Theo trang mạng americasquarterly.org, sự sụp đổ của giá dầu dưới tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang khiến các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu “vàng đen” trên toàn cầu chao đảo và khu vực Mỹ Latinh cũng không phải là một ngoại lệ.
Trong tình hình hiện nay, quốc gia nào tại khu vực Mỹ Latinh sẽ là nạn nhân lớn nhất? Ba biến số quan trọng có thể giúp xác định điều đó: mức độ phụ thuộc vào doanh thu từ dầu mỏ, triển vọng tài chính và tác động của giá dầu thấp đối với các khoản đầu tư trong tương lai.
Các quốc gia dễ bị tổn thương nhất khi giá dầu sụp đổ lại không nhất thiết là những nước sản xuất nhiều “vàng đen” nhất, mà là quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào dầu mỏ. Nói cách khác, những nước chịu tác động nhiều nhất là các quốc gia mà khoản thu từ dầu mỏ chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu cũng như trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trong danh sách này, đứng đầu là Venezuela - nơi sản xuất gần 750.000 thùng/ngày vào năm 2019, tiếp theo sau là Ecuador (500.000 thùng/ngày) và Colombia (800.000 thùng/ngày).
Cho đến nay, Brazil (với sản lượng 2,8 triệu thùng/ngày) và Mexico (có sản lượng 1,7 triệu thùng/ngày) là hai nước sản xuất dầu lớn nhất trong khu vực, nhưng lại không phải là những nước xuất khẩu dầu đáng kể. Trên thực tế, Brazil tiêu thụ thậm chí nhiều dầu hơn so với khả năng sản xuất, trong khi đó, nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Mexico không thấm vào đâu so với quy mô của nền kinh tế nước này.
Tình hình tài chính của các quốc gia tại thời điểm khủng hoảng dịch COVID-19 cũng rất quan trọng để dự báo mức độ ảnh hưởng từ việc giá dầu mỏ sụp đổ. Venezuela hiện trong tình trạng tồi tệ nhất, với khoản nợ không thể trả gần 150 tỷ USD. Tiếp đến là Ecuador, không có khoản dự trữ quốc gia nào đáng kể và trên bờ vực vỡ nợ với khoản nợ trị giá 50 tỷ USD. Chỉ có Colombia ở trong tình trạng tài chính và kinh tế vĩ mô tốt hơn.
Mexico có vẻ như đang có tình trạng tài chính khả quan nhất. Tuy nhiên, Pemex - tập đoàn dầu khí nhà nước lớn nhất Mexico - lại thua lỗ tới hơn 18 tỷ USD trong năm 2019, mặc dù khi đó giá dầu đang ở mức tương đối cao. Chính phủ nước này đã phải chi hàng tỷ USD nhằm cứu Pemex thoát khỏi phá sản. Đó là một nghịch lý khi mà Mexico không phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ, nhưng Tập đoàn dầu khí quốc gia lại đang trở thành một gánh nặng lớn cho đất nước.
Brazil là quốc gia ít chịu ảnh hưởng nhất trong số các nước sản xuất dầu mỏ trong khu vực. Tuy nhiên, một số bang địa phương, đặc biệt là Rio de Janeiro, sẽ gặp rắc rối với sự suy giảm nguồn thu từ thuế khai thác dầu khí. Trong khu vực Mỹ Latinh, Argentina là nước nhập khẩu dầu mỏ, nhưng quốc gia này cũng đang trên bờ vực vỡ nợ và phải chi trả các khoản trợ cấp năng lượng tốn kém.
[Giá dầu Venezuela chạm mức thấp nhất trong vòng 20 năm]
Một khía cạnh quan trọng khác là tác động từ sự sụp đổ của giá dầu đối với các hoạt động sản xuất và đầu tư trong tương lai. Theo công ty tư vấn năng lượng Welligence, nếu giá dầu ở mức 20 USD/thùng, các doanh nghiệp dầu mỏ ở Mỹ Latinh sẽ không thể bù đắp nổi chi phí vận hành. Xét về mặt này, quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi giá dầu thấp hiện tại là Colombia, nơi chi phí vận hành để sản xuất dầu mỏ ở mức cao, với khoảng 25% tổng sản lượng dầu mỏ của nước này không mang lại bất kỳ lợi nhuận nào.
Xét trên tất cả các khía cạnh, Ecuador hiện là một trong hai quốc gia đang ở vị trí dễ bị tổn thương nhất. Không giống như các nước láng giềng Peru và Colombia, Ecuador không có nguồn dự trữ quốc gia nào đáng kể và cũng không có khả năng tiếp cận với thị trường vay nợ, vì vậy, nước này không thể áp dụng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ (mở rộng tài khóa trong thời kỳ kinh tế suy giảm) để giảm bớt tác động gây ra từ việc giá dầu sụp đổ. Thậm chí, chính sách đôla hóa của nước này có thể sẽ gây nên hậu quả tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Argentina vào năm 2001.
Trường hợp xấu nhất xảy ra tại Mỹ Latinh là Venezuela. Sản lượng dầu mỏ của Venezuela hiện chưa bằng một nửa so với hồi cuối năm 2018. Các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến Venezuela phải xuất khẩu dầu ra thị trường quốc tế với mức chiết khấu cao và nước này còn phải nhập khẩu xăng để đáp ứng nhu cầu trong nước. Nền kinh tế Venezuela đã suy giảm khoảng 65% trong sáu năm qua và nó có thể sẽ tăng trưởng -20% trong năm nay. Siêu lạm phát sẽ trở nên tồi tệ hơn và phần lớn dân số sẽ ở trong tình trạng cực kỳ nghèo đói.
Tất nhiên, giá dầu giảm không phải là nguyên nhân duy nhất: đại dịch COVID-19 đã khiến lượng kiều hối sụt giảm đáng kể và tác động mạnh đến các hoạt động kinh tế trong nước. Sự sụp đổ của giá dầu cũng như việc dịch COVID-19 bùng phát có lẽ sẽ khiến tình hình tại Venezuela không thể tệ hơn được nữa./.