Đã thành thông lệ, vào ngày Mão đầu tiên của tháng Giêng, Đền Đông Cuông sẽ chính thức khai hội. Năm nay, Lễ hội Đền Đông Cuông được tổ chức trong hai ngày 20-21/2 (tức ngày 11-12 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại Di tích Lịch sử, Văn hóa Quốc gia Đền Đông Cuông.
Vào lúc 8h ngày 20/2, nghi lễ đón ông Mo diễn ra tại Miếu cổ dòng họ Hà, thôn Bến Đền, xã Đông Cuông. Lễ dâng hương diễn ra vào 15h cùng ngày tại Đền chính, Đền Đông Cuông.
Đặc biệt, Chương trình khai mạc Lễ hội Đền Đông Cuông Xuân Giáp Thìn năm 2024 sẽ diễn ra vào 20h ngày 20/2/2024 tại Sân khấu sự kiện (Đối diện Đền Cô).
Ngay sau Lễ khai mạc là nghi lễ truyền thống tế trâu trắng tại cây mít cổ thụ trước cửa đền chính - đền Đông Cuông diễn ra vào lúc 0h - thời khắc chuyển giao sang ngày Mão đầu tiên của năm Giáp Thìn.
Đây là nghi lễ truyền thống mang tính tâm linh tại Đền Đông Cuông có từ xa xưa với mong muốn cầu cho mưa thuận, gió hòa và cầu cho bách gia trăm họ được sức khỏe, bình an.
Điểm mới của Lễ hội Đền Đông Cuông năm 2024 là hoạt động phát lộc đầu Xuân được diễn ra sau nghi lễ mổ trâu - những thời khắc đầu tiên của ngày 12 âm lịch ngày Mão đầu năm. Theo quan niệm dân gian, nếu xin được lộc nhỏ ở đền sẽ được Mẫu phù hộ, ban cho tài lộc và may mắn trong suốt cả năm.
Ngay sau lễ dâng chúc văn buổi sáng sớm của ngày Mão tháng Giêng là lễ rước Mẫu sang sông. Đây là một trong những lễ chính của Lễ hội Đền Đông Cuông. Sau khi rước Mẫu sang sông bằng chiếc thuyền lớn quay trở về bản đền, đây cũng là lúc dâng hương tế Mẫu. Thầy Mo tiến hành các nghi lễ cúng chính tiệc để cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi, cuộc sống hạnh phúc.
Sau phần lễ sẽ là phần hội với nhiều hoạt động sôi nổi như: triển lãm ảnh nghệ thuật có chủ để "Đất và người Văn Yên”; các hoạt động chợ quê với 15 gian hàng giới thiệu các sản vật chủ lực của địa phương; các hoạt động thi đấu thể thao và trò chơi dân gian.
Với những nét độc đáo trong sinh hoạt tín ngưỡng, Đền Đông Cuông từ lâu đã trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, thu hút đông đảo khách du lịch.
Theo sử sách, thư tịch cổ, Đền Đông Cuông có từ đời Lê, được phát triển từ một miếu cổ thờ Đông Quang (thuộc trung tâm trại Quy Hóa thời Trần). Đền Đông Cuông tọa lạc bên bờ sông Hồng, thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, xung quanh có đại ngàn bao phủ.
Đền có dáng dấp kiến trúc của đền chùa truyền thống, góc mái ngói cong và hình lưỡng long chầu nhật, các cột đền được làm bằng gỗ tứ thiết, được sơn son thếp vàng hình rồng cuốn trang nghiêm.
Đền Đông Cuông là cụm di tích gồm 4 điểm, ngoài đền Chính còn có miếu Cô, miếu Cậu và miếu Đức Ông (tọa bên hữu ngạn sông Hồng đối diện với ngôi đền Chính về hướng nam cách 150m đường chim bay thuộc cụm di tích đền Đông Cuông).
Lễ hội truyền thống Đền Đông Cuông giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Bản sắc văn hóa trong Lễ hội Đền Đông Cuông đã và đang được cộng đồng duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt.
Hàng trăm năm qua, Lễ hội Đền Đông Cuông đã trở thành sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng các dân tộc là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng các dân tộc.
Với giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu, ngày 16/1/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định ghi danh Lễ hội đền Đông Cuông vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia./.