Những người ươm mầm hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn

Ròng rã hơn 20 năm, vợ chồng bác sỹ Hồ Mạnh Tường và Vương Thị Ngọc Lan - những chuyên gia hàng đầu trong điều trị vô sinh đã mang lại tiếng cười cho nhiều cặp vợ vô sinh, hiếm muộn ở Việt Nam.
Vợ chồng bác sỹ Hồ Mạnh Tường và Vương Thị Ngọc Lan tại Khoa Hiếm muộn của bệnh viện Từ Dũ năm 1999. (Ảnh: TTXVN phát)

Đến với công việc thụ tinh ống nghiệm như một cơ duyên, ròng rã hơn 20 năm trời, vợ chồng bác sỹ Hồ Mạnh Tường và Vương Thị Ngọc Lan - những chuyên gia hàng đầu trong điều trị vô sinh, hiếm muộn ở Việt Nam, đã miệt mài trong các phòng thí nghiệm, cần mẫn bên chiếc kính hiển vi, tạo ra các phôi thai, ươm mầm hạnh phúc, mang lại tiếng cười cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn.

Là những người đầu tiên tại Việt Nam được tiếp cận kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (IVF), “cặp bài trùng” Hồ Mạnh Tường-Vương Thị Ngọc Lan được xem là những người đặt viên gạch đầu tiên trong hành trình 20 năm của lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm Việt Nam.

Những viên gạch đầu tiên

Bắt đầu từ những năm 1990, Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh mà đứng đầu là giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã nung nấu ý định triển khai kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam.

Bác sỹ Hồ Mạnh Tường (hiện là Tổng Thư ký Hội Nội tiết và sinh sản, vô sinh Thành phố Hồ Chí Minh) lúc bấy giờ là một bác sỹ trẻ với lợi thế về ngoại ngữ, đã được chọn sang Pháp để học kỹ thuật này.

Bác sỹ Hồ Mạnh Tường cho biết vào thời điểm đó trong dư luận trong nước, trong ngành y và ngay cả trong bệnh viện có nhiều ý kiến không đồng tình, thậm chí phản đối việc triển khai thụ tinh ống nghiệm ở Việt Nam.

Thậm chí, có một người trong ngành y đã gửi thư tới Quốc hội kiến nghị cấm thực hiện thụ tinh ống nghiệm do nghi ngại sẽ sinh ra quái thai.

Tuy nhiên, Bệnh viện Từ Dũ vẫn quyết tâm làm chủ kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm mà thế giới đã triển khai từ 20 năm trước.

Năm 1997 các chuyên gia Pháp đã sang Việt Nam phối hợp với các bác sỹ của bệnh viện để thực hiện những ca thụ tinh ống nghiệm đầu tiên.

Ngoài “Tổng tư lệnh” là giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng thì Hồ Mạnh Tường là bác sỹ Việt Nam duy nhất được tham gia trong êkíp này.

Còn bác sỹ Vương Thị Ngọc Lan (con gái của Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng) lúc ấy mới vừa tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, sau một thời gian phụ giúp mẹ làm công tác ghi chép, theo dõi tình hình bệnh nhân thì đã được các chuyên gia Pháp bổ sung vào êkíp.

Họ thấy được tiềm năng ẩn giấu trong người nữ bác sỹ trẻ tuổi này. Đây cũng chính là cơ hội để những người trẻ như Hồ Mạnh Tường, Vương Thị Ngọc Lan bén duyên với lĩnh vực vô cùng mới mẻ tại Việt Nam.

Nhớ lại những ngày đầu tiên ấy, bác sỹ Tường và bác sỹ Lan cùng có tâm sự giống nhau: Toàn bộ không gian bệnh viện bị bao trùm trong sự căng thẳng và hồi hộp bởi nếu bước đầu tiên thất bại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả ngành y tế nói chung và lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm nói riêng.

[Việt Nam triển khai kỹ thuật mới chữa vô sinh cho phụ nữ]

Ý thức được điều này, cả bác sỹ Tường và bác sỹ Lan đều dành trọn tâm huyết cho dự án đầu tiên. Nếu bác sỹ Tường kiệm lời, cần mẫn trong phòng thí nghiệm thì bác sỹ Lan lại là người phụ trách theo dõi tình hình bệnh nhân ở vòng ngoài, luôn ríu rít như chim non.

Sự xuất hiện của hai con người trẻ tuổi nhưng tài năng và nhiệt huyết ấy khiến cho cả ê-kíp và các bệnh nhân vững tin hơn rất nhiều. Họ ví von bác sỹ Tường và bác sỹ Lan là “đôi chim non cần mẫn xây tổ.”

Không phụ lòng người, ngày 30/4/1998 ba em bé ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam ra đời, đánh dấu sự có mặt của Việt Nam trên bản đồ IVF thế giới. Để ghi nhớ công lao của “đôi chim non” Tường-Lan, một trong ba em bé ống nghiệm đầu tiên được đặt tên đệm theo tên của bác sỹ Tường và bác sỹ Lan là bé Phạm Tường Lan Thy.

Có lẽ,sự gán ghép tình cờ này đã góp phần đưa họ đến với nhau trên con đường hạnh phúc hôn nhân. Sau thành công của những ca ống nghiệm đầu tiên,cả bác sỹ Tường và Lan được cử đi học ở Singapore về thụ tinh ống nghiệm.

Cũng từ đó, tình yêu với thụ tinh ống nghiệm đã làm nảy nở tình yêu đôi lứa. Năm 1999, họ chính thức nên duyên vợ chồng và càng kiên định hơn với con đường theo đuổi nghiên cứu về lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, vô sinh.

Bác sỹ Vương Thị Ngọc Lan chọc hút noãn làm thụ tinh ống nghiệm. (Ảnh: TTXVN phát)

“Bố mẹ” của nghìn đứa con

Dù đã thành công bước đầu, nhưng tỷ lệ đậu thai trong lần đầu tiên thực hiện thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam chỉ là 15%. Điều này khiến bác sỹ Hồ Mạnh Tường và Vương Thị Ngọc Lan vô cùng trăn trở.

Hai người từng có những khoảng thời gian gần như 24h/7 ngày đều "đóng đô" ở bệnh viện để tìm ra các phương pháp tối ưu nhất của thụ tinh ống nghiệm, từng bước nâng cao tỷ lệ thành công, mang nhiều tin vui hơn nữa đến với những cặp vợ chồng hiếm muộn.

“Rất may mắn là chúng mình có sự hậu thuẫn rất lớn của gia đình. Cả hai bên nội ngoại đều theo nghề y nên thấu hiểu và tạo mọi điều kiện để vợ chồng mình được toàn tâm toàn ý theo đuổi niềm đam mê,” bác sỹ Tường chia sẻ.

Còn bác sỹ Lan bổ sung: “Vì chung sống với nhau nên thời gian làm việc của chúng tôi luôn nhiều hơn bất cứ bác sỹ nào, ngay cả khi về nhà hay chuẩn bị đi ngủ, hai vợ chồng vẫn say sưa bàn luận không biết chán về các vấn đề của thụ tinh ống nghiệm. Chúng tôi là những cộng sự vô cùng ăn ý. Tình yêu khiến chúng tôi thăng hoa hơn trong công việc.”

Dần dần, với sự chuyên tâm, nhiệt huyết và tài năng của mình, cả hai vợ chồng Trường-Lan đều bước lên những vị trí chủ chốt của Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ, đơn vị hỗ trợ sinh sản (IVF) đầu tiên ở Việt Nam.

Họ trở thành “cặp bài trùng” mà tên tuổi của họ là minh chứng cho tài năng, nhiệt huyết và khả năng thành công cao của thụ tinh ống nghiệm. Không ít lần tên của cặp vợ chồng bác sỹ Tường-Lan được đặt cho những em bé ra đời nhờ kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm.

Năm 2000, trong khi bác sỹ Ngọc Lan đang mang thai con gái đầu lòng thì có một cặp song thai khác cũng đã ra đời như một kỳ tích với sự giúp sức của bác sỹ Tường và bác sỹ Lan.

Một lần nữa, cái tên Tường và Lan đã được bố mẹ của hai đứa trẻ đặt cho con với lòng biết ơn vô hạn. “Thật ra, khi bệnh nhân họ đặt tên con theo tên của mình là một niềm vinh dự và cũng là trách nhiệm. Mình tự thấy càng phải có trách nhiệm hơn với các bệnh nhân, xứng đáng với niềm tin yêu, niềm hi vọng mà họ gửi gắm,” bác sỹ Lan tâm sự.

Đến bây giờ, sau hơn 20 năm làm việc và gắn bó với IVF, vợ chồng bác sỹ Hồ Mạnh Tường và Vương Thị Ngọc Lan không thể nhớ nổi đã thực hiện bao nhiêu ca thụ tinh ống nghiệm, không thể đếm được bao nhiêu đứa trẻ đã ra đời dưới bàn tay của họ.

Tuy nhiên, điều đọng lại sâu sắc nhất đối với họ chính là ánh mắt rạng ngời, những giọt nước mắt của những cặp vợ chồng sau hành trình tìm con gian nan.

“Cái cảm giác lâng lâng khi mình đã thắp lên hy vọng, mang lại ánh sáng cuối đường hầm cho người khác, thật sự trở thành động lực để mình làm thụ tinh ống nghiệm không biết mệt mỏi,” bác sỹ Vương Thị Ngọc Lan trải lòng.

Nếu bác sỹ Vương Thị Ngọc Lan được ví như “bà mẹ nghìn con” thì bác sỹ Hồ Mạnh Tường cũng trở thành một tên tuổi lớn trong lĩnh vực sinh sản và chữa trị vô sinh.

Hiện cả bác sỹ Hồ Mạnh Tường và bác sỹ Vương Thị Ngọc Lan đang tham gia điều hành và phụ trách chuyên môn tại Bệnh viện Mỹ Đức, một đơn vị IVF có tiếng tăm lẫy lừng ở Việt Nam và được nhiều nước trên thế giới biết đến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục