Xã Phố Cáo (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) chỉ có một quãng thung lũng bằng phẳng, còn lại toàn núi đá tai mèo lởm chởm và vực sâu hun hút.
Tên là “Phố” nghe thật sang nhưng quanh đây không có con phố nào, dân cư thưa thớt, phong cảnh rất kỳ vĩ nhưng hoang sơ.
Hơn 1.200 hộ với trên 6.000 nhân khẩu, gần như 100% là đồng bào H'Mông, sống trên núi đá và chỉ có nghề làm nông. Ruộng rẫy cực kỳ hiếm, do vậy đời sống của người dân rất khó khăn.
Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, sự nghiệp giáo dục ở Phố Cáo đã có sự khởi sắc. Việc vận động trẻ đến trường không còn quá khó khăn bởi các em nhỏ ở đây đã biết thích cái chữ và yêu thầy, cô giáo.
Thuận cho trò, khó cho thầy
“Tất cả vì học sinh thân yêu” ở xã Phố Cáo nói riêng và huyện Đồng Văn nói chung không chỉ là câu khẩu hiệu. Điều này trở thành phương châm chỉ đạo của cả Đảng bộ, chính quyền và ngành Giáo dục của địa phương.
Nhìn vào số lượng và sự phân bố điểm trường sẽ biết trẻ em ở đây được quan tâm như thế nào. Hễ có học sinh, dù số lượng chưa chẵn chục, là có lớp, có thầy, có cô. Cách làm này rất thuận cho học trò dù rất khó cho người đứng lớp và cả người quản lý.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phố Cáo Nguyễn Thị Hạnh có nét mặt ưu tư của người phụ nữ quanh năm tất bật. Cũng dễ hiểu, chị phải quản lý 58 cán bộ, giáo viên rải ra 14 điểm trường và ở cơ sở chính.
Chị Hạnh chia sẻ: “Tôi gốc Hà Nội nhưng lên vùng cao 25 năm rồi, giờ thành công dân của cao nguyên đá Đồng Văn. Nhà cửa, chồng con đều ở đây. Con trai cũng trở thành đồng nghiệp của mẹ. Biết bao gian khó tôi đã trải qua nhưng phải thừa nhận là không dễ gì quản lý được 15 cơ sở giáo dục, với những điểm cách trường chính tới 10-13 cây số đường rừng, có điểm không đi được xe máy, phải leo bộ tiếng rưỡi. Đồng Văn nhiều mưa quanh năm, sương mù cũng quanh năm, mùa Đông lạnh cóng. Đường hết bò lên núi lại lao xuống lũng, đi lại rất vất vả.”
Xã Phố Cáo có 18 thôn, trong đó có ba thôn biên giới, nhưng có tới 15 cơ sở giáo dục tiểu học, mẫu giáo. Như vậy, phương châm “đưa lớp học gần với học sinh” đã thành hiện thực.
Trẻ em thuận tiện trong việc học hành, không còn cảnh trèo núi, băng rừng, lội suốt cả giờ liền mới đến được điểm trường. Các bậc làm cha, làm mẹ cũng rảnh rang hơn để lo mưu sinh.
Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc các giáo viên hằng ngày phải đi xa, rất xa để gieo con chữ. Giáo viên nam được phân công đến những điểm khó khăn, xa xôi nhất. Điểm gần được ưu tiên bố trí cho giáo viên nữ, các cô giáo lớn tuổi hoặc đang nuôi con nhỏ.
Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh cho biết hai cán bộ quản lý đều là nữ, mỗi tuần thay phiên nhau đến các điểm trường nắm tình hình. Hỗ trợ cho họ là các tổ trưởng, tổ phó của 5 tổ chuyên môn.
Nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự tuyên truyền, vận động của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể địa phương và đội ngũ giáo viên, hiện tại ở xã Phố Cáo không còn tình trạng trẻ ở độ tuổi đi học mà không đến trường. Hầu như không còn hiện tượng học sinh bỏ dở cấp tiểu học.
Trẻ em người H'Mông đã biết thích học chữ và vui vẻ đến trường. Tỷ lệ học sinh nữ ở trường tiểu học chiếm gần 50% (410 em trong tổng số 833 học sinh).
Còn nhiều khó khăn
Từ năm 2017 đến nay, Nhà nước đã đầu tư xây dựng ở Trường Tiểu học Phố Cáo ba điểm trường với 12 lớp học kiên cố. Tuy nhiên, trường có tới 42 lớp, như vậy còn rất nhiều lớp chỉ được xây ở mức bán kiên cố, một số lớp học có biểu hiện xuống cấp.
Cô giáo Hoàng Thị Thanh Bình cho biết: “Các lớp tại hai điểm trường Sảng Pả và Xẻo Lủng ở gần trường chính, được dựng từ năm 2010. Nhìn qua, các cơ sở này khá khang trang nhưng phía trên lớp ốp trần là mái ngói cũ kỹ, phía sau lớp ni lông bọc tường là những viên gạch bở. Vùng này lại hay có gió lốc, giáo viên và phụ huynh H'Mông muốn được Nhà nước sớm đầu tư sửa chữa hoặc xây mới.”
Điểm trường mới Pho Chi cách trường chính 13km, nằm sát đường biên giới, đang được gấp rút hoàn thành trong tháng Chín.
Đây là công trình giáo dục không phải do Nhà nước đầu tư. Một số nhà hảo tâm ở vùng xuôi đã đóng góp 320 triệu đồng để xây lớp học tại nơi xa trung tâm xã nhất.
[Thắp sáng ước mơ cho các em thiếu nhi vùng cao Sơn La]
Thôn Pho Chi có 22 hộ dân và chỉ có vỏn vẹn 9 em học sinh lớp 2. Hai em ở độ tuổi lớp 1 được gửi sang điểm trường lân cận, chưa có học sinh lớp 3, lớp 4.
Việc thiếu sách vở, bút, bảng cũng đang là nỗi trăn trở của các giáo viên. 303 hộ không thuộc diện nghèo lại khó khăn hơn trong việc mua sắm sách vở cho con vào năm học mới.
Nguyên do là 530 hộ nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ trẻ em đến trường, còn các hộ cận nghèo thì không.
Trong khi đó, khoảng cách giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo rất mờ nhạt. Trên thực tế, tất cả đều nghèo.
Các loại quỹ của chính quyền, các đoàn thể địa phương rất H'Mông, trong khi đó trên địa bàn không có một doanh nghiệp lớn nào. Vì vậy, việc kêu gọi sự hỗ trợ tại chỗ rất khó khăn.
Rất may là trước thời điểm khai giảng năm học mới, nhóm thiện nguyện Cầu nối trái tim (Hà Nội) đã đến thăm Trường Tiểu học Phố Cáo và ủng hộ sách giáo khoa, vở tập viết cùng nhiều món quà thiết thực nhất dành cho các em nhỏ người H'Mông.
Cô giáo Hoàng Thị Thanh Bình tâm sự: "Lâu lắm mới có đoàn từ thiện đến Phố Cáo. Chúng tôi rất vui. H'Mông muốn của chúng tôi là các em học sinh được đón nhận tấm lòng từ vùng xuôi lên, tương tự như cách làm của nhóm Cầu nối trái tim, sách, vở, bút, bảng... Đây là món quà ý nghĩa và thiết thực nhất."
Nỗ lực rút ngắn khoảng cách
Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hạnh, một điều đáng ghi nhận là trong hai năm gần đây, học sinh ở Phố Cáo đã có mặt trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Đây là điều mà cách đây năm năm các giáo viên ở xã đặc biệt khó khăn này “trong mơ cũng chưa dám nghĩ tới.”
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy học, tiền đề cho sự tiến bộ này là trình độ hiểu biết tiếng Việt của học sinh người H'Mông đã được cải thiện.
Khác với nhiều năm trước đây, năm học 2019-2020 có tới 80% các em lớp 1 có thể nghe, nói tiếng Việt ở một mức độ nhất định vì các em đã được học tại trường mẫu giáo.
Nhà trường cũng nghiêm túc thực hiện quy định dạy 20 tiết tiếng Việt cho học sinh lớp 1 trước khi năm học mới bắt đầu. Trong năm học nếu các em cần được phụ đạo, các thầy, cô sẽ dạy miễn phí.
Nếu như học sinh người H'Mông cần được nâng cao trình độ tiếng Việt để tiếp thu bài giảng, các thầy, cô người dân tộc Kinh, Giáy, Tày, Dao… cũng học tiếng H'Mông như một môn “ngoại ngữ” bắt buộc.
Tại Trường Tiểu học Phố Cáo, ngoài 7 giáo viên người địa phương như cô Vàng Thị Máy, thầy Mua Mí Vừ …, các thầy, cô giáo khác phải có chứng chỉ tiếng H'Mông thay cho tiếng Anh.
Sử dụng được tiếng H'Mông là lợi thế để các thầy, cô giáo tạo mối quan hệ gắn bó với học sinh và phụ huynh, bổ trợ cho việc giảng dạy khi các em còn yếu tiếng Việt.
Rút gắn hơn nữa khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các cơ sở giáo dục vùng cao với các trường ở vùng thấp ngay trong tỉnh Hà Giang là mục tiêu phấn đấu của các giáo viên ở Phố Cao nói riêng và huyện Đồng Văn nói chung. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hạnh tâm sự: “Để có sự tiến bộ dù nhỏ của học sinh, các giáo viên ở Phố Cáo phải nỗ lực rất lớn bởi họ không có được sự hỗ trợ từ phía cha, mẹ học sinh. Người dân ở đây đã bắt đầu hiểu giá trị của con chữ nhưng đại đa số học sinh nơi đây quanh năm sống với ông, bà - những người chưa bao giờ đi học và hầu như không nói được tiếng Việt. Trên địa bàn xã, huyện không có khu công nghiệp nào nên những người bố, người mẹ trẻ đều phải đi làm thuê rất xa, việc học hành của con đành phó mặc cho nhà trường. Thành tích của nhà trường đúng là còn khiêm tốn, nhưng “có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ”vậy.”/.