Những 'ngọn tháp bút' soi sáng biển khơi trên đảo Long Châu

Trong 120 năm, cây đèn biển Long Châu luôn tỏa sáng soi đường cho hàng triệu lượt tàu, thuyền ra vào cảng Hải Phòng, bất chấp mọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, vượt qua mọi thử thách của thời gian.

Đảo Long Châu hay còn được biết đến với cái tên "Đảo Mắt Rồng" hay "Đảo Rẽ Đèn".

Đây là một đảo được cấu tạo từ đá vôi gồm khoảng trên 30 đảo, đá, bãi ngầm nằm trong vịnh Lan Hạ, Hải Phòng.

Diện tích tự nhiên cả đảo hơn 1km2 được cấu tạo hoàn toàn bởi thứ đá tai mèo sắc nhọn, xám xịt.

Nơi đây có không gian yên tĩnh và nét hoang sơ hiếm có của một quần đảo tự nhiên

Trên đảo Long Châu có một ngọn hải đăng bằng đá được xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 1894.

Đây là một trong ba ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam bên cạnh ngọn hải đăng Hòn Dấu và hải đăng Kê Gà.

Nhìn từ xa, ngọn hải đăng Long Châu sừng sững giữa vùng biển trời bao la của Tổ quốc, tựa như một cây tháp bút khổng lồ viết lên trời xanh.

Người dân đi biển thường gọi ngọn hải đăng Long Châu là “Mắt Long Châu”.

Đã qua trên 120 năm, cây đèn biển Long Châu luôn tỏa sáng soi đường cho hàng triệu lượt tàu, thuyền ra vào cảng Hải Phòng, bất chấp mọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, vượt qua mọi thử thách của thời gian. 

Bám trụ kiên cường trên đảo Long Châu chỉ có lính biên phòng và những người gác đèn biển, cuộc sống gần như tách biệt hẳn với đất liền.

Nhiệm vụ của họ là thường xuyên bảo dưỡng ngọn hải đăng nhằm phục vụ tốt công tác báo hiệu hàng hải.

Quan trọng hơn, họ là những người nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.

Tuy cuộc sống còn nhiều vất vả, thiếu thốn, nhưng những người làm nhiệm vụ tại đảo Long Châu vẫn luôn lạc quan, yêu đời.

Sâu thẳm bên trong họ là một tình yêu tha thiết, gắn bó với đảo đá khắc nghiệt, với ngọn hải đăng, bởi ở đó với họ là niềm tự hào, là máu và hoa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục