Những nguy cơ ẩn sau ý định của Mỹ với thép và nhôm nhập khẩu

Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU) là 3 trong số các đồng minh quan trọng của Mỹ lập tức ra tuyên bố phản đối mức thuế quan mới đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu.
Những nguy cơ ẩn sau ý định của Mỹ với thép và nhôm nhập khẩu ảnh 1 Sản phẩm nhôm cuộn được sản xuất tại một nhà máy ở tỉnh An Huy, Trung Quốc ngày 20/5/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bất chấp những ý kiến phản đối từ chính nội bộ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/3 tuyên bố trong tuần tới sẽ thông qua mức thuế quan mới đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu nhằm bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ.

Dư luận bên trong nước Mỹ, nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế đã lập tức lên tiếng phản đối động thái này của vị tỷ phú bất động sản.

Cựu quan chức Phòng Thương mại Mỹ và hiện là Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách Asia Society, bà Wendy Cutler, cho rằng mức áp thuế đề xuất, cụ thể là 25% đối với sản phẩm thép và 10% đối với nhôm, có thể sẽ làm rung chuyển nền kinh tế Mỹ và "thổi bay" một số lợi ích mà những khoản giảm thuế gần đây đem lại.

Những lĩnh vực sử dụng thép như sản xuất ôtô, máy bay và đóng tàu thuyền sẽ phải mua nguyên liệu với giá cao hơn, trong khi người lao động trong những ngành này có thể bị mất việc làm do chi phí tăng trong khi doanh thu giảm.

Các đối tác thương mại của Mỹ cũng có thể có những biện pháp trả đũa tương xứng đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, hoặc khiếu kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Các nhà sản xuất ôtô, dầu mỏ và khí đốt cùng nhiều ngành công nghiệp khác ở Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Trump không áp đặt các rào cản thương mại mới đối với các mặt hàng kim loại nhập khẩu.

Lý do mà họ đưa ra là các rào cản thương mại có thể đẩy giá các mặt hàng này lên cao, đồng thời kéo theo các biện pháp trả đũa thương mại gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ.

Các nguồn thạo tin cho biết quyết định của ông Trump có thể cũng sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt từ đội ngũ cố vấn, trong đó có cố vấn kinh tế cấp cao Gary Cohn vốn nhận định việc tăng thuế nhập khẩu nhôm và thép có thể gây thiệt hại cho ngành công nghiệp Mỹ.

[Mỹ sẽ áp mức thuế quan cao đối với thép và nhôm nhập khẩu]

Ngay sau thông báo nêu trên của Tổng thống Trump, Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU) là 3 trong số các đồng minh quan trọng của Mỹ lập tức ra tuyên bố phản đối.

Trong thông cáo ngày 1/3, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland khẳng định Canada xem bất kỳ hạn chế thương mại nào đối với nhôm và thép của Canada là điều "không thể chấp nhận."

Bà Freeland cho rằng bất kỳ rào cản thương mại nào cũng sẽ tác động tới công nhân, các nhà sản xuất và ngành công nghiệp nhôm, thép của cả hai nước, do đó Chính phủ Canada sẽ tiếp tục làm việc với các cấp chính quyền của Mỹ về vấn đề này.

Từ Mexico, Cố vấn thương mại cấp cao Moises Kalach cảnh báo mức thuế quan đề xuất của Mỹ có thể ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA, gồm Mexico, Mỹ và Canada).

Ông nhấn mạnh việc tăng thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán về quy tắc xuất xứ ôtô, vốn là một trong những bất đồng chưa thể tháo gỡ tại vòng 7 tái đàm phán NAFTA đang diễn ra tại Mexico. Trong khi đó, Hiệp hội ngành thép Canacero cũng kêu gọi chính phủ "lập tức đáp trả tương xứng."

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho rằng quyết định của Mỹ rõ ràng là để bảo hộ ngành công nghiệp nội địa. Ông Juncker khẳng định EU sẽ đáp trả mạnh mẽ và tương xứng để bảo vệ các lợi ích của khối, cụ thể là trong những ngày tới sẽ công bố một đề xuất đáp trả Mỹ, phù hợp với quy định của WTO.

Cùng quan điểm trên, Ủy viên châu Âu phụ trách về thương mại Cecilia Malmström cho rằng quyết định của Mỹ sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và thị trường thế giới.

Bà Malmström cho biết EU sẽ tiến hành tham vấn sớm nhất có thể những quy định về tranh chấp với Mỹ, trong khi EC sẽ giám sát sự tiến triển của thị trường và nếu cần thiết sẽ đề xuất các biện pháp bảo vệ tương thích với các quy định của WTO để bảo toàn sự ổn định của thị trường EU. Liên đoàn giới chủ châu Âu ngành thép (EUROFER) cũng đã ngay lập tức cáo buộc Mỹ lựa chọn gây xung đột thương mại thế giới.

Phản ứng trước động thái của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định thương mại toàn cầu sẽ bị phương hại nếu các nước đi theo cách làm của Mỹ. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh ngày 2/3, bà Hoa Xuân Oánh cũng cho biết Cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc, Lưu Hạc, đã có các cuộc trao đổi mang tính xây dựng về vấn đề kinh tế với giới chức Mỹ ở Washington ngày 1/3.

Trong khi đó, Bộ Công nghiệp Brazil để ngỏ khả năng có hành động đáp trả với tuyên bố trên của Mỹ.

Từ London, một phát ngôn viên Chính phủ Anh bày tỏ quan ngại về bất kỳ biện pháp nào có thể gây tác động tới các ngành công nghiệp nhôm và thép của Xứ sở sương mù.

Những nguy cơ ẩn sau ý định của Mỹ với thép và nhôm nhập khẩu ảnh 2Công nhân cắt tấm nhôm tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 3/10/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chung tâm lý lo ngại này, hãng sản xuất xe hơi Toyota của Nhật Bản cảnh báo mức tăng thuế của Mỹ sẽ gây tổn hại tới các nhà sản xuất ôtô và đẩy giá ôtô tại thị trường Mỹ leo thang. Toyota nhấn mạnh 90% lượng thép và nhôm mà chi nhánh hãng này tại Mỹ sử dụng để phục vụ sản xuất là mua tại Mỹ.

Mức áp thuế đề xuất của Tổng thống Trump cũng gây tâm lý hoang mang tại thị trường sản xuất thép châu Á. Hầu hết các nhà sản xuất thép ở châu Á lo ngại việc Mỹ nâng mức áp thuế đối với thép nhập khẩu sẽ kéo theo các biện pháp trả đũa và đẩy ngành sản xuất thép trên thế giới vào vòng xoáy chiến tranh thương mại. Hàn Quốc - nhà xuất khẩu thép lớn thứ 3 của Mỹ sau Canada và Brazil, cho biết sẽ tiếp tục làm việc với giới chức Mỹ cho tới khi Washington công bố một mức áp thuế cuối cùng.

Đối với Việt Nam, vốn nằm trong số các nước mà Bộ Thương mại Mỹ đề xuất áp mức thuế quan cao đối với các sản phẩm thép và nhôm xuất khẩu sang Mỹ, Bộ Công Thương Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Mỹ cân nhắc kỹ lưỡng việc áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu sản phẩm thép và nhôm từ Việt Nam, đảm bảo tuân thủ các quy định của WTO và thông lệ quốc tế, không làm ảnh hưởng tới quan hệ thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến vụ việc và đang cân nhắc tất cả các phương án xử lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Chưa rõ tác động của quyết định trên ra sao, nhưng ngay sau công bố của Tổng thống Trump, thị trường chứng khoán Mỹ đã đồng loạt lao dốc trong 3 phiên liên tiếp.

Quyết định được nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra trong bối cảnh Nhà Trắng đang bắt tay vào chiến dịch nâng cấp cơ sở hạ tầng tại Mỹ, mà thép dự kiến là một trong những nguyên vật liệu cần nhập khẩu nhiều. Đây được cho là bước đi mới trong nỗ lực thúc đẩy chính sách bảo hộ của chính quyền Mỹ, song có nguy cơ tiềm tàng tạo ra những cuộc chiến thương mại mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục