Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về là những người con xa xứ luôn cảm thấy bồi hồi một tình yêu quê hương, nhớ nhà da diết. Không có điều kiện để về thăm quê cha đất tổ, họ cùng nhau quây quần nấu những món ăn truyền thống của ngày Tết hay tổ chức các hoạt động gặp gỡ để lan tỏa nét văn hóa, bản sắc Tết Việt... góp phần lưu giữ và truyền cho các thế hệ tiếp theo.
Người con gái đất Tổ nặng lòng với quê hương
Chị Phạm Ngân sinh ra và lớn trên mảnh đất quê hương vua Hùng-Việt Trì, Phú Thọ. Tốt nghiệp cấp 3, chị Ngân may mắn được bố mẹ gửi qua Singapore du học.
Xa rời vòng tay bố mẹ để tới một đất nước hoàn toàn xa lạ và mới mẻ, chị phải thay đổi các thói quen hàng ngày ở Việt Nam để thích nghi với cuộc sống vốn có nhịp điệu nhanh ở nước sở tại. Song, cho dù có bận rộn với cuộc sống và việc học hành đến mấy thì nỗi nhớ nhà trong chị chưa bao giờ nguôi, nhất là vào những dịp Tết đến Xuân về.
"Nhớ thời gian tôi qua Singapore đúng vào dịp Tết Nguyên Đán năm 2002, những ngày đó ngày nào tôi cũng khóc đòi về vì không chịu được cái cảm giác thật cô đơn và buồn tẻ nơi đất khách. Nhưng nhờ có bố mẹ, bạn bè ở bên động viên nên tôi cũng đã vượt qua được và quyết định ở lại để tiếp tục công việc học," chị Ngân chia sẻ.
Tốt nghiệp đại học và bắt đầu với sự nghiệp của mình tại Singapore, chị Ngân may mắn gặp được người đàn ông thực sự yêu thương chị và lập gia đình. Chồng chị là người Ấn Độ và cũng đang sống, làm việc tại Singapore.
Chị Ngân tâm sự: "Vì Ấn Độ là một đất nước rất giàu truyền thống và văn hóa nên chúng tôi rất hiểu và đồng cảm với nhau... Và vì thế, mỗi năm cho dù bận rộn tới đâu chúng tôi cũng thu xếp thời gian đưa các con về thăm quê hương Ấn Độ và Việt Nam."
"Chúng tôi thường chọn Tết Nguyên Đán để về Việt Nam đón Tết cùng gia đinh. Bố mẹ tôi là những người luôn hướng về nguồn cội nên Tết trong gia đình tôi rất bài bản và truyền thống. Ngày 30 Tết thường cả nhà cùng nhau chuẩn bị, nấu nướng cúng tất niên, cúng giao thừa."
Có một "luật bất thành văn" tại gia đình chị Ngân, đó là tất cả các thành viên trong gia đình luôn phải có mặt để cùng nhau đón thời khắc thiêng liêng khi đất trời chuyển giao sang năm mới... Chính vì bố mẹ rất khắt khe và truyền thống nên đã phần nào ảnh hưởng tới suy nghĩ và sự trưởng thành của các con, trong đó có chị Ngân.
"Tuy đã xa quê gần 14 năm, nhưng mỗi lần nhớ đến những khoảnh khắc đó tôi luôn thấy thiêng liêng và tự hào. Tôi thấy mình thật may mắn khi được là một người con đất Việt, may mắn được trải nghiệm những điều thiêng liêng, tuyệt vời nhất của không khí đầm ấm gia đình mà dù có đi xa đến đâu tôi vẫn thấy quê hương Việt Nam rất gần," chị Ngân xúc động nói.
Giờ đây, khi đã có một gia đình viên mãn với hai cô con gái nhỏ tại Singapore, chị Ngân luôn mong và hướng cho các con tham gia vào hoạt động cộng đồng của người Việt tại Singapore, cũng như luôn kể cho các con nghe về Việt Nam, về làng quê Phú Thọ giàu truyền thống và thường xuyên nấu những món ăn Việt và hát cho con nghe những bài dân ca về quê hương Việt Nam.
"Tôi biết và tin chắc rằng các con tôi sẽ cảm nhận được và cũng có một tình yêu quê hương giống như tôi," người mẹ trẻ quả quyết.
Những "cây cầu" nối liền "hai bờ" Singapore-Việt Nam
Khác với chị Ngân, gia đình anh chị Quỳnh Lan-Bernard và nhiều người bạn là những Việt kiều định cư tại Pháp, Australia, sau đó qua sinh sống và làm việc tại Singapore, xa quê hương từ 20-30 năm.
Vốn đã quen với cuộc sống nơi "đất khách quê người" và được tiếp nhận nền giáo dục của Tây âu từ nhỏ, không bị "sốc văn hóa" khi chuyển sang Singapore, song tình yêu quê hương vẫn luôn thường trực như dòng máu Việt vẫn đang rần rật chảy trong huyết quản.
Dù công việc bộn bề và cường độ cao, nhất là ở một đất nước được coi là trung tâm tài chính của khu vực như Singapore, song các anh chị luôn dành thời gian rảnh rỗi, thường là vào những dịp cuối tuần để gặp nhau, chia sẻ thông tin về gia đình và cuộc sống, cùng nhau bàn bạc về những dự định về thăm quê hương, hợp tác làm việc hướng về Việt Nam hay đơn giản là tập hợp để nấu những món ăn truyền thống như phở, làm nem, gói bánh chưng-bánh tét, làm gỏi...
"Cứ mỗi cuối tuần, dù bận đến mấy, các gia đình cũng tụ tập để tâm sự, hỏi han nhau từ công việc đến cuộc sống, cùng ngắm nhìn lũ trẻ con giao lưu với nhau, bi bô tập nói tiếng Việt... là thấy trong lòng cảm thấm vô cùng ấm áp," chị Lan cho biết.
Suốt 30 năm sống xa Việt Nam, trừ những năm là sinh viên không có điều kiện để về nước thường xuyên, còn hơn 20 năm nay, năm nào cả gia đình chị Lan cũng cố gắng thu xếp để về Việt Nam ăn Tết với bố mẹ và gia đình. Thêm vào đó, với đặc thù công việc là làm trong lĩnh vực tư vấn đầu tư về Việt Nam và châu Á nên chị Lan cũng có cơ hội đi về thường xuyên, thậm chí có những giai đoạn tháng nào cũng về Việt Nam làm việc.
Chị Lan cho hay ông xã của chị mặc dù là người Pháp song nói tiếng Việt rất giỏi. Hai cô con gái sinh đôi 11 tuổi của chị đều nói được tiếng Việt tương đối tốt. "Bố của Lan là nhà giáo nên rất nguyên tắc trong vấn đề giáo dục các con cháu phải nói được tiếng mẹ đẻ dù là ở bất cứ đâu. Các kỳ nghỉ Hè, ông ngoại đều sang Singapore để dạy các cháu tiếng Việt hoặc cho các cháu đi về Việt Nam nghỉ Hè, hoặc đưa về quê để xem con trâu và đồng ruộng. Năm nay là năm thứ 11, hai bé nhà chị về ăn Tết Việt Nam. Cả hai đều rất háo hức, rất thích được mặc đồ mới, sáng mùng Một ngủ dậy chúc sức khỏe ông bà và được người lớn ''lì xì.'' Hai bạn nhỏ cũng rất tò mò ấn tượng tìm hiểu các thủ tục ngày Tết như làm cơm cúng Giao thừa, thắp hương mời ông Táo về, khấn vái trước bàn thờ tổ tiên," chị Lan kể.
Bên cạnh đó, hàng năm cứ vào dịp gần Tết, gia đình chị Lan và nhóm bạn thường rủ nhau tổ chức nấu nướng các món ăn truyền thống của Việt Nam. Đón Tết Bình Thân năm nay, chị Lan và bạn bè đã cùng nhau tổ chức một buổi gặp mặt tất niên với thực đơn là các món ăn vốn đã quá đỗi quen thuộc như nem, bánh chưng, giò, nộm... và đặc biệt là thêm một món mà trẻ con cũng như các ông xã là người Singapore hay nước ngoài đều yêu thích - phở Việt Nam.
"Tết là một dịp rất quan trọng, vì mình là người Việt Nam. Tụi chị đã nấu và làm các món ăn truyền thống của Việt Nam như chả giò, chả lụa, bánh chưng và phở... Đây là dịp tốt để các cháu nhỏ biết được truyền thống của mình, mặc dù sinh ra và lớn lên tại Singapore. Vì chúng tôi lớn lên là ở Pháp, rồi qua đây sinh sống, nên việc giáo dục để các con biết và hiểu về nguồn gốc là vô cùng quan trọng," chị Hằng - một Việt kiều Pháp cho biết.
Đặc biệt, trong nhóm bạn của chị Lan có gia đình chị Jeanne (người Singapore) và chồng, anh Richard là người Anh. Hai anh chị khá gắn bó với các bạn người Việt Nam và đặc biệt rất thích thú với các phong tục, tập quán đón Tết của người Việt cũng như các món ăn mang đậm hương vị Việt.
"Tôi thấy phong tục Tết cổ truyền của các bạn đó là dành sự kính trọng đối với người già hay yêu thích trẻ em cũng như các món ăn truyền thống. Với những người bạn Việt Nam lâu năm của tôi thì tết thường là dịp của tình thân và của gia đình. Và đó là giá trị truyền thống," chị Jeanne nói.
Nói về những dự định trong thời gian tới, chị Quỳnh Lan cho biết chị cùng với các đối tác đang tập trung ưu tiên đầu tư phát triển mảng y tế chuyên ngành và các dịch vụ tế cộng đồng, bởi đây là một lĩnh vực rất cần thiết cho Việt Nam. "Ông cha ta thường nói "sức khỏe là vốn quý nhất," nên tôi nghĩ dù làm bất cứ việc gì, ở cương vị nào thì bạn cũng cần phải có sức khỏe mới có thể gánh vác các trọng trách gia đình và xã hội," chị Lan nhấn mạnh.
Cùng chung tay với cộng đồng
Ông Vũ Bằng, Bí thư thứ nhất phụ trách về vấn đề cộng đồng của Sứ quán Việt Nam tại Singapore khẳng định với tư cách là cơ quan đại diện Việt Nam cao nhất ở nước sở tại, Sứ quán luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cũng như hỗ trợ cho cộng đồng người Việt Nam có những giấy tờ, ổn định và hòa nhập với xã hội và văn hóa của Singapore.
Bên cạnh đó, sứ quán cũng phối hợp chặt chẽ với Ban liên lạc Cộng đồng người Việt Nam tại Singapore thường xuyên duy trì và đa dạng hóa các hình tổ chức, tập hợp cộng đồng để hưởng ứng các phong trào thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ và tổ chức những ngày lễ lớn như Tết nguyên đán, Trung thu, Quốc khánh 2/9... nhằm tạo sự gắn kết rong cộng đồng cũng như hỗ trợ nhau trong cuộc sống và công việc.
Mặt khác, sứ quán đã hỗ trợ chương trình dạy tiếng Việt cho con em người Việt Nam tại Singapore cũng như tăng cường khen thưởng cho các cá nhân, tổ chức có những hoạt động mang tính chất cộng đồng hay ủng hộ về quê hương đất nước.
Tuy chưa có số liệu chính thức, nhưng theo ước tính, hiện có khoảng 13.000 người Việt Nam đang sinh sống và học tập, làm việc tại Singapore; trong đó có khoảng 8.000 học sinh và sinh viên, khoảng 2.500 người đang làm việc và cũng khoảng từng đó là các cô dâu Việt Nam lấy chồng và sinh sống tại Singapore.
"Cộng đồng người Việt Nam tại Singapore là một cộng đồng trẻ, nhưng do đa phần là học sinh và sinh viên nên thời gian sinh sống cũng như điều kiện sống tại Singapore là rất khác nhau, ở rải rác. Do đó mà công tác cộng đồng có những thuận lợi và khó khăn nhất định, nhất là trong công tác bảo hộ công dân đối với các đối tượng là cô dâu Việt, lao động ngắn hạn," ông Vũ Bằng nói.
Trong khi đó, việc hình thành một tổ chức đại diện cho cộng đồng người Việt Nam tại Singapore gặp nhiều trở ngại do để hình thành một tổ chức phi chính phủ tại Singapore cần phải đáp ứng nhiều điều kiện về quản lý, tổ chức, thuế... khá phức tạp. Mặt khác, cộng đồng tại Singapore là cộng đồng mới, hình thành trong vòng 5-7 năm trở lại đây.
"Vì thế, quan điểm của Sứ quán và cá nhân tôi là hiện tại giữ nguyên hình thức Ban Liên lạc và điều quan trọng là Ban Liên lạc hoạt động tốt, gắn kết được cộng đồng người Việt Nam tại Singapore và hướng họ với quê hương đất nước. Về lâu dài thì việc thành lập Hội Người Việt Nam tại Singapore là rất quan trọng," ông Bằng cho biết.
Rõ ràng, khi mà một tổ chức hiệp hội có tiếng nói với chính quyền địa phương, đăng ký hợp pháp thì phạm vi hoạt động sẽ rộng hơn và bảo vệ được quyền lợi của người Việt Nam tốt hơn. Đây cũng là mục tiêu của Đại sứ quán Việt Nam cũng như Ban liên lạc Cộng đồng người Việt Nam tại Singapore trong thời gian tới nghiên cứu và có hướng thích hợp để vừa phù hợp với luật pháp của nước sở tại cũng như được sự công nhận của cộng đồng người Việt Nam tại đây./.