Những ngành khát nhân lực trong 'cách mạng công nghiệp lần thứ 4'

Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tác động mạnh mẽ đến đào tạo trình độ đại học, yêu cầu sự chuyển dịch từ ngành nghề đến nội dung, phương thức đào tạo.
(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Những ngành học có nhu cầu nhân lực lớn trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các yêu cầu kỹ năng mới với sinh viên và sự chuyển dịch xu hướng đào tạo tương ứng là vấn đề được các diễn giả chỉ ra tại Hội thảo mô hình dự báo nhu cầu đào tạo trình độ đại học nhóm ngành Kỹ thuật-Công nghệ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Việt Nam. Hội thảo do Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức sáng nay, ngày 24/10, tại Hà Nội.

Những yêu cầu mới về ngành nghề, kỹ năng

Chia sẻ tại Hội thảo, tiến sỹ Trần Sâm-Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực của cách mạng lần thứ 4, một số nhóm ngành “hot” xuất hiện trên cơ sở ba nhóm ngành chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý, với những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Các nhóm ngành nghề đòi hỏi cao nhất trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là Công nghệ kỹ thuật và Kỹ thuật.

Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, tính đến tháng 9/2019, cả nước có 114 cơ sở đào tạo của 111 trường đại học, học viện có đào tạo ngành Kỹ thuật và Công nghệ-Kỹ thuật. Các cơ sở đào tạo có quy mô lớn về số ngành và số lượng sinh viên thuộc các nhóm ngành này gồm Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh với 47 ngành, Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) với 33 ngành, Đại học Bách khoa Hà Nội với 32 ngành…

Thống kê về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp cũng cho thấy nhóm ngành Kỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ thông tin có tỷ lệ sinh viên khoảng 70%, cao hơn so với các nhóm ngành khác.

Bên cạnh sự dịch chuyển ngành nghề, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đòi hỏi những tố chất mới ở người lao động. Theo nghiên cứu của phó giáo sư Phạm Văn Sơn và phó giáo sư Ngô Tứ Thành thuộc Viện Sư phạm kỹ thuật (Đại học Bách khoa Hà Nội), trong năm 2020, nhu cầu kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp chiếm 36%, trong khi nhu cầu về kỹ năng kỹ thuật chỉ chiếm 12%, nhu cầu năng lực thể chất chỉ 4%. Mối đe dọa về việc làm của con người là ở tự động hóa, trí thông minh nhân tạo và số hóa.

Tuy nhiên, tự động hóa không thể thay thế con người trên phương diện ra quyết định và linh hoạt trong nhận thức. Vì vậy, nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số phải sở hữu những kỹ năng mà máy móc không thể thay thế như sự sáng tạo, trí tuệ cảm xúc và linh hoạt trong nhận thức. Tốc độ thay đổi công nghệ gia tăng nhanh chóng trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ đòi hỏi và yêu cầu người lao động có năng lực liên tục thích ứng, học tập các kỹ năng và phương pháp mới.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 yêu cầu sinh viên phải có khả năng sáng tạo và kỹ năng thích ứng mới môi trường mới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Yêu cầu mới về chuyển dịch đào tạo

Theo phó giáo sư Phạm Văn Sơn, yêu cầu mới của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi các trường đại học phải có sự thay đổi trong định hướng đào tạo để đáp ứng được các yêu cầu mới về ngành nghề và kỹ năng cần trang bị cho sinh viên.

Cụ thể, về mô hình đào tạo, giáo dục trực tuyến sẽ giúp đáp ứng nhanh hơn nhu cầu của doanh nghiệp. Hệ thống mạng internet kết nối và siêu dữ liệu sẽ là những công cụ và phương tiện hữu hiệu để thay đổi các thức tổ chức và phương pháp dạy truyền thống vốn nhiều hạn chế như chi phí tổ chức cao, không gian học hạn hẹp, thời gian học cứng nhắc… Chương trình học cũng được thiết kế đa dạng, linh hoạt và cụ thể hơn để đáp ứng nhu cầu của người học.

[VBS 2019: Kỷ nguyên số và những cơ hội cho Việt Nam]

Về nội dung đào tạo, tiến sỹ Trần Sâm cho rằng để thích ứng với đổi mới sáng tạo của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc tổ chức và quản lý học tập phải giúp người học phát triển năng lực của mình để áp dụng công nghệ mới, giúp người học phát triển kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo và khả năng thích nghi với những yêu cầu mới.

Phương thức giảng dạy phải đa dạng về thời gian và địa điểm, cá nhân hóa việc học tập, tự do lựa chọn, học theo dự án, trải nghiệm thực tế, giải thích số liệu, tăng tính đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hỗ trợ hướng dẫn khác biệt…  “Bên cạnh đó, các trường đại học, học viện cũng cần tăng cường mở rộng mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và dự báo nhu cầu thị trường lao động gắn với tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4,” ông Sâm nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục