Những người lính nơi tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19

“Cảm ơn người chiến sỹ" là lời cảm ơn của các công dân Việt Nam trở về từ nước ngoài đang được cách ly tập trung 14 ngày ở Khánh Hòa dành cho những chiến sỹ đã và đang chăm sóc họ.
Những người lính nơi tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 1Các chiến sỹ Bộ đội Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa tổng vệ sinh dọn dẹp tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng An ninh thuộc trường Đại học Nha Trang để phục vụ công tác tiếp nhận công dân nước ngoài về cách ly tập trung trong thời gian tới. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

“Cảm ơn người chiến sỹ" là lời cảm ơn của các công dân Việt Nam trở về từ các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản... đang được cách ly tập trung 14 ngày ở các khu cách ly do các đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa quản lý dành cho những người đã và đang chăm sóc họ trong những ngày qua.

Anh Võ Văn Thảo (sinh năm 1972, quê ở tỉnh Sóc Trăng), đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc) từ năm 2018 đến nay đã hơn 2 năm. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên thế giới, công ty của anh đã có chính sách giúp đỡ để anh và các đồng nghiệp khác được hồi hương.

Tuy nhiên, đến cuối tháng Bảy vừa qua, anh mới được trở về nước. Bản thân có bệnh về tim, anh Thảo rất lo lắng nếu bị nhiễm bệnh ở nước ngoài, vì chi phí điều trị sẽ rất lớn. Thế nên khi được trở về nước, anh rất yên tâm.

“Mỗi ngày, chúng tôi đều được các chiến sỹ phục vụ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, hướng dẫn tập thể dục thể thao; các y sỹ kiểm tra sức khỏe. Cuộc sống cách ly ở trong này ấm cúng tình quân-dân," anh Thảo chia sẻ.

Cùng suy nghĩ như anh Thảo, anh Phạm Thanh Long (sinh năm 1981, quê ở Hà Nội), về nước trên chuyến bay VJ7421 ngày 28/7, đang được cách ly tại khu cách ly ở tỉnh Khánh Hòa, cho biết anh đi công tác bị mắc kẹt do dịch COVID-19 nên anh cũng rất mong chờ được về nước.

Đặt chân tới khu cách ly tập trung, cảm nhận đầu tiên của anh Long và nhiều người khác là sự chu đáo của các chiến sỹ. Từ khâu đón tiếp ở sân bay cho đến nơi ăn, chỗ ở đều được các chiến sỹ chuẩn bị rất tận tâm, tận tình.

“Chúng tôi thấu hiểu tình hình dịch bệnh hiện nay rất nguy hiểm. Việc cách ly là biện pháp an toàn cho chúng tôi và xã hội. Bên cạnh lời nói biết ơn với Tổ quốc, chúng tôi cũng tự nguyện ủng hộ tiền bạc qua kênh Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Với những người chiến sỹ áo xanh đang làm nhiệm vụ phục vụ cho công tác cách ly tại đây, chúng tôi đặc biệt gửi lời cảm ơn chân thành đến với họ," anh Long nhắn nhủ.

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện cách ly cho 525 người là người Việt Nam đang lao động, học tập hoặc đi chữa bệnh bị mắc kẹt trở về nước, trong đó có 146 phụ nữ mang thai. Những người này được cách ly tại bốn đơn vị quân sự trên địa bàn tỉnh.

Ở các địa điểm cách ly tập thể, để tiện cho việc chăm sóc phụ nữ có thai được tốt nhất, các nữ y sỹ của quân đội phối hợp nhịp nhàng với các y, bác sỹ sản nhi, hộ sinh của Sở Y tế Khánh Hòa thực hiện thăm khám, kiểm tra sức khỏe.

Công tác phục vụ cách ly cho những phụ nữ mang thai là không phải dễ dàng gì đối với những nam chiến sỹ, bởi họ chỉ là những người lính tuổi mười tám, hai mươi, mới bước chân vào quân ngũ.

Vượt qua mọi ngỡ ngàng, khó khăn ban đầu, các chiến sỹ tự tìm hiểu thông tin trên các phương tiện đại chúng, liên tục thay đổi thực đơn và chế biến thức ăn theo khẩu vị của người có thai... Đến nay, họ không chỉ làm được mà còn làm rất tốt từng bữa ăn giấc ngủ cho bà con kiều bào nói chung, những phụ nữ mang thai nói riêng.

[Quân đội triển khai đồng bộ, quyết liệt, chặt chẽ phòng, chống dịch]

Trung tá Nguyễn Lâm Nam, Phó Tham mưu Trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, phụ trách một điểm cách ly ở Khánh Hòa, cho biết với các cán bộ, chiến sỹ, việc chăm sóc cho bà con người Việt từ nước ngoài trở về được cấp trên giao nhiệm vụ phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, tạo điều kiện thoải mái nhất cho công dân yên tâm ở cách ly 14 ngày. Ngoài ra, khu cách ly do bộ đội biên phòng phụ trách thiếu nước sạch. Vì vậy, cán bộ, chiến sỹ của đơn vị phải thức khuya từ 2 giờ đến 5 giờ sáng để bơm nước sạch dự trữ.

Nếu thức khuya lấy nước sạch là một phần trong công việc phục vụ cách ly của những chiến sỹ biên phòng, những người lính làm nhiệm vụ ở khu cách ly Trung đoàn 803, Sư 305, Quân khu 5 còn gian khổ hơn nhiều.

Cứ mỗi đợt đón công dân từ nước ngoài trở về, các chiến sỹ ở đây đã trắng đêm để làm công tác tiếp nhận và nhường những cơ sở vật chất tốt nhất của quân đội cho bà con ở. Họ chịu nhận phần thiệt thòi hơn, chuyển sang ở các trại dã chiến cách đó vài km.

Những người lính nơi tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 2Trung tâm Giáo dục quốc phòng An ninh thuộc trường Đại học Nha Trang nơi dự kiến sẽ tiếp nhận công dân nước ngoài về cách ly tập trung trong thời gian tới. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Theo Sở Y tế Khánh Hòa, hiện nay, bốn cơ sở cách ly tập trung thuộc do các đơn vị quân đội quản lý trên địa bàn tỉnh đã quá tải. Vì vậy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã khảo sát, bổ sung thêm cơ sở cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng An ninh thuộc Trường Đại học Nha Trang và Ký túc xá Trường Đại học Nha Trang, để mở rộng thêm 700 chỗ cách ly tập trung. Hiện, hai cơ sở này đã được lực lượng quân đội tổng dọn dẹp vệ sinh và các công việc cần thiết để đón người về cách ly.

Tham gia tổng vệ sinh ở đây, Trung sỹ Nguyễn Hoàng Thanh Thiên, Khẩu đội trưởng, Khẩu đội Đại liên Trung đoàn 974, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa, cho biết khi chiến sỹ bộ đội đến đây, xung quanh cây cỏ mọc cao cả nửa mét, các tòa nhà đều trống trơn, bụi phủ đầy. Thế nhưng, chỉ qua bốn ngày tổng dọn dẹp, các tòa nhà đều sạch sẽ, cây cối được phát quang thông thoáng; điện, nước được lắp đặt đầy đủ; các trang thiết bị cần thiết đều hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu nghỉ của bà con.

“Chúng em làm công việc này chỉ mong bà con người Việt từ nước ngoài trở về hiểu rằng, đưa được bà con về nước là cố gắng rất lớn của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Mong rằng, mọi người yên tâm cách ly 14 ngày, góp phần phòng, chống dịch COVID-19 thành công," Trung sỹ Thiên chia sẻ.

Những người lính nơi tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 3Các chiến sỹ Bộ đội Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa lắp đặt giường để phục vụ công tác tiếp nhận công dân nước ngoài về cách ly tập trung trong thời gian tới. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Thượng tá Nguyễn Hùng, Chủ nhiệm Hậu cần Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa, đơn vị được Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa giao làm công tác đón và tiếp nhận công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về cách ly tại tỉnh, cho biết ngay từ những ngày đầu có dịch, Bộ Quốc phòng đã quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức với tinh thần “chống dịch như chống giặc." Trong bất luận tình huống nào, quân đội luôn sẵn sàng đi đầu trong phòng, chống dịch COVID-19.

Mặc dù có thể phải đối mặt với nguy hiểm do phải tiếp xúc trực tiếp với công dân có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhưng lực lượng quân đội ở Khánh Hòa luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo quá trình tiếp đón và bố trí nơi ăn chỗ ở của công dân đúng quy trình.

"Trước khi đón các công dân Việt Nam trở về nước đến cách ly, chúng tôi đều có kịch bản chi tiết đến từng phần việc nhỏ nhất, lên các phương án sẵn sàng để trong mỗi lần đón tiếp, đồng bào luôn cảm nhận được thực sự an toàn, yên tâm cách ly 14 ngày tại các khu cách ly," Thượng tá Nguyễn Hùng chia sẻ.

Những người lính đã tự nguyện dấn thân vào sự nguy hiểm, bởi công việc phục vụ ở khu cách ly cũng có nguy cơ cao nhiễm bệnh. Khó khăn, vất vả là thế nhưng ý chí, lòng quyết tâm của các chiến sỹ chưa bao giờ ngừng lại. Mỗi cán bộ, chiến sỹ nơi tuyến đầu chống dịch đều xác định rằng đây là nhiệm vụ thiêng liêng, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, không quản ngại gian khổ./.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lăng Cô tuần tra đường bờ biển khu vực thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế). (Ảnh: TTXVN)
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lăng Cô tuần tra đường bờ biển khu vực thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế). (Ảnh: TTXVN)
Chiến sỹ biên phòng Quảng Trị phát tờ rơi đến người dân, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN phát)
Chiến sỹ biên phòng Quảng Trị phát tờ rơi đến người dân, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN phát)
Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên tăng cường tuần tra, kiểm soát ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và phòng ngừa dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN)
Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên tăng cường tuần tra, kiểm soát ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và phòng ngừa dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN)
Các cán bộ chiến sỹ Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở. (Ảnh: TTXVN)
Các cán bộ chiến sỹ Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở. (Ảnh: TTXVN)
Kiểm tra công tác phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn). (Ảnh: TTXVN)
Kiểm tra công tác phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn). (Ảnh: TTXVN)
Chiến sỹ Đồn biên phòng Lộc An (Bình Phước) tuần tra khu vực cột mốc 66 biên giới Việt Nam-Campuchia. (Ảnh: TTXVN)
Chiến sỹ Đồn biên phòng Lộc An (Bình Phước) tuần tra khu vực cột mốc 66 biên giới Việt Nam-Campuchia. (Ảnh: TTXVN)
Tổ tuần tra biên giới và kiểm soát dịch bệnh COVID-19, thuộc Đồn biên phòng Lộc An (Bình Phước) tuyên truyền cho người dân về quy chế biên giới. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)
Tổ tuần tra biên giới và kiểm soát dịch bệnh COVID-19, thuộc Đồn biên phòng Lộc An (Bình Phước) tuyên truyền cho người dân về quy chế biên giới. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)
Cán bộ, chiến sỹ Trạm Biên phòng Cốc Nam (Đồn Biên phòng Tân Thanh) tuần tra kiểm soát biên giới, nhằm ngăn chặn các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép. (Ảnh: TTXVN)
Cán bộ, chiến sỹ Trạm Biên phòng Cốc Nam (Đồn Biên phòng Tân Thanh) tuần tra kiểm soát biên giới, nhằm ngăn chặn các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép. (Ảnh: TTXVN)
Cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Tân Thanh kiểm soát người dân qua lại khu vực biên giới, nhằm ngăn chặn các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép. (Ảnh: TTXVN)
Cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Tân Thanh kiểm soát người dân qua lại khu vực biên giới, nhằm ngăn chặn các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép. (Ảnh: TTXVN)
Lực lượng Biên phòng Tân Thanh (Lạng Sơn) lấy lời khai của đối tượng nhập cảnh trái phép ngày 3/8/2020. (Ảnh: TTXVN)
Lực lượng Biên phòng Tân Thanh (Lạng Sơn) lấy lời khai của đối tượng nhập cảnh trái phép ngày 3/8/2020. (Ảnh: TTXVN)
Cán bộ Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn lấy lời khai các đối tượng nhập cảnh trái phép ngày 1/8/2020. (Ảnh: TTXVN)
Cán bộ Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn lấy lời khai các đối tượng nhập cảnh trái phép ngày 1/8/2020. (Ảnh: TTXVN)
12 công dân nhập cảnh trái phép được cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Lý Quốc (Cao Bằng) phát hiện, tạm giữ. (Ảnh:TTXVN phát)
12 công dân nhập cảnh trái phép được cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Lý Quốc (Cao Bằng) phát hiện, tạm giữ. (Ảnh:TTXVN phát)
Ngày 27/7/2020, lực lượng biên phòng Xín Cái (Hà Giang) phát hiện tạm giữ nhóm người xuất cảnh trái phép. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 27/7/2020, lực lượng biên phòng Xín Cái (Hà Giang) phát hiện tạm giữ nhóm người xuất cảnh trái phép. (Ảnh: TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục