Không để trẻ vận động mạnh, chơi thể thao sau tiêm vaccine COVID-19

Những lưu ý cần theo dõi sát sao khi trẻ tiêm vaccine phòng COVID-19

Không nên để trẻ uống rượu, bia, các chất kích thích và đặc biệt không để trẻ vận động mạnh, chơi thể thao ít nhất trong 3 ngày đầu sau tiêm vaccine.
Đà Nẵng triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đối tượng dưới 18 tuổi. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Theo Bộ Y tế, Chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi ở Việt Nam đã chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc.

Hiện vaccine COVID-19 tại Việt Nam mới được Bộ Y tế chỉ định tiêm cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. Các bậc phụ huynh khi đưa trẻ đi tiêm chủng cần theo dõi sát sao và đồng hành với nhân viên y tế từng quy trình tiêm để tránh những sai sót không đáng có.

Chưa có trường hợp phản ứng nặng sau tiêm

Sau một tuần triển khai, có nhiều địa phương tiến hành tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi như: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố, Đà Nẵng, Bình Dương, Kiên Giang, Ninh Bình, Quảng Ninh và Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Nai...

[Giá xét nghiệm SARS-CoV-2: Test nhanh không quá 110.000 đồng]

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 9/11, tất cả các địa phương tiến hành tiêm chủng cho trẻ em đều tiêm an toàn, chưa có trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm. Hiện đã tiêm khoảng 850.000 liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em.

Bộ Y tế đang hướng tới bao phủ vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 100% trong quý 4/2021 và đầu năm 2022. Riêng về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em (dưới 18 tuổi), dựa trên khả năng cung ứng vaccine của nhà sản xuất. Vaccine tiêm cho trẻ em của các địa phương sẽ phân bổ theo đợt riêng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thống kê từ các địa phương có khoảng 9,4 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi thuộc đối tượng tiêm chủng vaccine COVID-19 trong đợt đầu tiên. Việt Nam sẽ cần khoảng 19 triệu liều vaccine cho nhóm đối tượng này nhưng hiện tại vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung.

Học sinh tại Hạ Long, Quảng Ninh được cấp chứng nhận đã tiêm vaccine. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Theo Phó giáo sư Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng ban điều hành chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, hiện nay Việt Nam mới chỉ định tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, trẻ dưới 12 tuổi chưa có chỉ định tiêm. Vaccine ngừa COVID-19 được Bộ Y tế cho phép sử dụng cho trẻ là Pfizer và Moderna.

Hiện nay, nhiều nước trên Thế giới cũng sử dụng vắc xin này tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi như Hoa Kỳ, Canada, EU, Nhật Bản...

Vaccine Pfizer tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi với liều lượng, đường tiêm, khoảng cách tiêm giống như với người từ 18 tuổi trở lên. Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21-28 ngày). Mỗi mũi tiêm 0,3ml, tiêm bắp.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian tới, khi các nhà sản xuất trên thế giới cũng như các quốc gia cho phép, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo cho những loại vaccine mới được phép sử dụng cho trẻ nhỏ hơn Bộ Y tế sẽ xem xét đồng thời sẽ có hướng dẫn cụ thể cho nhóm tuổi nhỏ hơn.

Những dấu hiệu cần lưu ý

Bác sỹ Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam khuyến cáo phụ huynh phải giải thích cho trẻ hiểu tầm quan trọng của tiêm vaccine COVID-19, cho trẻ ăn đầy đủ, không để trẻ bị đói khi đi tiêm. Cha mẹ cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của điểm tiêm, nếu đồng ý cho trẻ tiêm vaccine COVID-19 phải ký xác nhận phiếu đồng ý cho trẻ tiêm chủng.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lưu ý luôn phải có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm vaccine COVID-19. Không nên để trẻ uống rượu, bia, các chất kích thích và đặc biệt không để trẻ vận động mạnh, chơi thể thao ít nhất trong 3 ngày đầu sau tiêm vaccine.

Sau tiêm, phụ huynh cần thường xuyên đo thân nhiệt, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Trường hợp sốt dưới 38,5 độ C, bỏ bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước; không để trẻ nhiễm lạnh và đo lại nhiệt độ sau 30 phút.

Nếu thấy tại chỗ tiêm của trẻ có những dấu hiệu như sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ, phụ huynh phải theo dõi và nếu sưng to, nhanh cần đi khám ngay. Đặc biệt, trẻ không được bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

Theo bác sỹ Nguyệt, phụ huynh khi thấy trẻ có một trong các dấu hiệu dưới đây cần liên hệ ngay với Đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện (theo số điện thoại hoặc địa chỉ được điểm tiêm chủng cung cấp).

Đó là những biểu hiện, như ở miệng: Thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi. Ở da: Thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da. Ở họng: Có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó. Về thần kinh: Có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật. Về tim mạch: Có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất. Đường tiêu hóa: Có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy. Đường hô hấp: Có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.

Nắm vững các bước trong quy trình tiêm chủng

Sau sự cố tiêm nhầm vaccine Comirnaty của hãng Pfizer-BioNtech cho 18 cháu bé từ 02 đến 06 tháng tuổi, tại Trạm Y tế xã Yên Sơn (huyện Quốc Oai), Bộ Y tế đánh giá "vẫn còn một số địa phương, một số cơ sở tiêm chủng chưa thực hiện nghiêm các hướng dẫn trong tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng như trong tiêm chủng thường xuyên dẫn đến một số sai sót đáng tiếc xảy ra."

Tiêm chủng cho trẻ em tại Cung Thể thao Tiên Sơn (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng). (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng và chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, Bộ Y tế đã có đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện đúng các quy định về tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vaccine; tuân thủ đầy đủ các quy trình tiêm chủng.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh khi đưa trẻ đi tiêm chủng cần theo dõi và nắm vững các bước trong quy trình tiêm chủng để đồng hành cùng với nhân viên y tế, tránh những sự cố không đáng tiếc xảy ra.

Các quy trình trong khi tiêm chủng gồm: Trước tiêm, nhân viên y tế khám sàng lọc và tư vấn cho đối tượng tiêm chủng, thông báo về loại vaccine sẽ tiêm chủng cho trẻ và người giám hộ...

Trong quá trình tiêm: Thực hiện tiêm đúng chỉ định, đúng liều, đúng đường dùng, kiểm tra vaccine, dung môi và bơm tiêm, kim tiêm trước khi sử dụng; cho đối tượng tiêm chủng hoặc cha, mẹ, người giám hộ của trẻ xem lọ vaccine trước khi tiêm chủng…

Sau khi tiêm: Theo dõi phản ứng sau tiêm, bảo quản vaccine, vật tư tiêm chủng chưa sử dụng theo quy định; xử lý chất thải y tế sau tiêm… theo các quy định hiện hành.

Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát nhu cầu vaccine phòng COVID-19 những tháng cuối năm 2021 và xây dựng kế hoạch năm 2022 để tiêm cho người dân. Các địa phương cũng đồng thời rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn theo các nhóm tuổi từ 3-11 tuổi, 12-15 tuổi, 16-17 tuổi và đề xuất nhu cầu sử dụng vaccine cho những nhóm tuổi này.

Bộ Y tế đang xây dựng Kế hoạch sử dụng vaccine phòng COVID-19 năm 2022 và xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc mở rộng độ tuổi tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các quốc gia và các loại vắc-xin đã được cấp phép tại Việt Nam có chỉ định cho nhóm đối tượng trẻ dưới 12 tuổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục