Những mối quan hệ phức tạp trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải

Mối quan hệ ngày càng xấu giữa Nga và phương Tây cùng với sự đối đầu Mỹ-Trung có thể đã trở thành lực đẩy khiến các nước thành viên SCO tăng cường hợp tác sâu rộng hơn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh, giữa) đã gặp trưởng phái đoàn của các nước tham gia trong khuôn khổ cuộc họp Ban Thư ký Hội đồng An ninh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 13. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo mạng tin eastasiaforum, cho tới khi Ngân hàng Cơ sở Đầu tư Hạ tầng châu Á được thành lập năm 2014, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) là tổ chức khu vực duy nhất do Trung Quốc đề xướng và đặt trụ sở tại nước này. Không ngạc nhiên gì khi Trung Quốc thể hiện mối quan tâm chưa từng có tiền lệ và hào hứng tham gia tổ chức này.

Nga, phần lớn các quốc gia Trung Á, và hiện là cả Ấn Độ và Pakistan đều lo ngại rằng SCO có khả năng sẽ trở thành một "liên minh chống NATO." Tuy nhiên, chương trình nghị sự của SCO có một số hạn chế chiến lược.

Theo đề xuất của Trung Quốc, SCO đã cho thông qua khái niệm "ba lực lượng ma quỷ" ám chỉ chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan. Chống lại các lực lượng này là nền tảng của SCO kể từ khi được thành lập năm 2001 nhằm thay thế cho nhóm "Thượng Hải 5" gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Năm 2002, SCO đã tạo ra Cấu trúc chống khủng bố khu vực, một cơ quan thường trực về hợp tác an ninh. Kể từ đó, Trung Quốc và các quốc gia thành viên khác của SCO đã thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung chống khủng bố song phương và đa phương.

SCO đôi khi bị cho là tổ chức an ninh tập thể khu vực chống Mỹ và chống phương Tây. Mặc dù nhân tố Mỹ không nên bị bỏ qua, song đây không phải là yếu tố quan trọng đối với nguồn gốc và sự phát triển của SCO. Và Mỹ ban đầu cũng không quan tâm nhiều tới tổ chức này.

Chỉ từ năm 2005 trở lại đây, SCO mới dần khiến Mỹ lo ngại. Sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, Mỹ đưa các lực lượng tới đồn trú tại Kyrgyzstan và Uzbekistan để hỗ trợ thực hiện Chiến dịch Tự do Bền vững tại Afghanistan.

[Trung Quốc ủng hộ SCO tăng cường hợp tác với Liên hợp quốc]

Sau khi chế độ Taliban bị lật đổ, Mỹ vẫn tiếp tục duy trì hai căn cứ này. "Cách mạng màu" năm 2005 tại Kyrgyzstan được cho là có sự can thiệp của Mỹ, và vụ việc Uzbekistan đàn áp cuộc nổi loạn ở Andijan cũng trong năm đó đã bị Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích.

Bản tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh SCO năm 2005 đã yêu cầu Mỹ cần lên lịch trình rút các căn cứ quân sự của nước này khỏi hai quốc gia Trung Á. Ngay sau đó căn cứ Khanabad bị Uzbekistan đóng cửa đã khiến Mỹ tức giận.

Cùng lúc đó, SCO mời Iran tham dự các cuộc họp thượng đỉnh của tổ chức này với tư cách quan sát viên. Cuộc tập trận quân sự quy mô lớn mang tên "Sứ mệnh Hòa bình 2005" với sự tham gia của cả Nga và Trung Quốc ở vùng Viễn Đông Nga và tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc cũng được xem là một bước phát triển quan trọng. Mỹ bắt đầu chú ý nhiều hơn tới SCO, và ngày càng tỏ ra nghi kị, không tin tưởng và chỉ trích tổ chức này.

Mối quan hệ ngày càng xấu giữa Nga và phương Tây cùng với sự đối đầu Mỹ-Trung có thể đã trở thành lực đẩy khiến các nước thành viên SCO tăng cường hợp tác sâu rộng hơn, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Nga.

Tuy nhiên, việc biến tổ chức này thành một liên minh quân sự chống phương Tây không phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Đồng thời, cũng không có bằng chứng nào cho thấy Nga có ý định làm điều tương tự. Đối với Trung Quốc, hợp tác để chống lại "ba lực lượng ma quỷ" vẫn là sứ mệnh cơ bản của tổ chức này.

Hợp tác kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng khác của SCO và là một trong ba trụ cột chính của tổ chức này. Tuy nhiên, so sánh với lĩnh vực hợp tác an ninh thì các thành tựu kinh tế của SCO vẫn còn rất ít ỏi.

Không nghi ngờ gì rằng Trung Quốc là "đầu máy" của hợp tác kinh tế trong SCO, là quốc gia đóng góp nhiều nhất vào ngân sách của tổ chức này. Trung Quốc cũng tích cực thúc đẩy thành lập một ngân hàng phát triển của SCO và một hiệp định thương mại tự do (FTA) của riêng tổ chức này. Tuy nhiên, việc Trung Quốc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực trong khuôn khổ SCO không nhận được những phản ứng tích cực.

Trong so sánh với Trung Quốc, Nga là một nước thành viên khá bị động trong hợp tác kinh tế SCO và chủ yếu chỉ quan tâm tới hợp tác an ninh. Moskva lo ngại trước việc mở rộng các hoạt động kinh tế của Trung Quốc ở Trung Á, coi đây là thách thức đối với sự hội nhập Á-Âu do Nga đi đầu.

Nga chủ trương mở rộng SCO và ủng hộ Ấn Độ tham gia vào tổ chức này năm 2017, một phần là nhằm cân bằng quyền lực với Trung Quốc trong SCO. Một vài người thậm chí còn lập luận rằng Nga đang nỗ lực sử dụng SCO để giám sát, kiềm chế và kiểm soát các hành vi của Trung Quốc ở Trung Á - khu vực có truyền thống chịu ảnh hưởng của Nga.

Liệu có phải Nga và Trung Quốc đang cạnh tranh tại Trung Á? Thực tế là tại Trung Á, Nga có ảnh hưởng lớn hơn Trung Quốc, và Bắc Kinh không có ý định hay khả năng để gạt bỏ Nga ra ngoài.

Các quốc gia Trung Á cũng vẫn tỏ ra thận trọng trước sự hiện diện ngày càng lớn tại khu vực của Trung Quốc. Nhiều quốc gia trong khu vực này lo ngại trở nên quá phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế do trở thành nơi cung cấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên và là thị trường tiêu thụ cho Trung Quốc.

SCO và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) do Nga chi phối bị chồng lấn về thành viên và chức năng hoạt động. Mặc dù hai tổ chức này có thể sẽ cạnh tranh với nhau, song SCO và EEU cũng hoàn toàn có thể trở thành các đối tác của nhau.

Tuyên bố về Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2013 đã kêu gọi sự hợp tác giữ SCO và Cộng đồng Kinh tế Á-Âu nhằm giúp BRI phát triển hơn nữa.

Các chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng sẽ tạo ra cơ hội để các nước thành viên SCO hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn. Tổ chức này vẫn đang xem xét việc thành lập Ngân hàng Phát triển SCO, cũng như một Tài khoản Đặc biệt để cung cấp những hộ trợ tài chính cho các dự án.

Một FTA của SCO có khả năng trở thành hiện thực trong dài hạn nếu được tiến hành thực hiện từng bước một. Nhiều quốc gia lo ngại rằng FTA sẽ dẫn tới việc hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc ồ ạt đổ vào nước họ, khiến nền kinh tế quốc gia bị suy yếu.

SCO hiện đang là tổ chức khu vực lớn nhất thế giới xét về mặt dân số và tiềm năng kinh tế. Việc tổ chức này gần đây mở rộng thêm Ấn Độ và Pakistan có thể giúp củng cố vị trí của tổ chức này trong nền chính trị thế giới.

Tuy nhiên, việc kết nạp thêm nhiều thành viên cũng có khả năng dẫn tới việc cơ chế đưa ra quyết định của SCO không còn hiệu quả như trước, nếu sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc gây ảnh hưởng tới chức năng này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục