của các fashionista để khẳng định cá tính của mình.
Jason Wu (1982)
Nhà thiết kế người Canada gốc Đài Loan sở hữu thương hiệu riêng của mình từ năm 2003 và đã đạt nhiều thành tựu đáng kể; nhưng chỉ đến khi Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama chọn các thiết kế của anh tại rất nhiều buổi lễ lớn và quan trọng, Jason Wu mới chính thức được công chúng biết đến.
Sở hữu những khách hàng thân thiết đầy tiếng tăm như Ivana Trump, January Jones hay siêu mẫu Amber Valletta; năm 2013, Jason Wu được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc sáng tạo của Hugo Boss.
Alexander Wang (1983)
Cựu sinh viên Parson là một trong những điểm sáng chói lọi nhất tại Tuần lễ Thời trang New York. Những thiết kế đậm chất đường phố nhưng vẫn toát lên nét hấp dẫn sang trọng của Wang đã giúp anh đoạt được vị trí kế nhiệm của 7x “đại tài” Nicolas Ghesquiere tại Balenciaga.
Alexander Wang ngày càng chứng minh được mình là một trong những cái tên đáng gờm nhất của thời trang thế giới, với liên tục những bộ sưu tập được cả khách hàng lẫn giới phê bình yêu thích; cũng như hàng loạt bộ sưu tập cộng tác lớn nhỏ với các thương hiệu thời trang high-street như Adidas hay H&M.
Joseph Altuzarra (1983)
Sinh ra tại Pháp trong gia đình có mẹ người Hoa và cha người gốc Tây Ban Nha, Joseph Altuzarra thừa hưởng một tuổi thơ đắm chìm trong sự giao thoa của nhiều nền văn hóa. Điều này phản ánh rất rõ trong những thiết kế sắc sảo và hiện đại của anh tại thương hiệu riêng mang tên Altuzarra được thành lập từ năm 2008.
Khởi nghiệp ở vị trí thực tập và trợ lý tại Proenza Schouler, Marc Jacobs và Givenchy; Altuzarra đã học hỏi được những kỹ thuật thời trang xuất sắc nhất từ những bậc thầy. Anh đã đạt được vô số giải thưởng thời trang danh giá, cũng như xuất hiện trong danh sách Forbes 30 Under 30.
Mary Katrantzou (1983)
Tốt nghiệp Học viện Thời trang danh tiếng Central Saint Martins, nơi đã đào tạo nên những tên tuổi vĩ đại của làng thời trang như John Galliano hay Alexander McQueen, Mary Katrantzou - nhà thiết kế gốc Hy Lạp, đã vạch rõ con đường đi của mình kể từ bộ sưu tập tốt nghiệp ra mắt vào năm 2008. |
Các thiết kế của cô được đặc trưng với những họa tiết hình học sắc nét, rực rỡ và có chiều sâu. Mary nhận được nguồn tài trợ từ NextGen - một quỹ của Hội đồng thời trang Anh để hỗ trợ cô sản xuất sáu bộ sưu tập.
Hiện nay, thương hiệu của cô chính là một trong những cái tên thu hút nhất tại Tuần lễ Thời trang London vốn luôn rất “an toàn."
J.W. Anderson (1984)
“Đứa con lập dị” của làng thời trang London đã minh chứng khả năng vượt trội của mình ngay từ những ngày đầu tiên ra mắt. Đặc trưng bởi những thiết kế sáng tạo được kết hợp giữa khả năng xử lý và kết hợp phom dáng tài tình, kỹ thuật cắt may sắc sảo và một tư duy thẩm mỹ độc đáo; những bộ sưu tập của J.W. Anderson đã trở thành “hit” ngay từ những ngày vừa ra mắt.
Năm 2013, Anderson được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc sáng tạo của Loewe - một thương hiệu con của tập đoàn LVMH. Chỉ trong một thời gian ngắn dưới bàn tay tài hoa của anh, Loewe trở thành một trong những thương hiệu quan trọng nhất của tập đoàn cũng như trở thành tình yêu của vô số tín đồ thời trang, đồng thời những nhà phê bình khó tính nhất./.