Người "muôn năm cũ"

Những người "muôn năm cũ" và thú chơi sách cổ

Hầu hết họ đều còn trẻ, nhưng bộ sưu tập về sách cổ của họ thì khiến nhiều người phải choáng váng bởi sự độc đáo và độ “khủng”.
Nói như nhà thơ Vũ Đình Liên, họ là “những người muôn năm cũ”. Bởi họ làm cái công việc lưu giữ những giá trị xưa cũ thông qua một thú đam mê: chơi sách. Và trái với hình dung của nhiều người, hầu hết họ đều còn trẻ...

Từ điển Việt-Bồ-La cũng có!

Nếu theo cách diễn đạt trong "Tam Quốc diễn nghĩa" thì trên bầu trời của thế giới chơi sách xưa, ở thời điểm hiện tại, “xem thiên văn, thấy sao sáng hầu hết tụ ở phương Nam!”.

Thật ra, các tay chơi sách sừng sỏ tập trung nhiều ở phía Nam cũng có lý do của nó. Họ có “thiên thời”, nguồn sách xưa phong phú, dẫu bị thất tán đi nhiều qua năm tháng nhưng cũng còn giàu có hơn nhiều so với phía Bắc; có “địa lợi”, vì khí hậu khô nóng ở phương Nam thuận lợi cho việc bảo quản sách, không ẩm thấp như phương Bắc, chưa kể các đô thị lớn ở miền Bắc thời chiến tranh đều bị ném bom, cứ mỗi lần gia chủ đi sơ tán là một lần sách vở hao hụt; có “nhân hòa”, vì các tay chơi sách chịu khó trao đổi sách, lại có thêm những người bán sách chuyên nghiệp làm cầu nối, tạo nên một “thị trường” sách xưa…

Một trong những tay chơi sách sừng sỏ bậc nhất hiện nay là H.M, ở Thành phố Hồ Chí Minh, làm việc bên ngành hàng không. H.M còn trẻ nhưng đã có thâm niên chơi sách khá lâu và được anh em trong giới chơi sách xưa thật sự ngưỡng mộ bởi không chỉ có một bộ sưu tập cực kỳ hoành tráng, mà còn bởi những kiến thức vô song của anh về thế giới sách xưa mà anh lúc nào cũng sẵn lòng chia sẻ với bạn chơi.

H.M sưu tập nhiều mảng, nhưng ấn tượng nhất là mảng sách xưa và từ điển. Trong mảng sách xưa, anh có những ấn phẩm cực kỳ quý hiếm của thời kỳ đầu chữ quốc ngữ ở Việt Nam. Có thể kể ra các tác phẩm của Trương Vĩnh Ký như "Sơ học vấn tân quốc ngữ diễn ca" (xuất bản năm 1884), "Minh tâm bửu giám" (1893), "Tứ thư" (1889); "Chuyện giải buồn" (1886) của Huỳnh Tịnh Của; các tác phẩm của Thế Tải Trương Minh Ký (học trò Trương Vĩnh Ký) như "Ca từ diễn nghĩa" (1896), "Trị gia cách ngôn" (1895), "Tập dạy học tiếng Phansa và tiếng Annam" (1892), "Ấu học khải mông" (1893), "Chư quấc thại hội" (1896, thuật lại cuộc đi Pháp dự đấu xảo năm 1889), "Tuồng Kim Vân Kiều" (1914)...

Những học giả có công lớn trong việc truyền bá chữ quốc ngữ vào Việt Nam như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh cũng có tác phẩm nằm trong bộ sưu tập của H.M. Phạm Quỳnh có "Khảo về tiểu thuyết" (1929), "Ba tháng ở Paris" (1927), "Phật giáo đại quan" (1925)... Nguyễn Văn Vĩnh có các tác phẩm dịch "Ngụ ngôn La Fontaine", với nhiều minh họa của họa sĩ Mạnh Quỳnh, "Trẻ con hát, trẻ con chơi" (1943), "Truyện trẻ con của Perrault" (1943), "Những kẻ khốn nạn" (1925-1928), "Kim Vân Kiều", 2 tập, dịch sang tiếng Pháp (1942-1943)...

Nếu như mảng sách xưa trong bộ sưu tập của H.M có thể làm người ta ngưỡng mộ bởi tính độc đáo thì mảng sưu tập từ điển của anh có thể khiến những người ham mê sách xưa bị “choáng” bởi độ “khủng” của chúng! Trong số này phải kể đến bộ "Từ điển Annam-Latin và Latin-Annam" (Nam Việt Dương Hiệp tự vị) của giáo sĩ Taberd xuất bản năm 1838 tại Serampore, Ấn Độ.

Đây là lần đầu tiên chữ quốc ngữ đối chiếu với chữ Nôm được in trong một cuốn từ điển. Năm 1912, viện Hàn lâm khoa học Pháp đã chính thức xác nhận, chữ quốc ngữ hiện dùng ở Đông Dương thuộc Pháp, trải từ thời Alexandre de Rhodes, đã được cải tiến chủ yếu nhờ công của Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc) mà phần lớn công trình cải cách này đã lưu dấu trong từ điển của Taberd. Bộ từ điển 2 tập này thoạt tiên thuộc sở hữu của một bạn cũng chơi sách cổ ngoài Hà Nội, từng đoạt giải Nhất thể loại Bộ sách trong cuộc thi Những cuốn sách vàng lần thứ Nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2002. Sau anh bạn kia chuyển sang “môn” khác nên bộ từ điển đã về tay H.M. Âu cũng là “châu về hợp phố”!

Nếu nói đến từ điển thì hẳn là tay chơi nào cũng đều biết đến một cuốn từ điển cực hiếm, có tuổi đã mấy trăm năm: "Từ điển Việt-Bồ-La" do giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1591-1660) soạn và in tại Rome năm 1651. Đây chính là cuốn từ điển đặt nền móng cho sự ra đời của chữ quốc ngữ và không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới cũng vô cùng hiếm. Vậy mà một tay chơi sách ở Sài thành cũng có (ngoài một bản lưu tại Thư viện tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh).

Theo lời đồn (trong giới chơi sách luôn có vô số các tin đồn!) thì tay chơi sách này đã mua cuốn từ điển quý giá của một người ở Đà Lạt, nhưng do những lý do tế nhị nên không (hoặc chưa) muốn lộ danh tính của mình cho mọi người biết!

Thủ bút, chữ ký, bản đặc biệt..., đủ cả!

Một tay chơi khác ở Sài thành, tuổi còn trẻ nhưng cũng đã có danh là V.H.T, làm nghề kiến trúc. V.H.T có ưu thế là thừa hưởng được một tủ sách của gia đình, nhưng bản thân anh cũng là người chơi sách có gu và biết bổ sung vào kho sách của mình thêm dày dặn! Điểm khiến giới chơi sách “kinh hãi” nhất là trong bộ sưu tập của V.H.T có nhiều cuốn sách cổ mà vẫn mới tinh như đi thẳng từ nhà in về tủ sách nhà anh! Điểm đặc biệt thứ hai là V.H.T sở hữu nhiều cuốn sách thuộc ấn bản đặc biệt (có lẽ nhiều nhất ở Việt Nam?), nhiều ấn bản kèm theo thủ bút và chữ ký của tác giả!

Có thể thấy ở đây "Tục ngữ phong dao" của Nguyễn Văn Ngọc, Vĩnh Hưng Long Thư Quán - Hà Nội xuất bản lần thứ nhất vào năm 1928; "Chương Dân thi thoại" của Phan Khôi, Đắc Lập-Huế xuất bản lần đầu năm 1936; "Nét mực tình" của Dương Bá Trạc, nhà Éditions DongTay - Hà Nội xuất bản năm 1937; "Hồng Kiều" của Phan Mạnh Danh, Phan Phong Linh xuất bản năm 1943 tại Nam Định; "Việt Nam cổ văn học sử" của Nguyễn Đổng Chi, Hàn Thuyên Xuất bản cục in và xuất bản năm 1942, Trần Văn Giáp đề tựa, Huỳnh Thúc Kháng đề lời bạt, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung trình bày bìa; "Kim Vân Kiều truyện" do Trương Vĩnh Ký dịch sang chữ quốc ngữ, bản in lần thứ ba năm 1911 tại Sài Gòn, do Imprimerie F.H.Schneider xuất bản...

Về chữ ký cùng thủ bút thì góp mặt trong bộ sưu tập của V.H.T có những tên tuổi tài danh như Vũ Hoàng Chương, Lê Mạnh Liêu, René Crayssac (người dịch "Kim Vân Kiều" sang tiếng Pháp), Bùi Giáng, Nguyễn Hữu Hiệu, Tương Phố, Lãng Nhân, Diên Hương, Quách Tấn, Trần Văn Khê... Quả thật là để có một bộ sưu tập như thế, cộng với duyên may, phải hơn một đời người may ra mới có được.

Một tay chơi sách có danh khác cũng ở Thành phố Hồ Chí Minh là P.G.Đ, làm việc cho một công ty kinh doanh dây cáp. Đ. tính tình điềm đạm, chơi sách khá kỹ. Đ. đặc biệt chăm chú chơi những cuốn từ điển có giá trị, như "Giản Yếu Hán Việt Từ Điển" của Vệ Thạch, Đào Duy Anh, in lần đầu năm 1932 ở Tiếng Dân (Huế) và Lê Văn Tân (Hà Nội), từ điển của Lê Ngọc Trụ, Diên Hương, sách triết của Phạm Công Thiện, thơ, dịch, triết của Bùi Giáng...

Nói các tay chơi sách sừng sỏ tập trung ở phương Nam (chưa kể Nha Trang, Đà Nẵng cũng có một vài cao thủ) không có nghĩa là phía Bắc không có cao thủ! Một số tay chơi sách như P. ở Hà Nội làm trong ngành du lịch, B. làm ngành in, C. ở Bắc Ninh làm trong lĩnh vực xây dựng…, cũng có lượng sách xưa khá phong phú.

Ngoài lượng sách xưa đổ ra từ nguồn phía Nam (do đó cũng góp phần đẩy giá sách xưa trên thị trường lên với tốc độ... rocket!), các tay chơi sách phía Bắc còn có những mảng sách mà các tay chơi sách xưa phía Nam ít có (do chưa quan tâm hoặc cũng không có điều kiện sưu tập). Đó là mảng sách của các nhà xuất bản phía Bắc phát hành quãng sau năm 1954 đến đầu những năm 1970. Mảng sách này phản ánh đời sống văn hóa xã hội miền Bắc trong một thời kỳ đầy biến động, rất đáng để các nhà sưu tầm sách cũng như nghiên cứu sau này quan tâm.

Tuy nhiên, cũng như đặc điểm chung của giới chơi sách xưa thường ngại ngùng (do khiêm tốn?) không muốn lộ danh tính nên nhiều khi, danh tiếng của các tay chơi sách xưa phía Bắc thường chỉ luẩn quẩn trong giới chơi sách mà thôi. Phần việc còn lại thuộc về hệ thống các... tin đồn!

Những người chơi sách xưa - những người "muôn năm cũ" - vẫn còn đây, để bảo tồn những giá trị và cái đẹp trường tồn của sách!/.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục