Những nguyên nhân khiến Mỹ sẽ không rút hết binh sỹ khỏi Iraq

Tại sao ông Biden không tuyên bố rút quân hoàn toàn ở Iraq như ông từng thông báo tại Afghanistan để kết thúc một “cuộc chiến không có hồi kết” khác mà từ lâu đã gây phân tán sự tập trung của Mỹ?
Những nguyên nhân khiến Mỹ sẽ không rút hết binh sỹ khỏi Iraq ảnh 1Binh sỹ Mỹ làm nhiệm vụ tại Iraq. (Nguồn: modeldiplomacy.cfr.org)

Trang mạng asiatimes.com đưa tin, tháng 10/2011, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã đưa ra một tuyên bố bất ngờ nhằm kết thúc cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu tại Iraq.

Ông Obama khẳng định: “Sứ mệnh cuộc chiến của Mỹ tại Iraq đã kết thúc. Người dân Iraq hiện có trách nhiệm hàng đầu đối với an ninh của đất nước họ.” Khi đó, Mỹ có 40.000 binh lính đóng tại Iraq. Gần 3 năm sau, khi các máy bay ném bom phản lực của Mỹ bắt đầu tấn công các phần tử khủng bố Hồi giáo ở Iraq, chỉ có một vài binh sỹ thuộc lực lượng hoạt động đặc nhiệm của Mỹ tác chiến tại thực địa, bắn tỉa các mục tiêu du kích của nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Ông Obama tái khẳng định: "Lực lượng binh sỹ Mỹ đã được triển khai đến Iraq không có nhiệm vụ chiến đấu." Tuyên bố đó đã "mở màn" cho chiến thuật đánh lạc hướng của Mỹ, khiến người ta hiểu rằng các hoạt động ném bom trên không đều không phải là hoạt động chiến đấu. Sự khác biệt của hai điều này phụ thuộc phần lớn vào việc kẻ thù không có khả năng phòng thủ trên không.

Mới tuần trước, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden cũng đưa ra tuyên bố mang "âm hưởng" tương tự của ông Obama song vào thời điểm khác. Ông Biden nói: “Sẽ không còn lực lượng Mỹ có vai trò chiến đấu ở Iraq trước ngày 31/12/2021.”

Hiện có khoảng 2.500 binh sỹ Mỹ đóng tại Iraq và số quân nhân này hiếm khi tham chiến. Theo tờ Stars and Strips của Mỹ, trong suốt năm 2020 ở Iraq, hai binh sỹ Mỹ đã thiệt mạng khi tham chiến và hai người khác thiệt mạng khi một tên lửa của nhóm Nhà nước Hồi giáo nã trúng một căn cứ của Mỹ.

Tại sao ông Biden không tuyên bố rút quân hoàn toàn ở Iraq như ông từng thông báo hồi mùa Hè vừa qua tại Afghanistan để kết thúc một “cuộc chiến không có hồi kết” khác mà từ lâu đã gây phân tán sự tập trung của Mỹ?

Tuyên bố về việc rút 3.500 binh sỹ khỏi Afghanistan báo hiệu một quá trình cắt giảm các cam kết quân sự của Washington ở Trung và Cận Đông để huy động quân đội, thiết bị, tiền bạc và mối quan tâm sang cuộc đối đầu với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Về mặt lý thuyết, một kế hoạch rút quân hoàn toàn khỏi Iraq lẽ ra sẽ góp phần vào sứ mệnh nói trên. Tuy nhiên, việc rút quân hoàn toàn khỏi Iraq sẽ đặt ra một vấn đề đối với ông Biden vốn không tồn tại giống như trường hợp rút quân khỏi Afghanistan: Sự cần thiết chứng minh rằng ông Biden vẫn tiếp tục đối đầu với Iran. Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran không chỉ nắm giữ tầm ảnh hưởng chính trị ở Iraq mà còn kiểm soát nhiều lực lượng bán quân sự là đồng minh của Iran đang hoạt động tự do tại Iraq.

Một phần, Mỹ xâm lược Iraq để biến kẻ thù không đội trời chung thành đồng minh dân chủ. Việc rút quân hoàn toàn sẽ khiến Iran "rảnh tay" hơn trong việc thiết lập tầm ảnh hưởng ở khu vực.

[Mỹ, Iraq đạt thỏa thuận kết thúc nhiệm vụ chiến đấu của quân đội Mỹ]

Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã thay đổi sứ mệnh của Mỹ tại Iraq theo hướng kiềm chế Iran. Phát biểu trên kênh truyền hình Mỹ về quyết định duy trì một căn cứ không quân hoạt động tại Iraq, ông Trump nói: “Một trong những lý do tôi muốn duy trì căn cứ đó là vì tôi muốn dè chừng Iran bởi Iran là một vấn đề thực sự.”

Khi tuyên bố chính sách không còn binh lính tham chiến, ông Biden chỉ ra rằng người Mỹ sẽ chỉ cố vấn cho chính phủ Iraq, cung cấp thông tin tình báo và huấn luyện quân đội trong việc chống lại Nhà nước Hồi giáo, những kẻ tiến hành cuộc thánh chiến ở Iraq và những nơi khác.

Các quan chức Mỹ khẳng định nhóm này vẫn hoạt động ở Iraq dù đã bị đánh bại cách đây 2 năm ở Iraq và nước láng giềng Syria. Tuy nhiên, các quyết sách của Biden cho thấy Iran là lý do để Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự ít ỏi tại Iraq. 

Tháng 2/2021, khi phát động chiến dịch quân sự đầu tiên của mình, ông Biden đã điều máy bay ném bom phản lực tấn công các căn cứ quân sự do dân quân thân Iran chiếm đóng. Máy bay phản lực đã thả bảy quả bom nặng gần 500kg xuống các tòa nhà nhỏ tại biên giới Syria-Iraq được các dân quân thân Iran sử dụng để buôn lậu vũ khí.

Cuộc không kích này nhằm trả đũa vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào nhân viên Mỹ tại một sân bay ở Kurdistan khiến một nhà thầu Philippines thiệt mạng.

Lầu Năm Góc đã đề nghị tấn công các mục tiêu rộng lớn hơn nhưng ông Biden muốn một cuộc tấn công ít quyết liệt hơn để không làm leo thang xung đột với Iran khi mới lên nắm quyền tổng thống Mỹ.

Kể từ đó, các căn cứ đóng quân của Mỹ thường xuyên bị tấn công bằng máy bay không người lái và bị súng cối của các lực lượng Iraq thân Iran nã đạn, hầu hết các cuộc tấn công này đều gây rất ít hoặc không gây thiệt hại.

Các cuộc tấn công gần đây nhất xảy ra hồi tháng 6 khi máy bay không người lái do Iran sản xuất tấn công lối vào sân bay Baghdad, nơi các nhà ngoại giao Mỹ sử dụng và tiếp tục tấn công sân bay ở Kurdistan. Ông Biden phản ứng bằng cách ném bom các kho hàng nằm cách xa trên khu vực biên giới Syria.

Phản ứng thể hiện sự sẵn sàng trả đũa nhưng không thể hiện sự thù địch thiếu kiềm chế. Tin tức cho biết bốn dân quân đã thiệt mạng trong vụ trả đũa này, mặc dù không ai có thể xác định chính xác bên nào kiểm soát các kho hàng này.

Những nguyên nhân khiến Mỹ sẽ không rút hết binh sỹ khỏi Iraq ảnh 2Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP)

Ngược lại, ông Trump đã đáp trả các cuộc tấn công của lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn bằng những đòn trả đũa đôi khi kịch tính. Năm 2020, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Iraq đã tiêu diệt Qasem Soleimani, tướng chỉ huy của Iran chịu trách nhiệm đối với các chiến dịch bên ngoài.

Cuộc tấn công này nhằm trả đũa vụ tấn công bằng tên lửa khiến một nhà thầu dân sự Mỹ thiệt mạng và một số lính Mỹ bị thương. Ông Trump thúc đẩy thay đổi chế độ ở Iran. Vào đầu nhiệm kỳ của mình, Ông Trump đã hủy bỏ một thỏa thuận đàm phán với Iran được ký từ thời chính quyền Barack Obama để cắt giảm chương trình vũ khí hạt nhân của Tehran.

Sau đó, ông Trump đã thắt chặt các đòn trừng phạt kinh tế đối với Tehran. Với ông Biden, ông không có ý định thay đổi chế độ của Iran và muốn khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ông Biden, người từng là phó tổng thống dưới thời ông Obama, đã chọn các nhà ngoại giao kỳ cựu hàng đầu thời Obama cho "êkíp" của mình.

Trong quan điểm của những nhà ngoại giao kỳ cựu này, thành công ngoại giao lớn nhất trong những năm làm việc dưới thời chính quyền Obama là việc ký kết thỏa thuận với Iran.

Các hành động thù địch của Iraq cản trở kế hoạch của Biden. Ông cần phải đối đầu với lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn (nếu không có gì khác, điều này chứng minh cho công chúng Mỹ rằng ông không phải là kẻ yếu hèn) nhưng cũng muốn cho thấy ông nhìn chung không thù địch với nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Vẫn chưa rõ liệu Tehran, dưới thời Lãnh tụ tối cao đương nhiệm Ayatollah Ali Khamenei và tân Tổng thống Ebrahim Raisi, sẽ coi việc rút các lực lượng khỏi Iraq là điều đáng giá hay không.

Người Iran có thể muốn khôi phục thỏa thuận hạt nhân, song cùng với mục tiêu lâu dài của họ là hất cẳng Mỹ ra khỏi Trung Đông, người dân Iran cũng muốn Mỹ rút toàn bộ binh sỹ ra khỏi Iraq. Hơn nữa, cái chết của tướng Soleimani vẫn khiến Tehran lo lắng. Việc họ chấm dứt hành động quấy rối các lực lượng Mỹ sẽ là biểu hiện của thái độ tha thứ và lãng quên vốn chưa được chú ý trong quan hệ giữa Mỹ và Iran. 

Hãy tiếp tục dõi theo hoạt động của các lực lượng dân quân đồng minh của Iran. Nếu họ tiếp tục tấn công, điều đó có nghĩa là mặt trận chống Mỹ của Iran vẫn còn tồn tại. Nếu không, căng thẳng có thể tạm ngưng nghỉ đủ để thúc đẩy các cuộc đàm phán hạt nhân.

Cần nhớ rằng ngay cả khi thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực, thì sự thù địch giữa Mỹ và Iran vẫn tồn tại. “Cuộc chiến không hồi kết" của Mỹ ở Iraq, ngay cả với phiên bản huy động binh sỹ ở mức thấp như hiện tại, vẫn có khả năng sẽ tiếp diễn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục