Trong lúc mọi người sum vầy cùng mâm cỗ đón xuân sang, chị Huệ lại cùng đồng nghiệp miệt mài gom những phế thải sau cuộc vui xuân người ta “để” lại.
Chị bảo, cái nghề làm công nhân vệ sinh môi trường đô thị, vốn bị coi là… tận cùng của sự vất vả ở Thủ đô, có một niềm vui nho nhỏ khi góp phần làm đẹp mùa xuân.
Sợ nhất mưa phùn
Ngày nào cũng thế, sau 15 phút đạp xe từ ngôi nhà nhỏ tại đường Ngô Sĩ Liên (Đống Đa, Hà Nội), chị Tăng Thị Xuân Huệ lại có mặt ở hồ Thiền Quang (quận Hoàn Kiếm) để làm việc. Dựng nhờ xe vào phía sân của Đội cảnh sát hình sự số 7, chị đến điểm tập kết, lấy xe đẩy, chổi, xẻng bắt đầu công việc của mình.
Chị Huệ, mới 43 tuổi nhưng đã vào nghề vệ sinh môi trường đô thị (Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên môi trường đô thị - URENCO) được 24 năm. Đoạn đường chị phụ trách là một “ô vuông” từ phố Nguyễn Thượng Hiền-Trần Bình Trọng-Nguyễn Du-Lê Duẩn. “Hết nhặt rác, lại quét đường, hôm nào nhanh cũng phải 12 giờ đêm mới được về nhà,” chị kể.
Theo chị Huệ, những người quét rác sợ nhất là mưa phùn. Những hạt mưa xuân li ti càng làm những mảnh giấy, lá bám riết lấy mặt đường...
Tại trục đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), chị Quách Thị Thùy cũng kể về những nỗi nhọc nhằn của nghề quét rác. Mưa, khổ đã đành, nhưng nhiều khi ý thức của con người cũng làm công việc vất vả gấp bội. Này nhé, nào là chuyện vứt rác bừa bãi ở điểm để rác, chuyện những người đi “hôi rác” lấy vật liệu để bán đồng nát cũng làm tung tóe rác.
Lúc gặp tôi, chiếc xe chứa rác của chị Thùy lúc này đã đầy ú ụ, với mấy tấm ván ép đã cài sẵn ở thành xe, chị quây quanh thùng xe để “mở rộng diện tích”. Một đôi trai gái phóng xe vù vù trong ngõ ra đường, gặp xe rác liền phanh gấp lại. Bánh xe trượt rê trên mặt đường. Không ai bị thương. Chị Thùy chẹp miệng: “Đi thế có chết con người ta không? ” Rồi kể, chị Lương (cùng nhóm với chị Thùy), một lần có cậu thanh niên đi xe máy một tay, tay kia nghe điện thoại đã đâm sầm vào, khiến chị Lương phải “an dưỡng” hàng tháng trời.
Nghề quét rác, lương cũng chẳng được là bao nhưng nhiều khi đám công nhân còn… “mất tiền oan”. Có lần, một đám thanh niên đánh nhau, lao vào xe rác để… lấy xẻng làm vũ khí rồi không trả hay những chiếc xe đạp dù được xích vào cẩn thận nhưng vẫn bị bọn nghiện lấy để bán lấy vài chục ngàn. Thậm chí, có những chuyện dở khóc dở cười như một chị đang quét rác trên đường Láng, phải bỏ chạy và hét toáng vì gặp phải một ông “đệ tử Lưu Linh” say xỉn, nhìn gà hóa cuốc cứ tưởng vợ mình, xáp tới đòi ôm…
Bỏ quên... giao thừa
Làm nghề vệ sinh môi trường, với chị Huệ, chị Thùy và đồng nghiệp khác thì cái sự “đón giao thừa” cùng gia đình đã trở thành quá xa xỉ. Bởi lẽ, rác ngày nào cũng có nên phải nhặt. Đến phút giao thừa, muốn về với gia đình thì đó lại là thời điểm người ta ra đường để xem bắn pháo hoa, đi lễ hoặc hái lộc đầu năm. Sau khi mọi người rút, còn lại là rác. Rác từ vỏ bánh, kẹo, từ cành cây… làm người công nhân môi trường phải vất vả đi thu gom, vận chuyển ra điểm tập kết trước khi trời sáng. Do đó, chẳng năm nào về sớm hơn 3-4 giờ sáng ngày mồng Một.
Ông Lê Trung Dũng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của URENCO cho biết, trước Tết vài ngày, 100% cán bộ, công nhân viên của đơn vị này đã phải đi làm. Riêng ngày 29, 30 thì phải làm từ 6 giờ sáng đến khi hết rác, bất luận ngày đêm. “Suốt cuộc đời của người công nhân vệ sinh môi trường đô thị, không có khái niệm đón giao thừa ở nhà,” ông nói.
Không ở nhà cùng gia đình đón giây phút quan trọng nhất của năm, nhưng chị Huệ và chị Thùy đã chuẩn bị từ chiều 30. Họ phải chuẩn bị mâm cỗ cúng trời đất, tổ tiên rồi “bàn giao” cho chồng con thắp hương... Mờ sáng, các chị về đến nhà, lại tất bật lao vào cơm nước cho bữa cơm đầu năm mới.
Chị Huệ còn kể rằng, có những đồng nghiệp còn không dám trở về nhà sau giờ làm việc [vào sáng ngày mồng Một Tết-pv]. “Ở phố còn đỡ, chứ nhiều chị nhà ở ngoại thành, các cụ còn kiêng kị và mê tín lắm. Do đó, xong việc mà các chị ấy vẫn cứ luẩn quẩn với nhau trò chuyện, đến khi trời sáng mới đạp xe về bởi lúc ấy đã có khách đến xông đất rồi,” chị Huệ nói.
Còn chị Thùy thì bảo, có người “nhỡ” xông đất, người nhà vốn khó tính, còn cầm báo “đốt vía” bởi sợ rằng làm nghề quét rác, năm ấy gia đình sẽ gặp điều không may…
"Tủi lắm chú ạ. Nhưng thôi, nghề mình thì mình làm, chứ kêu ai được bây giờ mà đổi việc cũng đâu có dễ," một công nhân quét rác, xen vào câu chuyện.
Tôi rời con đường vắng vẻ mà không quên gửi lời chúc mừng năm mới đến những người công nhân quét rác. Năm hết, Tết đến, ai cũng muốn cùng gia đình tụ họp bên mâm cơm đón giao thừa. Còn với họ, công việc phải là số một. Họ không quên giao thừa đâu, mà “phải bỏ quên” giây phút thiêng liêng ấy để dọn dẹp đường phố, làm đẹp mùa xuân. Để, “Sáng mai ra/Gánh hàng hoa/Xuống chợ/Hoa Ngọc Hà/Trên đường/Rực nở/Hương bay xa/Thơm mát/Đường ta/Nhớ nghe hoa/Người quét rác/Đêm qua” (bài thơ Tiếng chổi tre, Tố Hữu)./.
Chị bảo, cái nghề làm công nhân vệ sinh môi trường đô thị, vốn bị coi là… tận cùng của sự vất vả ở Thủ đô, có một niềm vui nho nhỏ khi góp phần làm đẹp mùa xuân.
Sợ nhất mưa phùn
Ngày nào cũng thế, sau 15 phút đạp xe từ ngôi nhà nhỏ tại đường Ngô Sĩ Liên (Đống Đa, Hà Nội), chị Tăng Thị Xuân Huệ lại có mặt ở hồ Thiền Quang (quận Hoàn Kiếm) để làm việc. Dựng nhờ xe vào phía sân của Đội cảnh sát hình sự số 7, chị đến điểm tập kết, lấy xe đẩy, chổi, xẻng bắt đầu công việc của mình.
Chị Huệ, mới 43 tuổi nhưng đã vào nghề vệ sinh môi trường đô thị (Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên môi trường đô thị - URENCO) được 24 năm. Đoạn đường chị phụ trách là một “ô vuông” từ phố Nguyễn Thượng Hiền-Trần Bình Trọng-Nguyễn Du-Lê Duẩn. “Hết nhặt rác, lại quét đường, hôm nào nhanh cũng phải 12 giờ đêm mới được về nhà,” chị kể.
Theo chị Huệ, những người quét rác sợ nhất là mưa phùn. Những hạt mưa xuân li ti càng làm những mảnh giấy, lá bám riết lấy mặt đường...
Tại trục đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), chị Quách Thị Thùy cũng kể về những nỗi nhọc nhằn của nghề quét rác. Mưa, khổ đã đành, nhưng nhiều khi ý thức của con người cũng làm công việc vất vả gấp bội. Này nhé, nào là chuyện vứt rác bừa bãi ở điểm để rác, chuyện những người đi “hôi rác” lấy vật liệu để bán đồng nát cũng làm tung tóe rác.
Lúc gặp tôi, chiếc xe chứa rác của chị Thùy lúc này đã đầy ú ụ, với mấy tấm ván ép đã cài sẵn ở thành xe, chị quây quanh thùng xe để “mở rộng diện tích”. Một đôi trai gái phóng xe vù vù trong ngõ ra đường, gặp xe rác liền phanh gấp lại. Bánh xe trượt rê trên mặt đường. Không ai bị thương. Chị Thùy chẹp miệng: “Đi thế có chết con người ta không? ” Rồi kể, chị Lương (cùng nhóm với chị Thùy), một lần có cậu thanh niên đi xe máy một tay, tay kia nghe điện thoại đã đâm sầm vào, khiến chị Lương phải “an dưỡng” hàng tháng trời.
Nghề quét rác, lương cũng chẳng được là bao nhưng nhiều khi đám công nhân còn… “mất tiền oan”. Có lần, một đám thanh niên đánh nhau, lao vào xe rác để… lấy xẻng làm vũ khí rồi không trả hay những chiếc xe đạp dù được xích vào cẩn thận nhưng vẫn bị bọn nghiện lấy để bán lấy vài chục ngàn. Thậm chí, có những chuyện dở khóc dở cười như một chị đang quét rác trên đường Láng, phải bỏ chạy và hét toáng vì gặp phải một ông “đệ tử Lưu Linh” say xỉn, nhìn gà hóa cuốc cứ tưởng vợ mình, xáp tới đòi ôm…
Bỏ quên... giao thừa
Làm nghề vệ sinh môi trường, với chị Huệ, chị Thùy và đồng nghiệp khác thì cái sự “đón giao thừa” cùng gia đình đã trở thành quá xa xỉ. Bởi lẽ, rác ngày nào cũng có nên phải nhặt. Đến phút giao thừa, muốn về với gia đình thì đó lại là thời điểm người ta ra đường để xem bắn pháo hoa, đi lễ hoặc hái lộc đầu năm. Sau khi mọi người rút, còn lại là rác. Rác từ vỏ bánh, kẹo, từ cành cây… làm người công nhân môi trường phải vất vả đi thu gom, vận chuyển ra điểm tập kết trước khi trời sáng. Do đó, chẳng năm nào về sớm hơn 3-4 giờ sáng ngày mồng Một.
Ông Lê Trung Dũng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của URENCO cho biết, trước Tết vài ngày, 100% cán bộ, công nhân viên của đơn vị này đã phải đi làm. Riêng ngày 29, 30 thì phải làm từ 6 giờ sáng đến khi hết rác, bất luận ngày đêm. “Suốt cuộc đời của người công nhân vệ sinh môi trường đô thị, không có khái niệm đón giao thừa ở nhà,” ông nói.
Không ở nhà cùng gia đình đón giây phút quan trọng nhất của năm, nhưng chị Huệ và chị Thùy đã chuẩn bị từ chiều 30. Họ phải chuẩn bị mâm cỗ cúng trời đất, tổ tiên rồi “bàn giao” cho chồng con thắp hương... Mờ sáng, các chị về đến nhà, lại tất bật lao vào cơm nước cho bữa cơm đầu năm mới.
Chị Huệ còn kể rằng, có những đồng nghiệp còn không dám trở về nhà sau giờ làm việc [vào sáng ngày mồng Một Tết-pv]. “Ở phố còn đỡ, chứ nhiều chị nhà ở ngoại thành, các cụ còn kiêng kị và mê tín lắm. Do đó, xong việc mà các chị ấy vẫn cứ luẩn quẩn với nhau trò chuyện, đến khi trời sáng mới đạp xe về bởi lúc ấy đã có khách đến xông đất rồi,” chị Huệ nói.
Còn chị Thùy thì bảo, có người “nhỡ” xông đất, người nhà vốn khó tính, còn cầm báo “đốt vía” bởi sợ rằng làm nghề quét rác, năm ấy gia đình sẽ gặp điều không may…
"Tủi lắm chú ạ. Nhưng thôi, nghề mình thì mình làm, chứ kêu ai được bây giờ mà đổi việc cũng đâu có dễ," một công nhân quét rác, xen vào câu chuyện.
Tôi rời con đường vắng vẻ mà không quên gửi lời chúc mừng năm mới đến những người công nhân quét rác. Năm hết, Tết đến, ai cũng muốn cùng gia đình tụ họp bên mâm cơm đón giao thừa. Còn với họ, công việc phải là số một. Họ không quên giao thừa đâu, mà “phải bỏ quên” giây phút thiêng liêng ấy để dọn dẹp đường phố, làm đẹp mùa xuân. Để, “Sáng mai ra/Gánh hàng hoa/Xuống chợ/Hoa Ngọc Hà/Trên đường/Rực nở/Hương bay xa/Thơm mát/Đường ta/Nhớ nghe hoa/Người quét rác/Đêm qua” (bài thơ Tiếng chổi tre, Tố Hữu)./.
Trung Hiền (Vietnam+)