Những nguyên do khiến thị trường Nga vẫn ''thờ ơ'' với xe điện

Theo số liệu được báo Kommersant công bố tháng 8/2020, phân khúc xe điện tại Nga hiện vẫn chưa thực sự là “miếng bánh” hấp dẫn đối với thị trường nước này khi có chưa tới 300 xe điện bán ra mỗi năm.
Cơ sở hạ tầng cho xe điện ở Nga chưa được đầu tư nhiều, chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn. (Nguồn: russiabusinesstoday.com)

Trong bối cảnh các đô thị lớn trên thế giới đều đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, xe điện được xem là xu hướng tất yếu trong tương lai.

Tuy nhiên, tại Nga, phân khúc xe điện hiện vẫn chưa thực sự là “miếng bánh” hấp dẫn đối với thị trường nước này khi có chưa tới 300 xe bán ra mỗi năm theo số liệu được báo Kommersant công bố tháng 8/2020.

Một trong những nguyên nhân khiến nhu cầu đối với xe điện ở Nga còn ở mức thấp là do thị trường nước này rất đặc thù.

Khí hậu ở Nga rất khắc nghiệt, điều kiện đường sá còn hạn chế, nguy cơ ăn mòn cao gây mất an toàn cho xe, chưa kể chất lượng nhiên liệu không thực sự đồng đều và ổn định.

Thực tế này đòi hỏi sự thích ứng cao của sản phẩm nếu muốn chinh phục thị trường Nga.

[Volvo và Geely từ bỏ kế hoạch sáp nhập, thúc đẩy hợp tác về xe điện]

Bên cạnh đó, vì lý do an toàn, xe điện cần phải lắp đặt hệ thống định vị ERA-GLONASS, khiến giá xe tăng cao và chỉ hợp lý nếu bán được số lượng xe lớn.

Lý do khác là người tiêu dùng Nga “khó tính” hơn so với người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu.

Chuyên gia Maxim Pastushenko cho biết người tiêu dùng Nga có đòi hỏi cao hơn về chất lượng tiêu dùng, dịch vụ sau bán hàng, hỗ trợ bảo hành và cung cấp phụ tùng thay thế.

Ngoài ra, “sức mạnh thương hiệu” có tầm quan trọng lớn ở Nga. Người Nga không sẵn sàng bỏ tiền cho một sản phẩm chưa có tên tuổi.

Ngay cả những thương hiệu nổi tiếng cũng chỉ được tiêu thụ với số lượng không đáng kể và phần lớn là xe Nissan Leaf tay lái nghịch đã qua sử dụng đến từ Nhật Bản.

Phần lớn người Nga không sẵn sàng chi quá nhiều chỉ “vì môi trường,” đặc biệt là khi cơ sở hạ tầng cho xe điện ở Nga chưa được đầu tư tương ứng, chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn.

Cuối cùng là lý do khí hậu ở Nga, mùa Đông phải bật chế độ sưởi, do đó làm giảm khả năng dự trữ điện và nhanh hết pin./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục