Những lý do khiến Ấn Độ chùn bước trong trả đũa thương mại Mỹ

Ưu tiên hợp tác quốc phòng hơn quan hệ kinh tế và thương mại sẽ khiến Ấn Độ chùn bước trong leo thang các hành động đáp trả đối với Mỹ, chỉ vì mục đích “ăn miếng trả miếng.”
Ảnh minh họa. (Nguồn: The Financial Express)

Theo trang mạng eurasiareview.com, Ấn Độ đã tiến một bước và lùi hai bước trong động thái trả đũa hàng rào thuế quan cao mà Mỹ áp đặt đối với sản phẩm thép và nhôm của nước này.

Bên cạnh đó, New Delhi cũng tạm ngừng quyết định áp thuế cao đối với 29 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Theo lịch trình ban đầu, mức thuế cao sẽ được áp vào ngày 4/8, song đã được gia hạn tới ngày 18/9 và tiếp tục lùi tới ngày 2/11.

Những nghi vấn gia tăng xung quanh ý định thực sự của Ấn Độ đằng sau động thái đáp trả thương mại nhằm vào Mỹ. Một nghiên cứu đã chỉ ra sự phụ thuộc đang tăng lên của Ấn Độ trong hợp tác quốc phòng với Mỹ.

Cho dù Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là nhà đầu tư nước ngoài chủ chốt tại Ấn Độ, song tầm ảnh hưởng của Washington thực sự rõ nét với động lực mới trong quan hệ song phương, mà mới đây nhất là Đối thoại 2+2, ghi nhận mối quan hệ quân sự được củng cố giữa Mỹ và Ấn Độ.

Vậy điều gì đã khiến Ấn Độ hồi sinh quan hệ quốc phòng với Mỹ, trong khi Delhi thực tế vẫn trong tầm ảnh hưởng của Hiệp ước Indo-Soviet và nay là với Nga.

Kể từ khi Mỹ công bố Ấn Độ là “Đối tác quốc phòng chủ chốt” trong năm 2016, tập trung vào quan hệ quốc phòng nhiều hơn quan hệ kinh tế.

Trong bối cảnh đó, đối thoại 2+2 mới đây giữa hai nước có nhiều ý nghĩa, theo sau là việc ký kết Thỏa thuận An ninh và Tương hợp truyền thông (COMCASA). Đó được coi là hành trình bắt đầu để củng cố quan hệ quân sự giữa hai nước trong khuôn khổ chuyển giao công nghệ và cung ứng quốc phòng.

[Cách tiếp cận chiến lược của Ấn Độ trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ]

Cho đến nay, Nga vẫn là đối tác giữ vai trò chi phối trong quan hệ quốc phòng với Ấn Độ. Theo các nhà phân tích, Nga sở hữu 67% cổ phần cung ứng quốc phòng.

Hệ thống quản trị hiện tại không cho phép Mỹ cung cấp trang bị quân sự đi kèm chuyển giao công nghệ. Người ta tin rằng COMCASA sẽ mở đường cho việc cung cấp trang bị quốc phòng cùng với chuyển giao công nghệ, vốn được quy định trong chương trình cung cấp thiết bị quân sự cho nước ngoài (FMS) của Mỹ.

Các hệ thống bán hàng FMS, bao gồm việc chuyển giao công nghệ, quy định hoạt động bán hàng phải được chấp thuận theo Đạo luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí (AECA) của Mỹ và được Tổng thống Mỹ phê duyệt.

Theo quy định nghiêm ngặt này, rào cản quan trọng là việc Mỹ không sẵn lòng chia sẻ công nghệ, trong bối cảnh quan hệ gắn kết lâu dài của Ấn Độ đối với Nga.

Một thành quả quan trọng khác của Đối thoại 2+2 là sự sẵn sàng đàm phán về Phụ lục an ninh công nghiệp (ISA). Điều này sẽ mở thêm dư địa lớn hơn cho các công ty Ấn Độ tiếp nhận những công nghệ mới nhất.

Thỏa thuận COMCASA và triển khai đàm phán về ISA sẽ đóng vai trò mấu chốt cho sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” vì sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng nước này.

Theo sáng kiến này, Ấn Độ sẽ tập trung nhiều hơn vào mở cửa ngành công nghiệp quốc phòng cho khu vực tư nhân thông qua các tham số chính sách, như mở rộng sự tham gia của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực này.

Quyết định trao đổi hợp tác giữa Tư lệnh trung ương Lực lượng hải quân Mỹ (NAVCENT) và hải quân Ấn Độ sẽ là một cột mốc khác để tăng cường hợp tác hàng hải tại khu vực Tây Ấn Độ Dương.

Ngoài yếu tố hợp tác quốc phòng, quyết định trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran (sẽ có hiệu lực từ ngày 5/11 tới) là một yếu tố khác cản trở Ấn Độ trả đũa thương mại Mỹ. Iran là nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ ba cho Ấn Độ, chiếm 10% tổng lượng dầu nhập khẩu.

Trong bối cảnh giá “vàng đen” biến động mạnh trên thị trường toàn cầu, vốn có thể làm sâu sắc hơn cuộc khủng hoảng năng lượng và khó có thể tác động tới lạm phát, Ấn Độ cần sự hợp tác nghiêm túc của Mỹ trên tinh thần lệnh trừng phạt này. Nếu đi ngược lại, Ấn Độ có thể bị cuốn vào thế tiến thoái lưỡng nan trong thực thi trả đũa thương mại Mỹ.

Tuy nhiên, việc trả đũa kinh tế có quá ít ảnh hưởng trên phương diện tác động tới thương mại. 29 mặt hàng được xác định sẽ đánh thuế cao, chỉ chiếm dưới 1% tổng khối lượng nhập khẩu từ Mỹ của Ấn Độ.

Kim ngạch nhập khẩu lượng hàng hóa này chỉ là 240 triệu USD so với tổng kim ngạch nhập khẩu 2,66 tỷ USD từ Mỹ trong năm 2017-18. Những mặt hàng này cũng không chiếm thị phần lớn trong xuất khẩu của Mỹ trên thị trường thế giới.

Vì vậy, đó không được coi là hành động “ăn miếng trả miếng” đối với Mỹ. Hiện những mặt hàng Ấn Độ nhập khẩu chính từ Mỹ là máy bay, hàng điện tử, linh kiện ô tô và các mặt hàng ngoài lĩnh vực điện tử.

Ngược lại, nếu sự đáp trả của Ấn Độ khiến Mỹ tức giận hơn và đưa thêm nhiều mặt hàng vào danh mục đánh thuế cao, ngoài thép và nhôm, Ấn Độ sẽ chịu thiệt nhiều hơn. Xuất khẩu hàng may mặc, trang sức và đá quý (đặc biệt là kim cương và đá quý) chính là trường hợp điển hình sẽ chịu tác động mạnh nếu bị áp thuế cao.

Xuất khẩu các mặt hàng này chiếm 1/6 tổng khối lượng xuất khẩu của Ấn Độ trong năm 2017-18, trong đó xuất khẩu dệt may chiếm 5,5% thị phần, còn đá quý và trang sức chiếm tương ứng 9%.

Mỹ cũng là nhà nhập khẩu lớn nhất hai loại mặt hàng này từ Ấn Độ. Bản thân Washington đang theo dõi sát sao các mặt hàng này, vì Ấn Độ vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khi liên tục trợ cấp xuất khẩu ngay cả khi đã vượt qua mức trần thu nhập 1.000 USD/người một năm.

Theo các quy định hiện tại của WTO, một quốc gia không được cung cấp hỗ trợ xuất khẩu nếu thu nhập quốc dân vượt quá mức 1.000 USD/người trong 3 năm liên tiếp.

Mỹ từng đe dọa đưa Ấn Độ ra cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO. Hệ quả là, ưu tiên hợp tác quốc phòng hơn quan hệ kinh tế và thương mại sẽ khiến Ấn Độ chùn bước trong leo thang các hành động đáp trả đối với Mỹ, chỉ vì mục đích “ăn miếng trả miếng.”

Thương chiến của Tổng thống Donald Trump là nhằm vào Trung Quốc, và Ấn Độ. Hàng rào thuế quan cao là một động thái nhằm trừng phạt Trung Quốc, trả đũa cho hành vi Trung Quốc “lấn át” các ngành công nghiệp nội địa của Mỹ.

Trung Quốc chiếm 47% trong thâm hụt thương mại quốc tế của Mỹ. Mỹ cáo buộc Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển - vốn là những nền kinh tế dựa vào xuất khẩu - đã thu lợi từ các thị trường tự do tại Mỹ bằng những phương thức không công bằng và không đáp lại tương xứng bằng việc mở cửa thị trường.

Vị thế của Ấn Độ còn xa mới bắt kịp Mỹ trên phương diện “cuộc chơi quyền lực.” Trong thương mại và đầu tư, Mỹ có nhiều ý nghĩa hơn đối với Ấn Độ mà không phải là ngược lại. Mỹ là nhà nhập khẩu lớn nhất hàng hóa Ấn Độ và cũng là nhà đầu tư nước ngoài chủ chốt của quốc gia Nam Á này.

Mỹ cũng là nguồn sinh kế chính của người lao động tại Ấn Độ, khi nền kinh tế lớn nhất thế giới là nhà nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm tâp trung nhiều sức lao động từ Ấn Độ, như quần áo may sẵn và các sản phẩm dệt may khác.

Tóm lại, sự trả đũa của Ấn Độ nhằm vào Mỹ sẽ chỉ là hành động mở “chiếc hộp Pandora,” tạo ra những rắc rối và hệ quả khó lường hơn đối với chính quốc gia này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục