Những người quên mình, xả thân vì đồng bào vùng lũ

Cơn lũ lịch sử tại Bình Định vẫn chưa đi qua, hàng ngàn người gánh chịu thiệt hại, nhiều gia đình mất đi người thân, nhiều gia đình mất đi nhà cửa, của cải.
Những người quên mình, xả thân vì đồng bào vùng lũ ảnh 1Người dân huyện Tuy Phước vẫn phải vượt qua tràn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa bằng những phương tiện thuyền nhỏ. (Ảnh: Viết Ý/TTXVN)

Cơn lũ lịch sử tại Bình Định vẫn chưa đi qua, hàng ngàn người gánh chịu thiệt hại, nhiều gia đình mất đi người thân, nhiều gia đình mất đi nhà cửa, của cải. Nhưng bên trong cơn lũ dữ hoành hành, có những người quên mình, xả thân vì đồng bào bị nạn. Cơn lũ hung dữ rồi cũng qua đi, nhưng những hình ảnh các chiến sỹ quên mình thì còn lại mãi.

Từ trưa 15/11, lũ dữ bắt đầu trút xuống, hàng loạt khu dân cư tại các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, thành phố Quy Nhơn bắt đầu ngập. Lũ lên như sóng, người dân hốt hoảng nhưng không kịp trở tay. Tốc độ dâng nước của lũ nhanh và mạnh bất ngờ, nhiều gia đình chỉ kịp cứu người và nhìn đứng những tài sản bị cuốn theo hoặc chìm dần trong lũ.

Tất cả được báo động tình trạng khẩn cấp, hệ thống truyền thanh xã, phường được huy động hết công suất thông báo đồng bào sơ tán lũ. Ngay lập tức, các lực lượng vũ trang địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn được huy động vào cuộc. Các chiến sỹ không quản ngại, lao vào bóng đêm, vượt qua dòng chảy xiết, xoáy sâu của lũ để cứu nạn người dân bị kẹt vì lũ.

Đến thôn Huỳnh Kim, xã Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn), đội ứng cứu bão lũ của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định đang khẩn trương tìm vị trí để “hạ lũ” chiếc canô cứu hộ. Tôi may mắn kịp nhảy lên canô, theo chân các chiến sỹ. Sau vài phút, dù rất khó khăn, chiếc ca nô đã được các chiến sỹ đưa xuống. Chui qua những lùm gai chằng chịt, chiếc canô lao vào giữa lòng lũ xoáy. Một, hai, rồi ba lần canô tắt máy, bị lũ đẩy đi ào ào nhưng vẫn rất bình tĩnh, các chiến sỹ khởi động lại máy và xoay tay lái vượt dòng. Đi cùng chúng tôi còn có một thanh niên địa phương, là cậu của 2 cháu nhỏ mới 3 tuổi bị mắc kẹt trong lũ cùng mẹ.

Bốn bề là nước lũ, Thượng úy Nguyễn Dương vẫn vững vàng tay lái trên chiếc canô 85 mã lực. Đến một khu cứu dân, xác định trong nhà có 2 cháu bé bị kẹt, các chiến sỹ dùng sào đo mực nước cao hơn 4m. Thế nhưng không thể tiếp cận đến tận nhà khi dòng lũ xé toang mọi thứ ào ào ngay bên cạnh. Trung úy Nguyễn Đăng Hùng xung phong dùng thuyền phao vào cứu. Trong tích tắc, thuyền phao được buộc dây, Trung úy Hùng dùng chèo bơi vào nhà, vượt qua đám rau muống cùng lục bình dày đặc. Trung úy Hùng ngâm mình dưới dòng nước xiết đưa hai cháu nhỏ lên thuyền phao, các chiến sỹ trên ca nô kéo dây đưa thuyền phao hướng về mình. Hai cháu nhỏ được cứu an toàn, người mẹ ở lại vì phải trông ngôi nhà bị ngập gần đến mái. Khi đưa 2 cháu nhỏ vượt qua dòng lũ, trao các cháu cho bà ngoại, các anh lại quay lưng lên canô cho một chuyến đi khác.

Từ tối 15 đến sáng 16/11, đội cứu nạn này đã cứu “mười mấy, hai mươi người gì đó, không nhớ rõ” - như lời Đại úy Nguyễn Tất Lâm. Cả 6 chiến sỹ trên ca nô đều nhiều lần lao mình vào dòng lũ để cứu người. Tối 15/11, trong cơn lũ, các chiến sỹ vẫn trắng đêm cứu người. Các anh đã đưa được mẹ con một sản phụ vừa sinh được 3 ngày từ vùng lũ huyện Tây Sơn đến nơi an toàn. Trung úy Nguyễn Đăng Hùng thổ lộ: Nhìn người dân bị kẹt trong lũ, tụi em không kịp nghĩ gì đâu, thấy như người thân của mình ở đó. Thế là mọi việc tự nhiên diễn ra, nguy hiểm để lại sau lưng.

Khi hỏi chuyện lái trưởng Nguyễn Dương, tôi không khỏi bất ngờ khi anh tiết lộ đây là đợt lũ đầu tiên chàng Thượng úy trinh sát này cầm lái đi cứu người. Anh hồn nhiên cho biết: Tập huấn thì chủ yếu trên biển chứ làm gì có lũ mà tập. Nhưng có lũ rồi thì phải làm thật, không có cơ hội để sửa sai. Lũ tuy có ghê gớm thật nhưng vẫn cứ tự tin, rồi mọi việc cũng đều suôn sẻ. Đại úy Nguyễn Tất Lâm thì nói: “Điều khó nhất khi cứu người kẹt lũ trong đêm là không thông thuộc địa hình, lần mò trong đêm mà trên ca nô không có người địa phương nên đã nhiều lần va đập, chân vịt ca nô bị cong vòng 3 cánh, một cánh bị gãy". Thả tôi xuống thuyền rồi, các anh lại lao mình vào lũ.

Trưa, nhận được tin báo các lực lượng đang triển khai công tác cứu hộ cho người dân vùng trũng thấp huyện Tuy Phước, trong đó có thôn Cồn Chim (xã Phước Hòa), là thôn đảo nằm giữa đầm Thị Nại cùng với các xã ven đầm có nhiều khu dân cư bị cô lập. Tôi chạy đến bến cá cầu Hà Thanh, đang loay hoay thì nghe gọi: “Này, đi cùng tiếp chứ!”. Quay lại, giật mình khi thấy đó là Thượng úy Dương cùng đồng đội. Tôi lại lên canô, lao đi trong lũ, vượt đầm Thị Nại, đến những vùng dân cư đã ngâm mình trong bốn bề nước lũ. Nhìn thấy canô cứu hộ, nhiều người dân rất vui, nhận lấy nước uống, mì ăn liền... Canô các anh quay về khi trời đã tối hẳn, qua cầu Thị Nại, đèn điện sáng choang bình yên bên trên cơn lũ mà ở trong nó là những con người quên đi hiểm nguy, mệt nhoài hay vất vả. Một chiến sỹ mời tôi miếng lương khô.

Không chỉ có lực lượng của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định mà hàng ngàn chiến sỹ từ các lực lượng vũ trang Quân khu 5, Cảnh sát cơ động, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Không quân... đều quên mình trong lũ dữ, cứu được hàng ngàn người dân bị mắc kẹt đến nơi an toàn.

Cơn lũ tàn khốc đang dần qua đi ở từng vùng dân cũng là lúc các chiến sỹ tiếp tục quay trở lại để giúp dân khắc phục hậu quả, ổn định lại cuộc sống./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục