Những lựa chọn của nước Anh thời hậu Brexit

Nước Anh sắp tổ chức một cuộc tổng tuyển cử quan trọng vào ngày 12/12, song vẫn chưa rõ liệu Brexit có xảy ra hay không, nếu có thì là khi nào và như thế nào.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tại thủ đô London ngày 29/10. (Nguồn: THX/TTXVN)
Thủ tướng Anh Boris Johnson tại thủ đô London ngày 29/10. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo Mạng tin aspistrategist.org, rất nhiều thời gian, công sức đã đổ vào việc đàm phán những điều khoản để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), và cũng nhiều lần mọi người phải thất vọng.

Nước Anh sắp tổ chức một cuộc tổng tuyển cử quan trọng vào ngày 12/12, song vẫn chưa rõ liệu Brexit có xảy ra hay không, nếu có thì là khi nào và như thế nào.

Tuy nhiên, giả sử rằng Anh vẫn rời EU thì chính phủ tiếp theo của Anh sẽ cần khởi động tiến trình dài đầy khó khăn để đàm phán về những mối quan hệ mới với phần còn lại của thế giới.

Trong tiến trình này, Anh sẽ cần đưa ra những lựa chọn khó khăn, một trong số những vấn đề gai góc nhất chính là liệu Anh có nên ràng buộc những quy định của mình với những quy định của EU hay Mỹ trong những lĩnh vực kinh tế chủ chốt hay không. Khi đó, Anh sẽ tiến tới đâu?

Thủ tướng Boris Johnson muốn Anh đạt được một thỏa thuận thương mại và đầu tư với Mỹ sau khi Brexit diễn ra. Dù sao chăng nữa, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Anh với tư cách là một quốc gia đơn lẻ và là nguồn (cũng như là điểm đến) đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Anh.

Tuy nhiên, để có được một thỏa thuận như vậy, Anh sẽ phải quyết định họ sẵn sàng ràng buộc những thể chế lập quy của mình với của Mỹ tới mức nào (như các công ty và các nhà đầu tư Mỹ mong muốn).

Việc gắn bó chặt chẽ hơn với Mỹ sẽ tạo ra những rào cản mới cho hoạt động trao đổi thương mại với EU, vốn là thị trường rộng lớn hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Anh. Hơn nữa, triển vọng Anh chấp nhận các tiêu chuẩn của Mỹ - ví dụ như về giá thuốc, môi trường, bảo vệ động vật và lương thực - hiện đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân Anh.

[Chủ tịch đắc cử EC khẳng định sự đoàn kết trong EU trong vấn đề Brexit]

Trong bối cảnh Anh đang chuẩn bị cho giai đoạn hậu Brexit, căng thẳng với Mỹ và EU có khả năng sẽ bùng phát trong hai lĩnh vực quan trọng khác. Đầu tiên là lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Năm 2018, lĩnh vực dịch vụ tài chính của Anh đóng góp 132 tỷ bảng cho nền kinh tế nước này, tương đương 6,9% tổng sản lượng của cả nước; tạo ra 1,1 triệu việc làm (chiếm 3,1% số việc làm ở Anh); và đóng khoảng 29 tỷ bảng tiền thuế (trong năm đóng thuế 2017-2018 của Anh). Lĩnh vực này cũng tạo ra 60 tỷ bảng giá trị hàng hóa xuất khẩu trong năm 2017 (còn nhập khẩu là 15 tỷ bảng).

Tuy nhiên, lĩnh vực dịch vụ tài chính cũng tạo ra những rủi ro lớn nếu không được điều tiết một cách phù hợp. Cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 đã làm giảm 7% sản lượng quốc gia của Anh, làm mất đi 1 triệu việc làm, khiến tiền lương giảm 5% và xuống dưới mức của năm 2007, đồng thời khiến hoạt động cho vay của ngân hàng phải ngừng lại. Mọi tầng lớp ở Anh (và phần đông phần còn lại của thế giới) đều cảm nhận được tác động khủng khiếp của cuộc khủng hoảng này.

Sau cuộc khủng hoảng, một ủy ban độc lập đã làm rõ việc cần cải cách các vấn đề lập quy để bảo vệ dân chúng Anh (và ví tiền của người dân) khỏi những hoạt động cho vay liều lĩnh của ngân hàng. Các nhà hoạch định chính sách ở EU và Mỹ cũng chấp nhận nhu cầu cần có những quy định chặt chẽ hơn nữa.

Nhưng ngày nay, Mỹ và châu Âu đang theo đuổi những cách tiếp cận rất khác nhau. Những nhà quản lý của EU tiếp tục củng cố những quy định đầy thận trọng và những yêu cầu về vốn (đặc biệt là đối với những ngân hàng rất lớn), và đang mở rộng phạm vi điều chỉnh để bao trùm mọi tài sản và lĩnh vực trong ngành công nghiệp dịch vụ tài chính.

Ngược lại, Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đang đảo ngược hướng đi. Chính quyền Trump bắt đầu hủy bỏ dần những phần cốt lõi của những quy định được nước này áp dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Chương trình nghị sự của chính phủ Mỹ hiện nay bao gồm: hạ thấp những yêu cầu về vốn, giảm độ khó của những cuộc kiểm định sức chịu đựng và "ý chí sống" của các ngân hàng, và cho phép thêm nhiều hoạt động mua bán độc quyền và các sản phẩm tài chính không được kiểm soát.

Những lựa chọn của nước Anh thời hậu Brexit ảnh 1Cờ Anh (phía trước) và cờ EU (phía sau) bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London ngày 19/10. (Nguồn: THX/TTXVN)

Mỹ cũng có ý định giảm bớt việc bảo vệ người tiêu dùng và các nhà đầu tư, giảm những quy định thận trọng đối với các ngân hàng lớn, giảm quy định đối các các tổ chức tín dụng phi ngân hàng và hệ thống ngân hàng trong bóng tối, giảm quỹ cung cấp cho hoạt động nghiên cứu và giám sát ngành công nghiệp tài chính, và áp dụng cách tiếp cận nới lỏng việc thực thi các luật về tài sản thế chấp.

Một số nhà đầu tư có thể sẽ được lợi lớn từ việc bãi bỏ dần các quy định về tài chính theo kiểu của Mỹ tại nước Anh, và sẽ tiếp tục thúc đẩy chính phủ Anh làm như vậy. Tuy nhiên, nhu cầu về lợi ích của họ được đặt trên cả sự an toàn tổng thể sẽ gây tổn hại tới những biện pháp lập quy khó khăn lắm mới có được, vốn đang bảo vệ người dân Anh khỏi việc lặp lại một cuộc khủng hoảng tài chính như năm 2007-2008. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới vị trí là trái tim tài chính châu Âu của London.

Tới nay, Anh đã có một cách tiếp cận mạnh mẽ đối với quy định tài chính và thực hiện các biện pháp vượt xa những gì được các nhà quản lý EU đề xuất. Các biện pháp đó bao gồm một cơ chế mới nhằm buộc các nhân viên cấp cao trong ngân hàng phải chịu trách nhiệm về quyết định của họ, quản lý chặt hoạt động bán lẻ của các ngân hàng để bảo vệ tiền gửi của khách hàng trước những cú sốc của hệ thống tài chính rộng lớn hơn. Và bởi đa số người dân Anh ủng hộ những biện pháp này nên chính phủ hậu Brexit có lẽ sẽ phải chần chừ trước việc làm suy yếu chúng.

Thách thức thứ hai đối với nước Anh sau khi Brexit diễn ra sẽ là việc đối phó với các công ty công nghệ lớn của Mỹ. Đầu năm 2019, một báo cáo của Quốc hội Anh đã cho rằng Facebook "cố tình và có chủ tâm vi phạm các luật bảo vệ dữ liệu cá nhân và luật cạnh tranh". Tuy nhiên, quy mô và tầm với toàn cầu của những công ty công nghệ lớn khiến cho bất kỳ chính phủ nào, ngoại trừ chính phủ Mỹ, có thể khó kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng tới họ.

EU hiện đang đi đầu trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, thông qua Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR). Và Ủy ban châu Âu (EC) đã cho thông qua một lập trường mạnh mẽ ủng hộ việc bảo vệ các hoạt động cạnh tranh lành mạnh và hạn chế sự thống trị thị trường của "những người khổng lồ" kỹ thuật số.

Tháng 3/2019, EC đã phạt Google 1,5 tỷ euro vì tội ngăn chặn các đối thủ trong thị trường quảng cáo trực tuyến- đây là lần thứ ba EU phạt công ty này vì vi phạm luật chống độc quyền. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ hết sức ủng hộ việc lưu thông tự do dữ liệu (điều mà các công ty công nghệ lớn của Mỹ mong muốn), và Tổng thống Trump đã nhanh chóng chỉ trích EC vì phạt Google.

Anh phụ thuộc rất nhiều và các công ty công nghệ toàn cầu lớn, tất cả đều thuộc Mỹ hoặc Trung Quốc, và do đó phải nỗ lực tìm cách quản lý các công ty này. Một khi Anh rời EU, Anh sẽ phải đối mặt với lựa chọn: hoặc chịu nhượng bộ dưới sức ép của Mỹ, hoặc phải tìm cách để áp dụng những quy định như của EU (bao gồm GDPR và Thỏa thuận bảo vệ dữ liệu EU-Mỹ).

Những người chủ trương ủng hộ Brexit tuyên bố rằng Anh có thể tạo ra "chiến lược toàn cầu" của riêng mình và làm mọi thứ "theo cách của Anh" sau khi rời khỏi EU. Ví dụ, năm 2016, Thủ tướng Theresa May nói rằng sau khi Brexit diễn ra, Anh sẽ nhờ cậy vào "những đồng minh kiên định" của mình để đàm phán một lựa chọn thay thế cho hệ thống định vị vệ tinh Galileo của EU.

Tuy nhiên, 3 năm sau, khi Tổng thống Trump nắm quyền điều hành Nhà Trắng và vị thế của Anh trên bàn đàm phán với EU đã suy yếu hơn, không rõ "những đồng minh kiên định" này là ai, và những thách thức khó khăn hơn nữa vẫn đang chờ đợi chính phủ Anh sau ngày 12/12./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục