Sau hàng loạt cuộc tiếp xúc và điện đàm giữa lãnh đạo Nga và phương Tây trong hơn 1 tuần qua, căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine có dấu hiệu dịu bớt.
Không hề có "một cuộc tấn công quân sự của Nga nhằm vào Ukraine trong ngày 16/2," như giới chức và truyền thông phương Tây liên tục cảnh báo trước đó.
Phía Nga cũng thông báo một số đơn vị của Quân khu miền Tây và Quân khu miền Nam đã hoàn thành các cuộc tập trận gần biên giới Ukraine và bắt đầu rút lực lượng về căn cứ thường trực.
Giới lãnh đạo Nga, Mỹ và các nước phương Tây đều có những tuyên bố sẵn sàng đối thoại và để ngỏ cơ hội ngoại giao. Tuy nhiên, vẫn có một số động thái của tất cả các bên cho thấy hướng tiếp cận khá "cứng rắn" và bầu không khí nghi kỵ dường như đang bao trùm.
Về phía Mỹ, cả Tổng thống Joe Biden lẫn Ngoại trưởng Antony Blinken tiếp tục cáo buộc "Nga chuẩn bị triển khai một cuộc tấn công nhằm vào Ukraine trong vài ngày tới,” dù Moskva nhiều lần bác bỏ và cho rằng những tuyên bố như vậy của giới chức Mỹ là “đáng tiếc” và “nguy hiểm.
Mỹ cũng tỏ ý hoài nghi về việc lực lượng Nga triển khai gần biên giới Ukraine đã được rút về căn cứ.
Ngay trong phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc thực thi các thỏa thuận Minsk liên quan tới cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, diễn ra ngày 17/2, đại diện Nga và Mỹ đã liên tục chỉ trích và cáo buộc lẫn nhau trong vấn đề Ukraine.
Cùng ngày, Mỹ đã hoàn tất kế hoạch triển khai 4.700 binh sỹ đến Ba Lan. Trước đó, Lầu Năm Góc đã gửi thêm khoảng 3.000 binh sỹ tới Romania sau khi các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tích cực chuyển khí tài quân sự đến khu vực Baltics.
[Thảm họa sẽ đổ ập xuống châu Á khi Mỹ thất bại ở Ukraine?]
Về phía NATO, trong tuyên bố nhân hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ngày 17/2 ở Brussels (Bỉ), Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh "cánh cửa của NATO vẫn mở" cho các nước như Ukraine, đồng thời bày tỏ ủng hộ Kiev.
Trước đó, trong đề xuất an ninh gửi Mỹ và NATO cuối năm ngoái, Nga đã khẳng định việc NATO kết nạp Ukraine là "lằn ranh đỏ" không thể vượt qua, Moskva coi việc NATO mở rộng về phía Đông sát biên giới Nga là một mối đe dọa an ninh.
Về phần Nga, ngày 17/2, Bộ Ngoại giao Nga đã chuyển cho Mỹ văn bản phúc đáp sau khi Washington có phản hồi về những đề xuất an ninh của Moskva.
Trong văn bản này, Nga khẳng định phía Mỹ đã không đưa ra phản ứng mang tính xây dựng đối với các yếu tố cơ bản của đề xuất an ninh do Moskva chuẩn bị.
Cụ thể là Mỹ đã bác bỏ đề nghị của Nga về những nội dung như: ngừng mở rộng NATO; không thiết lập các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây không phải là thành viên NATO; không sử dụng cơ sở hạ tầng của NATO để tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào, đồng thời quay trở lại biên giới của khối này vào năm 1997.
Văn bản khẳng định những đòi hỏi cũng như đe dọa của Mỹ về các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, là không thể chấp nhận được và làm suy yếu triển vọng đạt được những thỏa thuận thực sự.
Về phía Ukraine, nước này đang tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn Zametil 2022 (Bão tuyết 2022), sử dụng các loại vũ khí được trang bị cho bộ binh gồm pháo, xe tăng, xe bọc thép, rocket chống tăng..., mà như tuyên bố của Thứ trưởng Quốc phòng Hanna Malya, cuộc tập trận đã chứng minh sự sẵn sàng của các lực lượng vũ trang Ukraine.
Trong khi đó, các vụ đụng độ vẫn diễn ra tại khu vực đường ranh giới tiếp xúc ở miền Đông Ukraine, trong đó quân đội nước này và lực lượng thuộc cộng hòa tự xưng Donesk và Lugansk đổ lỗi cho nhau tấn công bằng rocket và pháo kích.
Theo báo cáo của Phái bộ giám sát đặc biệt tại Ukraine (SMM) thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), trong khoảng thời gian từ tối 16/2 đến chiều 17/2, SMM đã ghi nhận hơn 500 vụ nổ dọc theo đường ranh giới tiếp xúc tại khu vực Donbass, miền Đông Ukraine.
Lý giải nguyên nhân khiến vấn đề Ukraine, vốn được xem là ngòi nổ căng thẳng trong quan hệ Đông-Tây nhiều năm trở lại đây, đột ngột nóng lên, nhật báo Pháp Le Monde đánh giá trong gần 3 tháng qua, bằng những thông tin rò rỉ thường xuyên trên báo chí và qua các tuyên bố công khai, Mỹ đã không ngừng rung chuông báo động về những động thái chuẩn bị quân sự của quân đội Nga nhằm vào Ukraine.
Tuy nhiên, những cáo buộc của Washington không phải lúc nào cũng được khẳng định bằng các chứng cứ xác thực, thay vào đó là những lời lẽ chung chung như “nay mai,” “trong vài ngày,” “vài tuần” để nói về thời điểm Nga tấn công Ukraine.
Theo giới phân tích, một trong những lý do để Nhà Trắng “làm nóng" vấn đề nguy cơ từ phía Nga chính là phục vụ cho chiến lược tập hợp lại đồng minh châu Âu mà Tổng thống Biden đang theo đuổi, dùng mục tiêu an ninh để củng cố khuôn khổ hợp tác trong NATO, vốn đang trong cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ khi hình thành, trong đó buộc các đồng minh châu Âu cùng san sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng.
Tuy nhiên, khi xung đột thực sự bùng phát, Washington có thể bị sa lầy vào các nhiệm vụ hỗ trợ đồng minh tại "Lục địa già" và đó là điều Mỹ muốn tránh.
Châu Âu cũng không muốn chiến tranh bùng phát, một phần vì nhu cầu đảm bảo môi trường ổn định chiến lược, mặt khác vì sự ràng buộc trong quan hệ với Moskva, đặc biệt là về nhiên liệu.
Lãnh đạo Nga cũng nhiều lần khẳng định "không muốn chiến tranh." Việc Nga phối hợp cùng lúc biện pháp ngoại giao và các cuộc điều động quân đội trên quy mô lớn Nga, triển khai lực lượng và tập trận sát biên giới Ikrainne, như giải thích của Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev, là một cách để tránh tiếp tục việc đàm phán bất tận (với phương Tây) mà không đi đến kết quả cụ thể nào.
Đối với Ukraine, sau những căng thẳng vừa qua, có vẻ không có nhiều thay đổi, đặc biệt là chưa thể rút ngắn quãng đường tiến tới tư cách thành viên NATO.
Theo tuyên bố ngày 17/2 của Văn phòng Tổng thống Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng không chỉ có Nga, mà một số nước thành viên NATO cũng phản đối việc Kiev gia nhập liên minh.
Cuộc khủng hoảng vừa qua cũng không giúp Kiev tạo được bước ngoặt cho cuộc xung đột dai dẳng suốt 8 năm qua ở miền Đông.
Trong các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Mỹ và các nước châu Âu với Nga, tất cả đều khẳng định ủng hộ việc thực hiện thỏa thuận Minsk để giải quyết tình hình miền Đông, trong khi Kiev từ lâu vẫn yêu cầu phải sửa đổi thỏa thuận đã ký với Pháp, Đức và Nga năm 2015.
Bản thân những thông tin "về khả năng Nga tấn công quân sự Ukraine" hay việc các nước phương Tây khuyến cáo công dân rời Ukraine cũng đang gây hậu quả đối với nước này.
Không khí nóng lên khiến một loạt nước châu Âu ban bố khuyến cáo đi lại tới Ukraine trong khi một số hãng hàng không quốc tế cân nhắc điều chỉnh hoạt động tại khu vực gần Nga và Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một tuyên bố ngày 12/2 đã nêu rõ những cảnh báo về khả năng Nga tấn công Ukraine đang “gây hoảng sợ” và yêu cầu phải có “bằng chứng chắc chắn” về một cuộc tấn công đã được lên kế hoạch.
Ông Zelensky khẳng định: "Hiện tại, kẻ thù lớn nhất là sự hoảng loạn. Những thông tin này chỉ gây ra sự hoảng loạn chứ không giúp ích gì cho chúng tôi."
Nghị sỹ David Arakhamia - thành viên Ủy ban An ninh quốc gia, Quốc phòng và Tình báo của Quốc hội Ukraine, cho rằng các hãng truyền thông phương Tây đang "thổi phồng nguy cơ" về một cuộc chiến tranh và điều đó đang khiến Ukraine tổn thất 2 đến 3 tỷ USD mỗi tháng, vì “chúng tôi không thể vay ở thị trường nước ngoài… Nhiều nhà xuất khẩu đang từ chối chúng tôi. Mỗi ngày là một tổn thất cho nền kinh tế."
Dường như vẫn còn những "ngòi nổ âm ỉ" từ những toan tính của các bên và nhất là từ sự nghi ky, thiếu lòng tin, khiến nguy cơ căng thẳng và xung đột leo thang vẫn đang hiện hữu. Mà điều đó không có lợi cho bên nào, nhất là khi những thách thức của đại dịch COVID-19 vẫn là mối lo thường trực.
Như nhận định của Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình Rosemary DiCarlo, tình trạng căng thẳng đang diễn ra ở Ukraine và xung quanh nước này đang bị đẩy lên cao nhất kể từ năm 2014 đến nay, và điều này là hết sức nguy hiểm.
Bởi vậy, Liên hợp quốc kêu gọi các bên thể hiện trách nhiệm bảo đảm an ninh và ổn định chung cho châu Âu.
Các cuộc đối thoại vừa qua có lẽ đã giúp các bên nêu rõ những “lằn ranh đỏ” đối với nhau, giờ là lúc xác định mức độ nhượng bộ trong các cuộc đàm phán tiếp theo và tránh những động thái “đổ thêm dầu vào lửa” khiến những ngòi nổ xung đột vốn đang âm ỉ bùng cháy./.