Tờ Financial Times cho rằng các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang chìm trong nợ nần có thể tạo ra hiệu ứng domino đe dọa đến thị trường tín dụng của các nước phương Tây.
Việc Trung Quốc thực hiện các biện pháp cách ly nhằm chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang bắt đầu ảnh hưởng đến bất động sản, lĩnh vực rất quan trọng của nền kinh tế nước này, chiếm tới 25% GDP.
Ngành bất động sản đang chịu ảnh hưởng rất lớn khi doanh số bán nhà trong tháng Hai giảm tới 40% và dự báo sẽ tiếp tục đi xuống trong tháng Ba.
Điều này tạo ra rủi ro ngày càng tăng đối với thị trường đồng USD ở nước ngoài, do các nhà phát triển bất động sản là những người vay lớn.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã cảnh báo về khả năng vỡ nợ có thể xảy ra.
Đến nay, vẫn chưa rõ liệu chính quyền các địa phương có thể hỗ trợ cho lĩnh vực này không.
Thực tế là ngân sách của chính quyền địa phương phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ đất đai, do đó hiện nay ngân sách cũng đang suy yếu.
Sự chú ý của thế giới đã tập trung vào tác động đối với sức khỏe cộng đồng của đại dịch COVID-19 và những giải pháp để giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh.
Tuy nhiên, như nhà bình luận thời sự nổi tiếng Martin Wolf của tờ Financial Times nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 là một trường hợp khẩn cấp về kinh tế có khả năng khiến cả thế giới rơi vào suy thoái.
Rủi ro hiện đang tập trung vào sự tích tụ nợ doanh nghiệp rất lớn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu do các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc là tâm điểm của các khoản nợ này.
Như đã lưu ý từ tháng 8/2019, các thành phố loại 1 của Trung Quốc thuộc diện có tỷ lệ giá nhà trên thu nhập cao nhất thế giới.
Lợi nhuận từ đầu cơ bất động sản đã cho phép doanh số bán xe ô tô tại nước này tăng gấp bốn lần từ 500.000 chiếc mỗi tháng năm 2008 lên 2 triệu chiếc mỗi tháng năm 2017.
Sự lao dốc của doanh số bán xe trong tháng 2/2020, quay về mức 244.000 chiếc, cho thấy nguy cơ đổ vỡ đã diễn ra.
Doanh số của 100 nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc đã giảm 44% trong tháng Hai và Caixin báo cáo rằng hơn 100 nhà xây dựng đã phá sản trong khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng Hai, thời điểm thường là bận rộn nhất của việc mua bán bất động sản.
[Kế hoạch mạo hiểm của Trung Quốc nhằm khôi phục nền kinh tế]
Không có nhiều dấu hiệu của sự cải thiện bền vững khi S&P cho biết, số nhà khởi công giảm 45% trong tháng 1-2/2020.
Theo S&P, doanh số bất động sản có thể giảm 20% trong năm nay, nếu các tác động của các biện pháp cách ly vẫn còn diễn ra trong tháng Tư, mà điều này thì dường như là chắc chắn.
Bên cạnh đó, các biện pháp cách ly để chống lây lan dịch bệnh có tác động không nhỏ đến nhu cầu tiêu dùng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Tác động kinh tế của các biện pháp cách ly tập trung vào hai lĩnh vực, các công ty và người tiêu dùng. Các công ty ngừng hoạt động và người tiêu dùng bị cách ly.
Điều này dẫn đến một số tác động chính ở cả trong và ngoài Trung Quốc.
Trên thị trường Trung Quốc, nhu cầu biến mất đối với một loạt sản phẩm do người tiêu dùng không thể rời khỏi nhà, nguồn cung cũng biến mất khi các công ty đóng cửa.
Các hoạt động hậu cần quan trọng bị ngưng trệ hoàn toàn hoặc gián đoạn do các biện pháp cách ly và việc phải ưu tiên cho lương thực, vật tư y tế thiết yếu.
Đa phần các công ty và người tiêu dùng Trung Quốc đều thiếu tiền mặt và người tiêu dùng sẽ cắt giảm tất cả chi tiêu, trừ nhu cầu thiết yếu.
Điều này tạo ra nguy cơ của một vòng luẩn quẩn, theo đó doanh số bán bất động sản tiếp tục giảm, dẫn đến dòng tiền của nhà phát triển giảm hơn nữa sau khi gần như toàn bộ hoạt động xây dựng đã ngừng lại trong thời gian cách ly.
Như Caixin viết, Fitch đã xác định 7 tập đoàn Trung Quốc đối mặt với rủi ro cần tái cấp vốn cao trong một báo cáo gần đây, 6 trong số đó là trong lĩnh vực xây dựng, khi viện dẫn những lo ngại về kỳ hạn thanh toán nợ thị trường vốn ngắn hạn và sự khó lường của dịch bệnh.
Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã tăng cường vay USD từ nước ngoài, tăng 52%, lên mức cao kỷ lục là 75,2 tỷ USD vào năm ngoái, vì hoạt động vay ở trong nước trở nên khó khăn hơn.
Mặt khác, các công ty Trung Quốc đi vay có xu hướng hoạt động trên cơ sở ngắn hạn.
Theo chỉ số ICE của Bank of America, trái phiếu lợi suất cao bằng đồng USD do doanh nghiệp Trung Quốc phát hành có thời gian đáo hạn là 2,7 năm, trong khi của Mỹ là 5,9 năm.
Doanh số bán bất động sản Trung Quốc tăng trưởng nhờ các chương trình kích thích lớn của chính phủ.
Trong khi đó, các nhà đầu tư phương Tây đã tích cực mua trái phiếu do lãi suất trên các thị trường USD nước ngoài cao hơn so với mức lãi suất ở thị trường nội địa.
Trong phiên giao dịch ngày 18/3, đồng nhân dân tệ suy yếu, vượt mức 7 nhân dân tệ đổi 1 USD, điều này khiến cho các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc thêm khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ bằng USD.
Do đó, nguy cơ tiềm tàng đối với thị trường tín dụng phương Tây xuất phát từ sự suy thoái của thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu khiến nhiều cơ quan quản lý lo ngại./.