Khách tham quan gian trưng bày của Thông tấn xã Việt Nam tại Hội Báo toàn quốc 2024, tổ chức hồi tháng Ba vừa qua ở TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
Khách tham quan gian trưng bày của Thông tấn xã Việt Nam tại Hội Báo toàn quốc 2024, tổ chức hồi tháng Ba vừa qua ở TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Những mốc son của báo chí Cách mạng Việt Nam sau 99 năm phát triển

99 năm hình thành và phát triển, báo chí Cách mạng Việt Nam có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc; góp phần làm nên những thành tựu vĩ đại trong xây dựng, phát triển đất nước.

Trải qua 99 năm hình thành và phát triển, báo chí Cách mạng Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc; góp phần làm nên những thành tựu vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Cùng nhìn lại những mốc son lịch sử của ngành báo chí nước nhà.

Ngày 15/4/1865, tờ báo tiếng Việt đầu tiên - Gia Định báo - ra số đầu tại Sài Gòn, đánh dấu cột mốc mở đầu của báo chí Việt Nam.

Ngày 21/6/1925, Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, ra số đầu tiên, mở đường cho báo chí Cách mạng Việt Nam hình thành và phát triển.

Tháng 5/1888, nguyệt san Thông loại khóa trình - tờ báo quốc ngữ tư nhân đầu tiên phát hành số thứ nhất.

Tháng 1/1918, Tạp chí Nam phong với ấn phẩm đặc biệt ghi ngoài bìa là “Số Tết 1918” đã mở màn cho truyền thống làm báo Xuân trong làng báo Việt Nam. Đến ngày 1/2/1918, tuần báo Nữ giới chung - tờ báo Việt Nam đầu tiên chuyên về phụ nữ - xuất bản số đầu tiên tại Sài Gòn.

Ngày 21/6/1925, Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, ra số đầu tiên, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo hoạt động, mở đường cho báo chí Cách mạng Việt Nam hình thành và phát triển.

Theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 5/2/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 52-QĐ/TƯ lấy ngày 21/6 hằng năm là "Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam." Và ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Ngày 5/8/1930, Tạp chí Cộng sản - tạp chí lý luận và chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam - thành lập, ban đầu có tên là Tạp chí Đỏ. Tuy tên gọi của Tạp chí có lúc khác nhau, nhưng Tạp chí luôn hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng. Đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, vận dụng, phát triển, đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Marx–Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và góp phần quan trọng vào công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận của Đảng.

Ngày 5/2/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 52-QĐ/TƯ lấy ngày 21/6 hằng năm là "Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam."

Cũng trong giai đoạn 1930-1945, nhiều tờ báo Cách mạng đã ra đời, tích cực tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, đồng hành cùng các sự kiện, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, tiêu biểu như Báo Búa liềm, Báo Đỏ, Báo Tranh đấu, Báo Cờ Vô sản, Tạp chí Bolshevik, Báo Việt Nam độc lập, Báo Cứu quốc, Báo Cờ giải phóng và báo chí của các đoàn thể cứu quốc ở Trung ương như Công nhân, Học sinh, Văn hóa, Tự vệ...

Sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945), hai cơ quan báo chí quan trọng ra đời, đó là Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945) và Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945). Sau 79 năm đồng hành cùng dân tộc, từ 90 phút phát sóng ngày đầu tiên, đến nay Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã phủ sóng rộng khắp trong nước và quốc tế; còn Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã trở thành một tổ hợp truyền thông quốc gia đa phương tiện, hiện đại; cơ quan thông tin chiến lược tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là hãng thông tấn có uy tín trong khu vực và trên thế giới.

tru so TTXVN.JPG
Tòa nhà Trung tâm Thông tấn Quốc gia số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 27/12/1945, thành lập Đoàn Báo chí Việt Nam - tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay, do nhà báo Nguyễn Tường Phượng làm Chủ tịch. Ngày 21/4/1950, Đại hội lần thứ nhất Hội Những người viết báo Việt Nam được tổ chức tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đây là dấu mốc ra đời của Hội Nhà báo Việt Nam.

Tháng 4/1949, lớp học về báo chí đầu tiên trong lịch sử nước ta mang tên Huỳnh Thúc Kháng được Đoàn Báo chí kháng chiến mở để đào tạo cán bộ báo chí, thu hút gần 60 học viên. Đây là lớp học báo chí đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam.

Tháng 7/1950, Đại hội lần thứ III Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp ở Phần Lan kết nạp Hội Nhà báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức này.

Ngày 20/10/1950, Báo Quân đội Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, ra số đầu tiên. 74 năm qua, Báo Quân đội Nhân dân với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ,” luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, gương mẫu đi đầu, phản ánh trung thực, sinh động cuộc sống, chiến đấu, lao động sản xuất của các lực lượng vũ trang và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế sâu rộng.

bao Nhan dan1.JPG
(Nguồn: báo Nhân dân)

Ngày 11/3/1951, Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, ra số đầu tiên. 73 năm qua, Báo Nhân Dân đã không ngừng phát triển và trưởng thành, là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, hoàn thành xuất sắc vai trò cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.

Ngày 7/9/1970, Truyền hình Việt Nam phát sóng chương trình đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của báo hình ở Việt Nam. Trải qua 54 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã trở thành đài truyền hình lớn và uy tín nhất của Việt Nam với 11 kênh truyền hình quảng bá và hệ thống kênh truyền hình cáp được phủ sóng toàn quốc. Ngoài ra, nhiều chương trình của VTV còn phát sóng ở các nước trên thế giới qua vệ tinh và các ứng dụng xem trực tuyến.

Ngày 28/12/1989, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa VIII thông qua Luật Báo chí, có hiệu lực từ năm 1990. Ngày 12/6/1999, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.

Sau đó, ngày 5/4/2016, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Báo chí (sửa đổi). Có đến 9 điểm mới trong các quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, đối tượng thành lập cơ quan báo chí, đặc biệt là các điểm mới liên quan đến liên kết trong hoạt động báo chí, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo...

Năm 1990, song hành với nâng cao trách nhiệm, Hội Nhà báo Việt Nam tôn vinh nghề báo và người làm báo thông qua việc trao Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam.

Năm 1991, Hội báo Xuân truyền thống của làng báo Việt Nam được tổ chức lần thứ nhất. Giải thưởng Báo chí Quốc gia được thành lập, hàng năm bình chọn và trao giải cho những tác phẩm báo chí xuất sắc nhất trong năm.

ttxvn_le_trao_giai_bao_chi_quoc_gia_lan_thu_xvii_-_nam_2022.jpg
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A của Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII-năm 2022 cho đại diện nhóm tác giả Báo Điện tử VietnamPlus thuộc Liên Chi hội Nhà báo TTXVN. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Giải Báo chí Quốc gia đã trải qua 17 mùa đồng hành cùng đời sống báo chí, trở thành sinh hoạt nghiệp vụ thực sự bổ ích, lan tỏa sâu rộng trong các cấp hội, trong giới báo chí và ngày càng khẳng định uy tín là giải thưởng nghề nghiệp danh giá nhất của những người làm báo trong cả nước.

Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 18 sẽ được trao vào đúng dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 tới, hướng đến dấu mốc 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam vào năm 2025.

Tháng 4/1995, Hội Nhà báo Việt Nam chính thức là thành viên Liên đoàn Báo chí các nước trong Hiệp hội Đông Nam Á (CAJ).

Ngày 6/2/1997, Tạp chí Quê hương điện tử thuộc Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Ngoại giao, phát hành số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của báo điện tử ở Việt Nam.

Đến nay cả nước có khoảng 140 trang báo điện tử thuộc các cơ quan Trung ương và các bộ, ngành, địa phương, trường học, bệnh viện…

ttxvn_thu_tuong_pham_minh_chinh_du_le_trao_giai_thuong_toan_quoc_ve_thong_tin_doi_ngoai_lan_thu_ix.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải Nhất của Giải thưởng toàn quốc về thông tin Đối ngoại lần thứ IX cho đại diện nhóm tác giả Báo Le Courrier du VietNam thuộc Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tháng 4/2000, Báo chí Việt Nam trực tiếp in và phát hành tại châu Âu với tờ báo thực hiện thí điểm đầu tiên là tờ Le Courrier du Vietnam của Thông tấn xã Việt Nam.

Ngày 3/2/2017, Giải Báo chí Toàn quốc về Xây dựng Đảng mang tên Búa liềm Vàng lần thứ nhất đã được trao cho những tác phẩm báo chí xuất sắc nhất viết về xây dựng Đảng trên các mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; thuộc các lĩnh vực công tác: tổ chức, tuyên giáo, kiểm tra, dân vận, đối ngoại, phòng, chống tham nhũng…. Trải qua 8 lần trao giải, Giải Búa liềm Vàng đã đóng góp thiết thực cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Ngày 3/4/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 362/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, với mục tiêu sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử.

Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới…

Ngày 9/6/2023, Giải Báo chí Toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng Nhân dân mang tên Diên Hồng lần thứ nhất được tổ chức. Ban tổ chức đã chọn ra 67 tác phẩm xuất sắc để trao giải. Lễ trao Giải Diên Hồng lần thứ hai diễn ra tối 5/1 vừa qua với 79 tác phẩm được vinh danh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục