Những mối lo hàng đầu của các doanh nghiệp toàn cầu trong 2023

Chi phí gia tăng là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp ở Canada, Ireland và Anh, trong khi tình trạng thiếu lao động là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp New Zealand và Australia.
Những mối lo hàng đầu của các doanh nghiệp toàn cầu trong 2023 ảnh 1Người dân xếp hàng bên ngoài một trung tâm giới thiệu việc làm ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo một cuộc khảo sát quốc tế được công bố hôm 10/1, thiếu hụt lao động, giữ chân nhân viên và chi phí gia tăng là ba mối quan tâm hàng đầu của các chủ doanh nghiệp trong năm nay.

Công ty chuyên về quản lý nhân sự Employsure New Zealand đã thực hiện một cuộc khảo sát với 79.000 doanh nghiệp trên khắp New Zealand, Australia, Canada, Ireland và nước Anh để xem những ưu tiên và mối quan tâm hàng đầu của các nhà tuyển dụng vào năm 2023.

Cuộc khảo sát cho thấy tăng trưởng là mục tiêu kinh doanh chính của 58,6% người sử dụng lao động ở cả năm quốc gia.

[New Zealand điều chỉnh một số quy định nhằm thu hút lao động nhập cư]

Tuy nhiên, suy thoái kinh tế hiện đang có tác động đến các doanh nghiệp ở Anh và Ireland, với lần lượt 38,4% và 34,7% doanh nghiệp liệt kê đảm bảo khả năng sống còn là mục tiêu chính của họ trong năm nay.

Chi phí gia tăng là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp ở Canada, Ireland và Anh, trong khi chỉ đứng thứ ba ở New Zealand và Australia.

Ông David Price, Giám đốc điều hành (CEO) của Employsure New Zealand cho biết chi phí gia tăng khiến hơn 70% doanh nghiệp toàn cầu tại các nền kinh tế lớn tham gia khảo sát lo ngại, đồng thời cho biết thêm 2023 sẽ là một năm đầy thách thức đối với nhiều doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu lao động là mối quan tâm hàng đầu của 66,2% doanh nghiệp New Zealand và Australia, với việc giữ chân nhân viên là mối quan tâm cao thứ hai.

Theo cuộc khảo sát, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và tình trạng thiếu nhân sự đang có tác động đáng kể lên hoạt động của doanh nghiệp, với 66% người sử dụng lao động đưa ra các khoản thưởng để giữ chân nhân viên.

Những người không thể đưa ra các ưu đãi tài chính thì cung cấp giờ làm việc linh hoạt và hỗ trợ sức khỏe tâm thần để giúp ngăn nhân viên nghỉ việc.

Cuộc khảo sát cho thấy các biện pháp tạm thời được đưa ra trong thời kỳ đại dịch đã thay đổi hình thức làm việc của nhiều người.

Gần 29% người sử dụng lao động ưu tiên các vấn đề về sức khỏe và phúc lợi, trong khi khoảng 28% coi một số hình thức làm việc linh hoạt trở thành một đặc điểm lâu dài cho hoạt động kinh doanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục