Những người sống mãi với dấu tích chiến tranh

Những cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh đã góp phần tô thắm truyền thống 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Trong suốt 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định vai trò quan trọng trong lịch sử dân tộc. Trong những chiến công hiển hách, những trang sử đầy tự hào, có cả sự hy sinh thầm lặng của những người lính.

Tôi có dịp ghé thăm Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh), để lắng nghe câu chuyện về những nỗi đau, sự kiên cường của các bác cựu chiến binh và sự hy sinh thầm lặng từ những người vợ, người mẹ và các y bác sĩ làm việc ngày đêm tại đây.

Dấu tích của một thời 'vàng son'

Gần trưa, những cánh cửa trong khu nhà điều dưỡng đã khép lại, chúng tôi đi sâu vào khu nhà A3, cả dãy chỉ có phòng 8 mở cửa.

Bác Soa - người lính già với mảnh đạn còn ghim trong đầu, đang nằm trên giường, cười hiền từ, còn vợ bác - bà Nguyễn Thị Kiên - niềm nở ra chào đón chúng tôi. Người lính già với mái tóc bạc dần, khuôn mặt nghiêm nghị toát lên sự cứng cỏi và hiên ngang.

Gắn bó với trung tâm gần nửa đời người, bác từng là bộ đội quân khu 9, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Những ngày tuổi trẻ nơi chiến trường, bác đã gửi lại một phần cơ thể và mang về mảnh đạn như một ký ức đau đớn của chiến tranh nhưng cũng đầy tự hào.

Bác Nguyễn Văn Soa (1958, Bắc Giang) sống cùng vợ trong một căn phòng có hai gian chính. (Ảnh: Bảo Ngọc/Vietnam+)

Chúng tôi đến thăm bác vào những ngày giữa tháng 12, không khí lạnh làm những cơn đau trở nên nhức nhối và mệt mỏi hơn. “Các bác ở đây thương tật nặng lắm, từ 91 - 100% nên sinh hoạt đa số toàn trên xe ba bánh hoặc chỉ nằm trên giường." Bác Soa vừa kể vừa dùng bàn tay trái xoa nhẹ cánh tay phải bị liệt của mình. Vì bị liệt cột sống, bác phải nằm đệm để tránh bị loét.

"Cuộc sống càng vất vả khi bác ngày có tuổi hơn. Bây giờ xuống xe phải có người cho xuống, kể cả lên giường không có người giúp thì cũng không lên được, chân cứng, mất hết cảm giác," bác Soa nói giọng trầm buồn.

“Đôi chân” của các bác tại nhà điều dưỡng. (Ảnh: Bảo Ngọc/Vietnam+)

Cuộc sống hàng ngày của bác Soa phụ thuộc hàng toàn vào vợ. Những hôm bác Kiên đi vắng, thì nhờ thêm các hộ lý ở đây chăm sóc.

Bác Nguyễn Thị Kiên kể, hai bác lấy nhau từ lúc bác Soa về trung tâm năm 1982. Nhà bác ở gần Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành. Hồi ấy, bác hay qua trung tâm, gặp các bác các chú chuyện trò, rồi yêu và lấy bác Soa.

Bác Kiên vừa kể chuyện vừa luôn chân luôn tay chuẩn bị bữa trưa. “Bác Soa về đây hơn 46 năm, làm bạn với bác được 42 năm rồi, vợ chồng sinh hoạt hết ở đây vì bác trai yếu, trừ các công việc không thể bỏ được như giỗ Tết, bác đạp xe về nhà rồi quay lại chăm ông. Đây là ngôi nhà thứ hai của mình rồi."

Chúng tôi nghe, lại càng khâm phục sự nhẫn nại đồng hành của bác đối với bác trai hơn nửa đời người. Bác bảo, đã lấy nhau là phải đồng cam cộng khổ, phải có trách nhiệm, yêu nhau thì ở bên nhau, thương nhau thôi.

Người thương binh già Nguyễn Văn Soa tuy không ngồi dậy được, nằm liệt trên giường để kể chuyện cho chúng tôi, nhưng bác lúc nào cũng cố ngẩng đầu lên lịch sự tiếp chuyện. Bác Soa cảm kích trước sự quan tâm của nhà nước, đoàn thể quan tâm đã tạo điều kiện cho bác và gia đình được ở trong một căn phòng hai gian tại Trung tâm và hưởng sự chăm sóc tận tình.

Càng về trưa, các căn phòng trong khu điều dưỡng dường như đã chìm vào giấc ngủ. Đi sâu vào trong khu điều dưỡng, chúng tôi bắt gặp một cựu chiến binh khác. Bác Lê Bá Vượng, năm nay 70 tuổi, nhưng bề ngoài vẫn toát ra vẻ minh mẫn, khỏe mạnh. Người bác cao và gầy hiện rõ những nếp nhăn trên mặt. Bác vào phòng cất đồ, niềm nở xếp ghế mời chúng tôi ngồi.

Bác Vượng kể về những kỷ niệm chiến đấu đầy gian khổ và khốc liệt. (Ảnh: Bảo Ngọc/Vietnam+)

Bác kể, bác đi bộ đội năm 1972, cuối năm vào chiến trường, đóng ở khu A Sầu - A Lưới (đường 14) - Bình Trị Thiên, sau đó thì bị thương. “Những năm bác đi bộ đội, mưa suốt từ tháng 5 đến tận tháng 12, giáp Tết mới vào mùa khô, không có nắng quần áo phải hơ trên bếp nấu cơm mới khô được. Cuối tháng 10, tháng 11 mưa bão kinh khủng, đêm đi hành quân dưới mưa tầm tã, vắt nhiều vô số kể, bò hết cả vào người," bác Vượng hồi tưởng những ngày gian khó.

Nghe bác kể, chúng tôi càng thấm thía hơn sự gian nan vất vả những ngày chiến đấu. Năm 1974, trong một trận đánh, bác bị thương nặng. Một viên đạn làm xẹp một bên phổi, vết thương này cũng làm 'chết' đi hơi thở khỏe mạnh của bác. Nhưng ngay cả khi mất đi một phần cơ thể, bác vẫn sống như một minh chứng cho tinh thần "tàn mà không phế."

Bác từng sống tại một trại thương binh ở Bắc Giang, sau đó xin chuyển về Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành để gần hơn với gia đình. Tại đây, bác cảm nhận được sự chăm sóc tận tình về vật chất lẫn tinh thần.

Mỗi ngày trôi qua ở trung tâm, bác Vượng sống trong sự quan tâm của nhà nước và xã hội. “Chúng tôi được cung cấp đầy đủ từ chăn, áo ấm đến các thiết bị giải trí như tivi, bếp điện. Khi đau ốm, Trung tâm đưa chúng tôi đi viện, có hộ lý chăm sóc," bác vui vẻ chia sẻ. Dẫu vậy, những ngày trái gió trở trời, vết thương ở phổi vẫn hành hạ bác. Những cơn đau làm bác khó thở, nhưng bác vẫn bình tĩnh chống chọi lại với bệnh tật.

Điều khiến bác Vượng hạnh phúc nhất không phải là vật chất mà là sự ghi nhận từ cộng đồng. Những món quà nhỏ trong ngày lễ, những lần ghé thăm ân cần từ các cá nhân, tổ chức đã làm dịu đi những cơn đau mà chiến tranh để lại.

Ở tuổi 70, bác Vượng vẫn là một biểu tượng của ý chí kiên cường, một nhân chứng sống về những ngày khốc liệt của dân tộc. Lá phổi còn lại của bác, dù không hoàn thiện, vẫn đong đầy hơi thở của lòng yêu nước, của niềm tự hào về một thời đã sống, đã chiến đấu vì quê hương.

Người thắp lại những ngọn đèn “xưa”

Rời phòng bác Vượng, chúng tôi sang thăm bác Minh ở căn phòng số 4. Căn phòng nhỏ đầy cơm vương vãi và bác gái vừa đỡ người chồng thương bệnh binh đứng dậy sau cú ngã.

Thấy chúng tôi vào, bác gái niềm nở đón tiếp trong khi tay vẫn giữ chặt lấy bác trai. Bác Minh bị thương ở chân nên đi lại sinh hoạt khá khó khăn.

Bác Lê Duy Minh là cựu chiến binh chống Mỹ, qua giọng nói thều thào, nhưng khuôn mặt vẫn rạng ngời, tôi thấy rõ được nét tự hào trong ánh mắt ấy.

Bác Lan đang giúp chồng mình uống nước kể về những tháng ngày khó khăn tại khu nhà điều dưỡng. (Ảnh: Ngọc Ngọc/Vietnam+)

Bác Minh nhập ngũ từ khi tuổi còn trẻ. Trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, bác mang trên mình thương tật nặng và được chuyển về Trung tâm Thuận Thành từ năm 1973.

Tại đây, bác gặp bác Lan, người con gái Bắc Ninh và tình yêu của họ nảy nở và bền bỉ đến tận bây giờ. Bác Lan kể, ngày ấy lấy chồng thương binh không dễ dàng gì. Bác từng bị gia đình phản đối: “Lấy nó về làm gì, tương lai không có, hạnh phúc không có. Nhất quyết không lấy!"Nghe bác Lan kể chuyện, dù không nói rõ được, nhưng bác Minh vẫn luôn nhìn vợ mình với nụ cười hiền từ.

Giờ đây, khi bác Minh yếu dần theo năm tháng, bác Lan vẫn ở bên, chăm sóc chồng từng chút một. “Mấy lần trung tâm chuẩn bị sẵn quan tài, điếu văn. Họ còn đọc cho ông nghe, hỏi ý kiến ​​xem có vần không, có xuôi không?” bác cười nhẹ, ánh mắt ẩn một chút buồn.

Mỗi ngày, bác đều hỏi chồng thích ăn gì, rồi tự nấu nướng, bón thúc từng thìa cháo, từng sợi mỳ. Sáng đến, bác cẩn thận nâng cao ông dậy, giúp ông rửa mặt, rồi nhẹ nhàng cõng ông ra nhà vệ sinh. Bác bảo: “Các bác thương binh khác hay trêu tôi: 'Trông như thế mà cõng được cả ông à?'" Chúng tôi nhìn hai bác mới thấm thía được tình yêu của vợ chồng người lính lớn lao và trách nhiệm đến nhường nào.

Bác Lan kể về những lần ngã đập đầu của chồng mình, mọi nơi trong phòng đều có dấu tích ông ngã, có lần ngã đập đầu gãy cả chìa khóa đang cắm vào tủ. Trời lạnh hơn, các cơn đau tái phát, số lần bác Minh ngã cũng nhiều hơn.

Bác Lan cũng thật lòng chia sẻ với chúng tôi: “Các ông thương binh nhiều lúc đuổi vợ về vì thương vợ, sợ vợ khổ, những lúc như thế bác hay trêu: “Ông ơi, có tôi ở đây vui hẳn ông nhỉ?”, ông cười.

Thương chồng phải đi viện liên tục, bác Lan tự đồng hành, thay thế cả hộ lý. Khi ông ngọng, nói khó nghe, bác lắng nghe từng lời, dù nhiều lúc chưa hiểu. Bác Lan từng tâm sự: “Ngày trước lấy chồng thương binh là vinh dự lớn lắm. Tôi không thấy sợ, chỉ thấy thương.”

Nói về những khó khăn vất vả khi chăm sóc thương binh, bác Lan chia sẻ: “Việc chăm sóc khó khăn là thế, nhưng từ đầu tôi đã không ngại. Tình yêu tôi dành cho anh ấy quá lớn.”

Bên cạnh sự chăm sóc của người thân, gia đình, các bác ở đây nhận được sự săn sóc nhiệt tình từ các y, bác sĩ. Bác sĩ Ngô Huy Phô - Trưởng phòng y tế, là người trực tiếp thăm khám và chữa trị cho các bác. Bác Phô chia sẻ về những khó khăn, những nỗi đau mà các thương bệnh binh đang phải chịu đựng mỗi ngày.

“Các bác ở đây có mức thương tật từ 81-100%, những lúc đau quá, ngoài dùng thuốc giảm đau các bác không thể chịu được, người thì đấm vào chân mình, tự cấu véo, thậm chí khi đau quá các bác giật xe thật mạnh đi vòng quanh Trung tâm để quên đi cơn đau, những điều này khác hẳn với các bệnh nhân ở ngoài," bác sĩ Phô nói.

Việc các bác cáu gắt vì cơn đau là điều dễ hiểu, bác sĩ Phô và các y bác sĩ khác vẫn luôn bảo ban, động viên nhau cố gắng thật nhẫn nại, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bác sĩ Phô (bên trái) vừa thăm hỏi, vừa xoa bóp cho các bác thương binh. (Ảnh: Bảo Ngọc/Vietnam+)

Trong dịp ghé thăm này, chúng tôi có cơ hội gặp mặt Bác sĩ-Giám đốc Trung tâm điều dưỡng Thuận Thành - Nguyễn Thanh Hương để lắng nghe những chia sẻ cũng như khó khăn của Trung tâm.

Việc chăm sóc các thương bệnh binh ở đây không chỉ điều trị bằng thuốc mà còn thông qua điều trị bằng công tác tâm lý. “Để làm được điều đó, ngoài giờ làm công tác chuyên môn, mọi người trong trung tâm dành thời gian tâm sự với các bác để hiểu được hoàn cảnh của gia đình, mỗi bác một hoàn cảnh riêng”, bác sĩ chia sẻ.

Khi hiểu được hoàn cảnh, đội ngũ nhân viên y, bác sĩ tại đây sẽ chủ động chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, động viên với nhiều hình thức như vừa ngồi vừa xoa bóp vừa day bấm huyệt, nhổ tóc sâu; vừa trò chuyện hỏi thăm vừa xoa bóp các vùng đau vai gáy.

Bác sỹ Hương chia sẻ: “Chúng tôi luôn ý thức được rằng công tác chăm sóc sức khỏe cho người có công với cách mạng không chỉ là một nhiệm vụ chính trị mà còn có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự tri ân với các thế hệ đi trước - những người đã không quản ngại nguy hiểm, hy sinh bản thân vì độc lập, tự do của dân tộc."

Đó cũng là ý thức trách nhiệm mà đội ngũ y, bác sĩ tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành luôn ghi nhớ và khắc sâu để cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các bác cựu chiến binh tại đây.

Chúng tôi rời Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành khi đã quá buổi chiều, được lắng nghe những chia sẻ của các bác, các cô ở đây, chúng tôi lại thấm thía hơn nỗi đau chiến tranh để lại và càng biết ơn về thế hệ cha anh đi trước đã không quản ngại mưa bom bão đạn để giành lại nền độc lập nước nhà như ngày hôm nay.

Sự hy sinh đầy thầm lặng nhưng cũng đầy tự hào càng góp phần tô thắm truyền thống 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Mốc kỷ niệm 80 năm cũng là dịp để chúng ta nhìn lại, tôn vinh những con người đã góp phần tạo nên diện mạo Việt Nam hôm nay. Họ chính là những người âm thầm, vững chắc làm nên nền tảng cho những chiến công và các giá trị trường tồn của dân tộc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục