Tình huống nhầm chân ga với chân phanh không hề xa lạ và thường xuyên xảy ra với bất kỳ ai, từ lái mới đến cũ và ở bất kỳ đâu.
Theo anh Minh Hưng, một chuyên gia trong ngành gần 20 năm kinh nghiệm lái xe cho biết lỗi đạp nhầm chân ga và chân phanh có thể xảy ra với người lái cả ôtô số sàn và số tự động. Tuy nhiên, tình trạng xe vọt nhanh, mất kiểm soát đa phần xuất hiện trên xe số tự động. Khi đạp nhầm, tài xế có tâm lý hoảng loạn, mất bình tĩnh từ đó gây ra những phản xạ ngoài ý muốn.
Vì vậy, để tránh tình trạng này, theo anh Hưng, người điều khiển phương tiện giao thông cần lưu ý một số điểm quan trọng để vận hành xe an toàn.
Nắm rõ vị trí chân ga và chân phanh
Mới đây, chiều ngày 5/4 tại Hà Nội, tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh (sinh năm 1960) điều khiển chiếc xe ôtô Kia Forte đã tông vào loạt phương tiện đang đỗ đèn đỏ tại ngã tư Xuân La-Võ Chí Công và làm 17 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do đạp chân phanh nhầm thành chân ga, không kiểm soát được tốc độ nên đã dẫn đến vụ tai nạn liên hoàn...
Để khắc phục tình huống nhầm chân ga với chân phanh, anh Hưng cho rằng các tài xế cần phải nắm được vị trí và học cách sử dụng chân phanh và chân ga một cách chính xác.
Theo đó, một chiếc xe muốn đi chuyển, tăng tốc trên đường hoặc trên địa hình khúc khuỷu thì chân ga chính là bộ phận được sử dụng để thực hiện hoạt động ấy. Tuy nhiên, ở xe số sàn và xe số tự động, khu vực bố trí chân ga/phanh có sự khác biệt dẫn đến những yêu cầu khác nhau về thao tác chân: Ở xe số sàn, chân ga nằm ở khu vực để chân của tài xế, vị trí để theo thứ tự là chân côn, chân phanh ở giữa và cuối cùng là chân ga; còn xe số tự động không có chân côn nên chân phanh và chân ga nằm song song với nhau theo vị trí chân ga trước, chân phanh sau tính từ phía bên phải của người ngồi lái.
Kèm theo đó, các lái xe cũng nên giữ thói quen “rời chân ga-rà chân phanh” - có nghĩa là ngay khi nhấc chân phải khỏi chân ga thì ngay lập tức xoay chân phải sang chân phanh để hình thành thói quen luôn sẵn sàng phanh trong mọi tình huống. Hành động này nên được tập thành thói quen ngay cả khi không có tình huống nguy hiểm vì nó giúp tài xế luôn trong tình trạng sẵn sàng phanh, thay vì nhấn ga.
Chuyển về số P hoặc N khi dừng đỗ
Có nhiều nguyên nhân khiến người điều khiển ôtô đạp nhầm chân ga khiến xe mất kiểm soát và gây tai nạn. Bên cạnh thao tác lúng túng vì mới lái xe hay đổi sang xe khác thì còn một nguyên nhân nữa, đó là do sự chủ quan.
Với xe số tự động, nhiều người lái vẫn có thói quen để cần số ở nấc D, trong khi chân nhấn nhẹ bàn phanh để giữ xe đứng yên trong trường hợp không cần xuống xe và đi ngay. Tuy nhiên khi tập trung làm việc gì đó, vô tình lái xe rời chân ra khỏi bàn đạp mà quên rằng mình vẫn cần phải giữ chân phanh. Khi nhận ra, do lúng túng, lái xe có thể đạp nhầm chân ga gây ra hậu quả đáng tiếc.
[Bỏ túi những kinh nghiệm khi lái xe ôtô đi lễ, du Xuân dịp đầu năm]
Để tránh sự cố trên, chuyên gia Minh Hưng khuyên các chủ xe khi dừng đỗ nên trả số về N và kéo phanh tay khi dừng xe tạm thời, trả số về P khi dừng xe lâu kết hợp kéo phanh tay để đảm bảo an toàn. Thao tác trên sẽ chỉ mất từ 5-10 giây, vì thế người lái nên thực hiện thao tác này mỗi khi dừng xe và duy trì thường xuyên để tạo thành thói quen điều khiển xe an toàn.
Giữ tập trung khi lái xe
Khi tham gia giao thông, người điều khiển cần tập trung hoàn toàn vào việc lái xe, tránh phân tâm, xao nhãng sang những chuyện khác. Sự mất tập trung và những biến động trong tâm lý có thể sẽ gây ảnh hưởng lớn đến khả năng phản xạ trước những tình huống bất ngờ. Đã có nhiều trường hợp khi gặp sự cố, người lái xe luống cuống phanh gấp nhưng lại đạp nhầm chân ga thay cho chân phanh.
Những sự cố nhầm lẫn giữa đạp nhầm chân ga thay vì chân phanh thường xảy ra ở những bãi đỗ xe và ở các giao lộ. Do vậy, khi di chuyển ở những địa điểm trên tài xế phải quan sát cẩn thận và lái xe một cách từ tốn.
Ngoài ra, tài xế cũng nên chọn giày dép phù hợp để điều khiển xe. Nếu đi chân trần sẽ khiến người lái đau chân, còn đi giày cao gót, giày có đế dày sẽ khiến chân bị cứng và khó di chuyển nên thực hiện các thao tác chân không linh hoạt. Tài xế nên chuẩn bị giày, dép mỏng nhưng phải vừa vặn, đế có độ tiếp xúc để dễ thao tác với các bộ phận phanh/đạp ga.
Kiểm tra định kỳ hệ thống phanh và động cơ
Bảo dưỡng thường xuyên hệ thống phanh và động cơ là điều cần thiết để đảm bảo an toàn và hiệu suất của xe.
Theo thời gian, các bộ phận của hệ thống phanh có thể bị mòn hoặc hư hỏng, làm giảm khả năng dừng xe hiệu quả. Tương tự, động cơ có thể bị hao mòn dẫn đến giảm hiệu suất, giảm hiệu quả sử dụng nhiên liệu và thậm chí hỏng hóc hoàn toàn, ảnh hưởng đến độ an toàn của tài xế.
Do vậy, theo anh Hưng, kiểm tra định kỳ hệ thống phanh và động cơ của xe hơi là một biện pháp quan trọng để đảm bảo tính an toàn khi lái xe. Hãy đảm bảo rằng hệ thống phanh của xe hoạt động tốt và không có lỗi. Nếu cảm thấy bất kỳ sự cố nào với hệ thống phanh, hãy đưa xe vào đại lý sửa chữa để kiểm tra và sửa chữa ngay lập tức.
Ngoài ra, việc thường xuyên bảo dưỡng phanh, động cơ cũng có thể giúp kéo dài tuổi thọ của xe và ngăn ngừa việc sửa chữa tốn kém trong thời gian dài./.