Những năm tháng gian khó của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Những ngày này, trong ký ức của người dân Hưng Yên, hình ảnh nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong những năm tháng tập kết ra Bắc công tác tại quê nhãn vẫn đọng lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Những năm tháng gian khó của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ảnh 1Thủ tướng Phan Văn Khải thăm và tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Đầy ở xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi có 3 con là liệt sĩ, trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Quảng Ngãi, ngày 8/3/1998. (Ảnh minh họa: Thế Thuần/TTXVN)

Những ngày này, trong ký ức của người dân Hưng Yên, hình ảnh nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong những năm tháng tập kết ra Bắc công tác tại quê nhãn, cùng những lần về thăm lại chốn xưa vẫn đọng lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.

Đám cưới năm xưa nơi xóm làng bình dị

Thời tuổi trẻ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã có 2 năm (1955​-1957) làm công tác giảm tô đợt 5 cải cách ruộng đất ở huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Ngày ấy, bác Khải làm việc và ở cùng bà con thôn Nghĩa Trang, thị trấn Yên Mỹ. Ngôi nhà cụ Nguyễn Văn Đài là nơi bác thường lui tới sinh hoạt. Hoàn cảnh sống và làm việc thời ấy rất khó khăn thiếu thốn và vất vả, bác Khải vẫn không quản ngại và đã vượt qua mọi gian khó.

Điều làm mọi người nhớ mãi là cạnh nhà cụ Đài ngày ấy có ngôi đình làng, nơi làm việc cũng là nơi tổ chức lễ cưới của vợ chồng bác Sáu Khải.

Theo những người trong gia đình cụ Đài, đám cưới diễn ra rất giản đơn nhưng đầm ấm, bà con làng xóm đến chung vui và coi vợ chồng bác Sáu Khải như người thân ruột thịt.

Dù đã hơn 60 năm nhưng những người dân ở đây vẫn nhớ mãi hình ảnh người cán bộ dân dã, hiền lành và tận tụy với công việc.

Trong ký ức của ông Nguyễn Hữu Khang (con trai cụ Đài), ngày ấy nhà cụ Đài có giếng nước trong và có vườn cây tỏa bóng mát nên những buổi trưa hè, bác Khải thường sang tắm giặt, trò chuyện hóng mát cùng bà con ở đây.

Trong các câu chuyện đó, bác Khải thường xuyên hỏi thăm mọi người về chuyện cấy hái, sản xuất và nghe bà con bàn chuyện làm nghề đậu phụ truyền thống của làng. Bác Khải luôn mong bà con làm ăn thuận lợi để có đủ cơm ăn áo mặc.

Sau này, khi trở thành Thủ tướng dù bận việc bác Khải vẫn dành thời gian về thăm thôn Nghĩa Trang. Gặp gỡ bà con tại gia đình cụ Đài, bác Khải không quên nhắc lại những năm tháng khổ cực.

Bác hỏi thăm và rất vui khi biết bà con vẫn lưu giữ nghề làm đậu phụ, đời sống đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, bộ mặt làng quê ngày một đổi mới. Những năm nghỉ hưu, bác vẫn thường xuyên gọi điện thăm hỏi, chúc sức khỏe bà con với tình cảm thân thiết và gần gũi.

Trong những năm tháng công tác tại Hưng Yên, bác Khải còn gắn bó với nhiều người, trong đó có người bạn là cụ Phạm Trần Mô, cán bộ làm công tác tuyên huấn.

Ông Phạm Trần Hoạt con cụ Mô hiện là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Yên Mỹ cho biết: "Bác Khải với bố tôi là mối quan hệ tình đồng chí, đồng đội rất đặc biệt. Kỷ niệm nhớ nhất của tôi là thời kỳ năm 1972-1973, cứ chiều thứ 7, bác Khải lại giúp bố tôi mang nước mắm, mì sợi về cho mẹ con tôi. Ngày đó, bác thường đi chiếc xe đạp rất giản dị.”

[Tưởng nhớ anh Sáu Khải, nhà lãnh đạo kỹ trị, tận tụy vì nước, vì dân]

Quê nhãn nhớ mãi lời người

Gắn bó với quê hương Hưng Yên thuở hàn vi, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn dành cho quê nhãn sự quan tâm sâu sắc. Trong nhiều lần về thăm, làm việc với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên, ngoài việc góp ý định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải dặn dò tỉnh quan tâm đời sống người dân, đặc biệt là những gia đình nghèo; đồng thời, có những quyết sách, tầm nhìn quan trọng, tạo động lực cho tỉnh phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Đặng Văn Cảo, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên nhớ lại: “Những năm mới tái lập tỉnh Hưng Yên, mỗi lần anh Khải nghe tỉnh báo cáo hoặc đi kiểm tra trực tiếp, anh đều cho ý kiến phê duyệt nhiều công trình hạ tầng quan trọng của tỉnh như: mở rộng và nâng cấp Quốc lộ 39, xây cầu Yên Lệnh, xây dựng hệ thống điện 220 KV, làm đê kè chống lũ trên sông Hồng, sông Luộc; xây dựng Bệnh viện Đa khoa Phố Nối, mở thêm trường học… Anh đặc biệt quan tâm đến Khu công nghiệp Phố Nối.” 

Trong tâm trí của ông Nguyễn Đình Phách, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, hình ảnh nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn đọng lại nhiều ấn tượng khó phai: “Thủ tướng Phan Văn Khải luôn ân cần, cởi mở và quan tâm đến nhân dân. Thời điểm Hưng Yên vào Câu lạc bộ nghỉn tỷ năm 2002, Thủ tướng đã biểu dương tại Hội nghị Kế hoạch toàn quốc và đánh giá Hưng Yên là tỉnh khó khăn nhưng đã vào được Câu lạc bộ nghìn tỷ, lại là tỉnh đầu tiên của cả nước miễn thủy lợi phí cho nông dân với gần 40 tỷ đồng là rất đáng quý. Cũng nhờ những quyết sách sáng suốt, kịp thời và sự quan tâm tạo điều kiện của Thủ tướng Phan Văn Khải và Chính phủ lúc đó, Hưng Yên từ một tỉnh nghèo với muôn vàn khó khăn đã chuyển mình vượt bậc, có được một hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại và khang trang như ngày hôm nay.”

Với huyện Yên Mỹ, nơi gắn bó một thời tuổi trẻ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã dành những tình cảm chân thành mỗi khi về thăm lại.

Ông Vũ Văn Toàn, cán bộ nghỉ hưu từng là Bí thư Huyện ủy Yên Mỹ nhớ lại: “Thủ tướng đã căn dặn lãnh đạo huyện phải coi trọng công tác cán bộ, cán bộ là gốc của mọi công việc, phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao đội ngũ cán bộ từ cấp huyện đến cơ sở. Thủ tướng lưu ý huyện quan tâm phát triển kinh tế cả về nông nghiệp và công nghiệp, đảm bảo đời sống cho nhân dân và người lao động…”

Giờ đây, bác Sáu Khải không còn về thăm Hưng Yên được nữa nhưng hình ảnh người cán bộ chất phác, mộc mạc năm xưa, một vị Thủ tướng thân mật, đôn hậu sẽ đọng mãi những ấn tướng khó quên trong lòng Đảng bộ và người dân đất nhãn với một tình cảm tôn kính đặc biệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục