Hơn một tuần sau cuộc trưng cầu ý dân lịch sử với gần 52% cử tri Anh bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), ngày 2/7, biểu tình đã diễn ra trên khắp nước Anh để bày tỏ sự ủng hộ châu Âu và phản đối Brexit.
Tập trung tại Quảng trường Quốc hội ở trung tâm thủ đô London, người biểu tình mang theo nhiều băng rôn, khẩu hiệu như "We want In" (Chúng tôi muốn ở lại), "Hope not hate" (Hy vọng không phải thù hận), "Breverse" (ám chỉ đảo ngược quyết định Brexit), và "Quốc hội hãy dùng quyền của mình để cứu nước Anh khỏi cuộc khủng hoảng này."
Nhiều người trong số họ vẫn mặc chiếc áo phông ủng hộ phe vận động ở lại vốn đã bị thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6 vừa qua. Họ cũng hô vang điệp khúc "EU, chúng tôi yêu bạn."
Nghệ sỹ hài kịch Mark Thomas ước tính có khoảng 20.000 đến 40.000 người hưởng ứng cuộc biểu tình do ông tổ chức tại London để bày tỏ sự giận dữ với cách thức tiến hành cuộc trưng cầu ý dân.
Ông cho biết: "Chúng tôi sẽ chấp nhận kết quả cuộc trưng cầu ý dân này nếu như nó được tranh luận một cách công bằng. Nhưng ngược lại nó đầy những thông tin sai lạc và mọi người cần phải làm gì đó."
Cô Philippa Griffin, 40 tuổi, sống ở Hertfordshire, cho rằng những lời lẽ dối trá đã khiến cuộc trưng cầu ý dân cho kết quả như vậy và nước Anh cũng vì thế mà bị chia rẽ.
"Mong ước của tôi khi tham gia cuộc biểu tình này là hy vọng các nghị sỹ sẽ nhận ra rằng rời EU không phải là điều mà dân chúng thực sự muốn," cô nói. "Có cảm giác như đất nước chúng ta đã hoàn toàn thay đổi."
Mang theo khẩu hiệu với dòng chữ "Tôi sẽ luôn yêu mến EU," Jess Baker, 22 tuổi, ở Bắc London nói: "Chúng tôi không muốn rời đi nhưng nếu bạn tôn trọng quyết định cuộc trưng cầu như lẽ thường phải thế, chúng tôi vẫn muốn nước Anh theo hướng EU."
Thủ lĩnh đảng Dân chủ Tự do (LibDem) Tim Farron cũng tham gia cuộc biểu tình tại London. Trên trang Twitter, ông Farron chia sẻ: "Đó là tương lai của chúng ta. Chúng ta muốn ở lại trong châu Âu."
Biểu tình phản đối Brexit cũng diễn ra tại nhiều thành phố khác của Anh như Manchester, Brighton... Nhiều người tham gia biểu tình bày tỏ lo ngại về kinh tế bất ổn hậu Brexit cũng như chủ nghĩa bài ngoại gia tăng, thể hiện qua số vụ tấn công và khiêu khích nhằm vào cộng đồng người nhập cư tại Anh tăng vọt sau cuộc trưng cầu ý dân.
Trong một diễn biến khác, Nữ hoàng Anh Elizabeth II ã nhắc nhở các nhà lãnh đạo chính trị ở Xứ sở Sương mù giữ thái độ bình tĩnh và tự chủ sau cuộc trưng cầu ý dân rời khỏi EU tháng trước.
Tới dự và phát biểu khai mạc khóa họp mới của Nghị viện Scotland tại thủ phủ Edinburgh ngày 2/7, Nữ hoàng Elizabeth II vẫn giữ nguyên truyền thống của Hoàng gia không can thiệp các công chuyện chính trị khi không hề đề cập tới cuộc trưng cầu ý dân cùng những biến động và rối loạn đang bủa vây đảng Bảo thủ cầm quyền và Công đảng đối lập. Tuy nhiên, Nữ hoàng nói với các nghị sỹ rằng nhà lãnh đạo đích thực đòi hỏi suy nghĩ "sâu sắc hơn và điềm tĩnh hơn" ở thời điểm biến động.
Tại cuộc trưng cầu ý dân vừa qua, đa số cử tri Scotland đã chọn ở lại EU, song xét trên toàn Vương quốc Anh thì tỷ lệ bỏ phiếu chọn rời khỏi EU cao hơn. Kết quả cuộc trưng cầu không chỉ đẩy nước Anh rời khỏi EU mà còn khiến Anh trước nguy cơ tan đàn xẻ nghé bởi Scotland có thể yêu cầu tiến hành một trưng cầu ý dân thứ hai đòi độc lập./.