“Cảm ơn các anh, chị đã mang lại cho em những xúc cảm tuyệt vời nhất khi đến Ngã ba Đồng Lộc. Câu chuyện về sự hy sinh của 10 liệt nữ tại đây thật cảm động biết bao qua giọng kể của các chị. Em lại càng tự hào hơn về truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường của dân tộc ta…”
Đó là những lời tâm sự đầy xúc động trong lá thư của một sinh viên gửi đến những thuyết minh viên của Ban quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) sau khi đến thăm khu di tích này.
Giữa cái nắng khắc nghiệt của miền Trung những ngày tháng Bảy, trong dòng người dài bất tận tri ân các Anh hùng liệt sỹ, các thuyết minh viên ở Ban quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc vẫn hăng say làm việc, chuyển tải những thông điệp lịch sử một cách xúc động, tự hào nhất đến du khách.
Mỗi du khách khi đến thăm Ngã ba Đồng Lộc đều muốn dừng chân thật lâu để được nghe câu chuyện về 10 cô gái thanh niên xung phong và truyền thống Anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong qua lời thuyết minh ấm áp, truyền cảm của các cán bộ khu di tích.
Anh Trần Đình Ước, Trưởng ban Quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc chia sẻ, hàng năm, cứ đến dịp lễ, Tết, lượng khách về Ngã ba Đồng Lộc lại tăng cao. Đặc biệt, trong những ngày tháng Bảy, trung bình mỗi ngày Ban Quản lý khu di tích đón hơn 1.000 lượt khách. Các cán bộ nhân viên đặc biệt là 10 thuyết minh viên ở khu di tích, người ít tuổi nhất là 25, người dày dặn kinh nghiệm nhất là 40 tuổi với kiến thức lịch sử sâu rộng, bản lĩnh chính trị vững vàng luôn cố gắng, nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bất kể nắng mưa, mỗi ngày các cán bộ thuyết minh của Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc đều có mặt từ sáng sớm cho đến khi những đoàn khách cuối cùng trong ngày ra về. Trong bộ quần áo xanh, đôi dép cao su, chiếc mũ tai bèo, họ chính là biểu tượng cho tinh thần của lực lượng thanh niên xung phong giữa thời bình.
Anh Đào Anh Tuân, Phó ban Quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, một thuyết minh viên có hơn 16 năm làm việc tại đây chia sẻ, tình cảm và sự trân trọng của du khách từ mọi miền khi đến thăm di tích Ngã ba Đồng Lộc là động lực giúp đội ngũ cán bộ làm công tác thuyết minh vượt mọi khó khăn, không ngừng học tập nâng cao trình độ để có thể truyền tải cảm xúc qua những câu chuyện lịch sử đến du khách.
Mỗi đoàn khách đến Ngã ba Đồng Lộc, khi ra về đều để lại trong anh Tuân rất nhiều cảm xúc. Có nhiều du khách, sau khi được nghe câu chuyện về sự hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong, câu chuyện về cây bồ kết trên phần mộ các chị và đặc biệt là nghe anh Tuân đọc bài thơ “Cúc ơi” của nhà thơ Yến Thanh, đã không kìm được những giọt nước mắt xúc động.
Chị Trần Thị Thúy Hoàn, nữ thuyết minh viên có gần 10 năm tuổi nghề chia sẻ, nhà chị ở cách cơ quan 20km, lại do đặc thù công việc nên hầu như sáng nào chị cũng phải dậy sớm để đến nơi làm việc và trở về nhà vào tối muộn. Thế nhưng, vinh dự và tự hào khi được làm cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, được truyền ngọn lửa anh hùng cho thế hệ trẻ hôm nay để họ hiểu hơn truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc nói cung, của lực lượng thanh niên xung phong nói riêng đã giúp chị Hoàn và các cán bộ khu di tích vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trước khi chúng tôi chia tay Đồng Lộc, anh Đào Anh Tuân đã xúc động đọc cho chúng tôi nghe bài thơ mà các cán bộ Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc vừa được một du khách gửi tặng: “Viếng thăm Đồng Lộc chiều nay/Lặng nghe em kể cách rày tám năm/ Em như tỏa ánh Trăng rằm, bình minh thức dậy, con tằm nhả tơ/ Khi cao như sóng xô bờ, xuống trầm lắng lại như chờ đợi ai/ Khi dồn dập, lúc khoan thai, đàn cầm dìu dặt vọng ngoài sơn khê/ Giọng em làm thổn thức lòng, hàng ngàn du khách đi cùng hôm nay."./.