Bài 2: ‘Quân hàm xanh’ căng mình ngăn ‘giặc COVID-19’ nơi biên ải

Những người gác niềm vui, nỗi buồn vì Tổ quốc

Những ngày chống dịch COVID-19, các chiến sỹ Đồn biên phòng Pò Hèn bì bõm lội nước Ka Long đi tuần ngày đêm, bộ đồ trên người hầu như ngày nào cũng ẩm ướt.

Bài 2: ‘Quân hàm xanh’ ngày đêm căng mình ngăn ‘giặc COVID-19’ nơi biên ải

Xã Hải Sơn (Quảng Ninh) là vùng đất trũng, một tháng có đến 20 ngày mưa. Mùa này, con sông Ka Long có 3km trơ trọi toàn đá hộc. Nước sông có chỗ chỉ quá cổ chân, bất kỳ ai cũng có thể băng qua để sang nước bạn.

Những ngày chống dịch COVID-19, các chiến sỹ Đồn biên phòng Pò Hèn bì bõm lội nước Ka Long đi tuần ngày đêm, bộ đồ trên người hầu như ngày nào cũng ẩm ướt.

Có những ngày nước mưa xối xả thổi táp vào bạt không khác gì nằm ngoài trời. Đó còn là những bữa ăn nhanh qua quýt nơi biên viễn với mỳ tôm, phở gói…

Vào những đêm mưa gió sầm sập kéo về, lều bạt bị thổi bay, tốc hết mái, các chiến sỹ cùng nhau chằng dây buộc. Có những ngày nước mưa xối xả thổi táp vào bạt không khác gì nằm ngoài trời. Đó còn là những bữa ăn nhanh qua quýt nơi biên viễn với mỳ tôm, phở gói…

Đi khảo sát tình hình, Trung tá Nguyễn Thành Lê - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pò Hèn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) nhắc các chiến sỹ cắm chốt phải đi giày, không được đi dép sục.

“Thủ trưởng ơi, hơn 1 tuần mưa suốt, giày ướt hết, hơn nữa chúng em đi tuần dọc bờ sông toàn đá, đi giầy không được, chỉ đi dép sục là cơ động và tiện nhất…” một chiến sỹ tỏ lòng.

Trung tá Nguyễn Thành Lê - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pò Hèn. (Ảnh: Minh Quyết/Vietnam+)

“Quân lệnh khẩn” từ mồng 2 Tết

Nằm ở vị trí đóng quân xa nhất trên tuyến biên giới Quảng Ninh, Đồn biên phòng Pò Hèn đóng quân tại xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), được giao quản lý lãnh thổ an ninh biên giới chính diện 12,006km, với 11 cột mốc trọng yếu.

Hải Sơn là xã vùng cao biên giới của tỉnh Quảng Ninh, với trên 1.500 nhân khẩu, trong đó hơn 86% là đồng bào dân tộc Dao, Sán Chỉ. Hiện nay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Có những bản hộ dân ở xa khu vực trung tâm tới 16km, chỉ có vài hộ dân.

Đưa ánh mắt xa xăm nhìn về phía đường biên, trung tá Nguyễn Thành Lê kể gần 3 tháng nay, từ khi có dịch COVID-19, đời sống của người dân vùng biên thay đổi nhiều.

Trước kia, hằng năm hai bên có các chương trình trong kế hoạch như dọn rác bờ sông, những buổi tuyên truyền văn kiện giữa Việt Nam và Trung Quốc cho cư dân hai bên và giải quyết các vấn đề tại biên giới qua đường dây nóng… Nhưng vài tháng nay, những hoạt động đó đã tạm hoãn.

Nhớ lại, Đồn trưởng Nguyễn Thành Lê bảo rằng đêm 29 Tết, bên kia biên giới, tiếng pháo hoa nổ đùng đoàng. Không khí Tết đã trộn rộn khắp nơi. Buổi trực gần những ngày cuối cùng của năm mà trong lòng anh như có lửa đốt.

Dồn dập điện báo từ Bộ Chỉ huy Biên phòng thông báo tình hình dịch bệnh do virus corona gây bệnh COVID-19 ở Trung Quốc đang diễn biến phức tạp được gửi về. Một loạt công điện về tăng cường giám sát, kiểm tra biên giới để tránh tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, bảo vệ an ninh vùng biên, không để dịch bệnh xâm nhập vào nội địa…

Các chiến sỹ biên phòng tuần tra dọc sông Ka Long. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cùng với nước sông Ka Long cạn, nhiều khu vực phía Việt Nam và Trung Quốc chưa làm rào chắn kiên cố sẽ là những “lỗ hổng” lớn nếu không kiểm soát được lượng người đi qua lại khu vực này.

Phòng tuyến biên giới trên địa bàn Đồn biên phòng Pò Hèn phụ trách là một trong những khu vực trọng yếu của thành phố Móng Cái. Trong đó có 7 đường dân sinh với phía Trung Quốc.

Cùng với nước sông Ka Long cạn, nhiều khu vực phía Việt Nam và Trung Quốc chưa làm rào chắn kiên cố sẽ là những “lỗ hổng” lớn nếu không kiểm soát được lượng người đi qua lại khu vực này.

Làm sao ra một kế hoạch nhanh, một kế hoạch phòng thủ hoàn hảo phối tác chiến để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam qua những đường mòn, lối mở? làm sao để người dân hiểu rõ và phối hợp nhiệt tình hiệu quả nhất… là những câu hỏi dồn dập tới trong đầu người chỉ huy.

Cả đồn biên phòng Pò Hèn có 45 chiến sỹ, năm nay có 13 chiến sỹ theo lịch được về nhà nghỉ Tết từ chiều 28 Âm lịch.

[Video] Đồn trưởng Đồn biên phòng Pò Hèn chia sẻ về những ngày các chiến sỹ gian truân canh gác vùng biên:

Tối mồng 1 Tết, nhận thấy tình hình khẩn cấp, trung tá Lê gọi điện cho những lãnh đạo cốt yếu của đồn là thiếu tá Vũ Văn Lương đang ở Quảng Yên và Chính trị viên Mai Văn Thể ở Thái Bình ngày mồng 2 Tết có mặt gấp để lên kế hoạch đối phó với “giặc” COVID-19.

Chiều mồng 2 Tết, lãnh đạo của Đồn đã có mặt lên kế hoạch chuẩn bị bày binh bố trận với các chốt chặn dọc sông Ka Long (cứ 500 mét lại có một chốt lán canh biên phòng). Và đến mồng 4 Tết, 100% quân số chiến sỹ của đồn đã có mặt sớm hơn so với ngày nghỉ cho phép để triển khai gấp các hoạt động tăng cường bảo vệ biên giới.

Làm giường bằng cây

Con sông Ka Long có những đoạn mùa nước cạn gồ ghề sỏi đá dễ dàng qua lại, nay trở thành địa điểm trọng yếu cần canh gác bảo vệ nghiêm ngặt. Những đoạn nước lớn, cán bộ chiến sỹ có thể tuần tra bằng xuồng máy.

Thực hiện kế hoạch 303 của Bộ chỉ huy về phòng chống dịch COVID-19, Đồn biên phòng Pò Hèn đã xây dựng kế hoạch số 32 và quyết định số 100 về tổ chức biên chế để chống dịch, căn cứ vào quân số biên chế của đơn vị.

Các chốt chặn lập nơi đường mòn, lối mở. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày mồng 5 Tết, một nhóm chiến sỹ với chiếc loa được gài sau xe máy, chạy vào khắp các điểm dân cư tuyên truyền người dân phòng chống dịch bệnh, nâng cao cảnh giác và không để người nhập biên trái phép vào địa bàn. Một nhóm khác tìm mua vải, dây thừng, dựng lều bạt làm những chốt canh dọc sông và đường biên giới. Trong lều chỉ đủ diện tích kê 1 chiếc giường, thậm chí có nơi chiến sỹ làm giường từ những khúc cây gài tạm để là khung xương cho tấm nệm phía trên.

Tất cả có 12 lều bạt, sinh hoạt mọi thứ giai đoạn đầu rất khó khăn. Các chiến sỹ Đồn Biên phòng Pò Hèn phải ăn tại chỗ, hì hụi nhóm củi sưởi ấm và đun nước để pha tạm tô mỳ tôm với rau rừng. Khi đó, 95% quân số của đồn phải giăng khắp dọc biên giới nên nếu chia quân thành 2 ca đảm bảo thời gian 24/24.

Trong lều chỉ đủ diện tích kê 1 chiếc giường, thậm chí có nơi chiến sỹ làm giường từ những khúc cây gài tạm để là khung xương cho tấm nệm phía trên.

Trung tá Lê cho biết ngay từ ngày mồng 4-5 Tết, đơn vị đã bố trí 1 đội cơ động, 4 tổ lâm thời, 12 chốt trên biên giới để quản lý biên giới theo 3 vòng. Vòng thứ nhất là quản lý sông biên giới sử dụng đội xuồng. Lực lượng thứ hai là lực lượng quản lý bờ sông biên giới.

Lực lượng thứ ba là tổ lâm thời chốt chặn ở các vị trí giáp danh với các địa bàn khác đến. Kế hoạch lập ra các điểm chốt chặn chi tiết để kiểm soát tất cả người và phương tiện tới địa bàn xã Hải Sơn…

“Khi có ai đó đến địa bàn thăm người thân, chúng tôi sẽ yêu cầu gia đình trong xã ra ngoài khu vực chốt chặn để hỏi, không để xảy ra tình trạng xuất cảnh trái phép. Ngoài ra, chúng tôi cũng xây dựng hệ thống mạng lưới ngoại tuyến để nắm tất cả các tình hình liên quan đến dịch, các đối tượng có thể xuất nhập cảnh trái phép,” thiếu tá Lê nhấn mạnh.

Vẹn tròn sứ mệnh nơi phên dậu Tổ quốc

Nhớ lại những ngày cam go, người đồn trưởng Đồn biên phòng Pò Hèn nhíu mày, khi triển khai chiến dịch trong đợt đầu, điều khó khăn đầu tiên là việc tiếp cận bà con và tuyên truyền. 86% người dân nơi đây là đồng bào thiểu số.

Ngay từ ngày mồng 4 Tết, lãnh đạo Đồn biên phòng đã họp bàn với địa phương về các kế hoạch triển khai và sử dụng loa phóng thanh của địa phương và hệ thống loa di động gài trên những chiếc xe máy đi vào các thôn bản để đi sâu vào trong các thôn tuyên truyền về xuất nhập cảnh phòng chống bệnh COVID-19.

Các chiến sỹ biên phòng đốt lửa vừa sưởi ấm và nấu ăn, nướng cá. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Có những câu chuyện vui, nhưng rất thật. Chúng tôi đi tuyên truyền đến những hộ dân, có người dân bảo: Cán bộ ơi, chết! Dịch bệnh như thế này thì lo quá. Như dịch tả lợn châu Phi chúng tôi và cán bộ đưa cả chuồng lợn đi tiêu huỷ! Với dịch xảy ra trên người như thế này thì chúng tôi biết xử lý như thế nào?,” trung tá Lê kể lại.

Đáng mừng là khi được tuyên truyền, bà con nhận thức tốt. Ngày 12/1 Âm lịch, các chiến sỹ của Đồn biên phòng kết hợp với địa phương vừa đi tặng khẩu trang và đi khảo sát 1.564 khẩu kết hợp với tuyên truyền cho bà con vệ sinh cá nhân phòng dịch.

Như dịch tả lợn châu Phi chúng tôi và cán bộ đưa cả chuồng lợn đi tiêu huỷ! Với dịch xảy ra trên người như thế này thì chúng tôi biết xử lý như thế nào?

Nhờ những cố gắng ấy, theo lời Đồn trưởng Lê, từ đầu dịch đến nay chưa có ai xuất nhập cảnh trái phép trên địa bàn. Thậm chí có trường người địa phương khác đến trên địa bàn, bà con liền báo cho đơn vị.

“Tôi ví dụ khi truy xét một người lạ đến địa bàn, đối tượng đó sẽ không vào nữa nên không thể xuất nhập cảnh trái phép được. Người dân ở đây như ‘tai, mắt’ của biên phòng, họ trình báo nên khâu kiểm soát rất hiệu quả,” trung tá Lê cho hay.

Chẳng hạn như với dịch tả lợn Châu Phi, người dân khi cần mua 4-5 con lợn con, lãnh đạo đồn biên phòng báo cáo với địa phương sau đó hướng dẫn bà con lên xã xin giấy mua về nuôi. Xã giao cho thôn giám sát việc có nuôi thật hay không hay bán cho Trung Quốc. Đó là quy trình khép kín, chặt chẽ.

Chiến sỹ Đồn biên phòng Pò Hèn hướng dẫn người dân cách sử dụng khẩu trâng và vệ sinh cá nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Người Đồn trưởng Đồn biên phòng Pò Hèn phân tích, cứ đặt tình huống, nếu như có khoảng 50-60 người nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở sẽ tạo nên một áp lực rất lớn về nguy cơ xâm nhập dịch bệnh COVID-19 vào trong nước.

Khi lực lượng biên phòng làm tốt, những người này sẽ về nước bằng đường cửa khẩu chính ngạch, được giám sát y tế thì nguy cơ phơi nhiễm giảm thiểu rất nhiều.

Việc canh gác ở dọc đường biên giới khu vực mỗi chốt giao cho 1 tổ có 2 hoặc 3 chiến sỹ trong phạm vi khoảng 500 mét đi tuần tra. Ban đêm có thêm 5 chó nghiệp vụ, chỉ cần có người xâm nhập trái phép sẽ bị phát hiện.

Cho đến nay, đơn vị chỉ phát hiện 3 trường hợp từ biên giới về trái phép. Các trường hợp trên đều được đưa đi cách ly tập trung; trên địa bàn Đồn biên phòng Pò Hèn quản lý không có trường hợp nào dương tính với COVID-19.

Đồn trưởng Lê kể trong trận chiến chống “giặc COVID-19” cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Pò Hèn cùng với quân số tăng cường của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ninh đã xác định trách nhiệm, nhiệm vụ, tư tưởng nên dù vất vả, mệt nhọc đến mấy vẫn không quản khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 100% cán bộ chiến sỹ dốc sức bảo vệ biên giới 24/24 giờ.

Vừa qua, khi tổng kết dịch trong đợt 1, Bộ chỉ huy quân sự thành phố Móng Cái đánh giá cao những kết quả mà Đồn biên Phòng Pò Hèn đã đạt được. Đây cũng là địa bàn mà chủ tịch thành phố đánh giá thực hiện là tốt nhất trong toàn tuyến. Các cán bộ của đồn thay nhau trực làm 4 vòng nên không thể đối tượng bên ngoài lọt qua.

Tại vùng đất Pò Hèn này, 41 năm trước, để bảo vệ biên giới phía bắc, có 32 chiến sỹ biên phòng Đồn 209 Pò Hèn hy sinh trong trận chiến bảo vệ biên giới sáng ngày 27/2/1979. Họ tạo nên những tường thành, gồng sức che chắn cho Tổ quốc được bình yên.

Hơn bốn thập kỷ sau, những người lính biên phòng Pò Hèn ấy tiếp tục duy trì tinh thần của người lính hiên ngang giữa núi trời Đông Bắc biếc xanh. Họ chiến thắng trong trận chiến ngăn giặc COVID-19 xâm nhập đó là ngăn chặn giặc COVID-19 xâm nhập vào đường biên./.

Xem toàn bộ chùm bài tại đây:

Bài 1: Bác sỹ, bệnh nhân kiên cường 'vượt bão' COVID-19
Bài 2: ‘Quân hàm xanh’ ngày đêm căng mình ngăn ‘giặc COVID-19’ nơi biên ải
Bài 3: Những lễ tân đặc biệt trong “khách sạn COVID-19”
Bài 4: Những người ngăn dịch ‘nhập khẩu’ vào nội địa
Bài 5: Câu chuyện rơi lệ ở nơi giành giật sự sống cho người mắc COVID-19

 
Đồn biên phòng Pò Hèn. (Ảnh: PV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục