Những lợi thế và rủi ro của đồng USD mạnh đối với kinh tế Mỹ

Việc đồng USD ngang giá với đồng euro cũng có mặt tích cực đối với người Mỹ: Đồng tiền mạnh hơn giúp giảm nhẹ lạm phát do một loạt hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ trở nên rẻ hơn
Những lợi thế và rủi ro của đồng USD mạnh đối với kinh tế Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đồng USD đã tăng mạnh đến mức có giá trị cao hơn đồng euro lần đầu tiên trong 20 năm. Xu hướng đó có nguy cơ gây tổn hại cho các công ty Mỹ vì nó khiến hàng hóa của họ trở nên đắt hơn đối với người mua nước ngoài. Một khi hoạt động xuất khẩu suy yếu, triển vọng nền kinh tế lớn nhất cũng bị đe dọa.

Tuy nhiên, việc đồng USD ngang giá với đồng euro cũng có mặt tích cực đối với người Mỹ: Đồng tiền mạnh hơn giúp giảm nhẹ lạm phát do một loạt hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ-bao gồm ôtô, máy tính, đồ chơi và thiết bị y tế - trở nên rẻ hơn. Đặc biệt, đồng USD mạnh lên cũng mang lại nhiều lợi ích cho những khách du lịch Mỹ tới châu Âu.

Đà tăng phi mã của đồng bạc xanh

Chỉ số đồng USD-được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với sáu loại ngoại tệ chính, đã tăng gần 12% từ đầu năm tới nay lên mức cao nhất trong hai thập kỷ. Trong khi đó, đồng euro có lúc không còn ngang giá với đồng USD.

Đà tăng giá của đồng USD chủ yếu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tăng lãi suất mạnh hơn so với các ngân hàng trung ương khác, với mục tiêu “hạ nhiệt” lạm phát vốn đã quanh mức cao nhất trong bốn thập niên. Việc Fed nâng lãi suất khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, qua đó thu hút các nhà đầu tư muốn tìm kiếm lợi nhuận cao hơn những kênh khác trên thế giới. Điều này làm tăng nhu cầu đối với chứng khoán định giá bằng đồng USD, rồi từ đó giúp đẩy giá trị của đồng USD lên cao.

Tâm lý tin tưởng của nhà đầu tư cũng góp phần tạo nên sự hấp dẫn của đồng bạc xanh. Theo giới quan sát, mặc dù có những lo ngại về một cuộc suy thoái tiềm ẩn, nhà đầu tư vẫn nhận định nền kinh tế Mỹ đang vững chắc hơn so với châu Âu.

Ở chiều ngược lại, đồng euro đã đi xuống phần lớn do nỗi lo ngày càng tăng rằng khu vực 19 quốc gia sử dụng đồng tiền này sẽ chìm vào suy thoái. Càng khiến tình hình tồi tệ hơn là cuộc chiến ở Ukraine  đã làm tăng giá dầu và khí đốt, qua đó gia tăng tổn thương đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp châu Âu.

Lo lắng của các doanh nghiệp

Không thể phủ nhận rằng sự mạnh lên của đồng USD đang làm phức tạp triển vọng vốn đã nhiều bất ổn của kinh tế Mỹ. Đồng bạc xanh mạnh lên khiến hàng hóa nước ngoài trở nên ít đắt hơn đối với người Mỹ và giảm bớt áp lực lạm phát. Nhưng mức giảm này không nhiều.

Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu thị trường Moody’s Analytics, tính toán rằng, việc đồng USD tăng 10% so với mức năm ngoái đã làm giảm lạm phát khoảng 0,4 điểm phần trăm. Mặc dù chuyên gia này gọi đó là một hiệu ứng “có ý nghĩa,” ông cũng lưu ý giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 6/2022 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1981.

Trong khi đó, một đồng USD mạnh hơn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các công ty Mỹ kinh doanh ở nước ngoài: nó làm xói mòn lợi nhuận của các công ty đa quốc gia vốn phụ thuộc lớn doanh số bán hàng quốc tế. Đồng USD mạnh khiến doanh thu nước ngoài của họ có giá trị thấp hơn khi quy đổi sang USD. Ví dụ, Microsoft vào tháng trước đã hạ triển vọng thu nhập cho giai đoạn từ tháng 4 - 6/2022 do “biến động tỷ giá hối đoái không thuận lợi.”

Tệ hơn nữa, đồng USD mạnh khiến các sản phẩm do Mỹ sản xuất trở nên đắt hơn ở thị trường nước ngoài, đồng thời mang lại lợi thế về giá cho các sản phẩm nước ngoài tại Mỹ.

Chuyên gia Zandi chỉ ra rằng một đồng USD mạnh sẽ đè nặng lên tăng trưởng kinh tế vì nó dẫn đến giảm xuất khẩu, tăng nhập khẩu và từ đó khiến thâm hụt thương mại mở rộng hơn.

Một ước tính cho thấy thâm hụt thương mại gia tăng đã lấy đi 3,2 điểm phần trăm từ tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong giai đoạn từ tháng 1-3/2022. Đó là lý do chính khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý đầu tiên của năm nay giảm 1,6%.

Các nhà kinh tế cũng cho rằng nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái đang lớn dần khi Fed tăng chi phí đi vay và người tiêu dùng cạn kiệt khoản tiết kiệm mà họ tích cóp được trong đại dịch.

Khách du lịch hưởng lợi

Trên một phương diện khác, tỷ giá hối đoái ngang bằng với đồng euro có nghĩa là đồng USD của khách du lịch sẽ có sức nặng hơn khi mua sắm ở nước ngoài, đặc biệt là tại châu Âu.

Những lợi thế và rủi ro của đồng USD mạnh đối với kinh tế Mỹ ảnh 2Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tính tới ngày 12/7, 1 euro đổi được khoảng 1,01 USD - giảm 11% so với mức gần 1,13 USD đổi 1 euro vào đầu năm và giảm 15% so với mức gần 1,19 USD đổi 1 euro cách đây một năm. Nói cách khác, người dân Mỹ đang được hưởng mức chiết khấu tới 15% so với mùa Hè năm ngoái nếu họ du lịch tại châu Âu.

Ngay cả những thay đổi tỷ giá hối đoái nhỏ cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong chi tiêu trong kỳ nghỉ. Ví dụ về chi phí cho khách sạn, đây thường là một trong những khoản cần ngân sách lớn nhất cho bất kỳ chuyến đi nào. Một trong những khách sạn nổi tiếng ở Paris, Hotel Paradiso, cung cấp các phòng nghỉ với giá khởi điểm 176 euro một đêm.

[Tỷ giá euro so với USD lần đầu giảm xuống dưới 1 trong gần 20 năm]

Một năm trước với tỷ giá hối đoái 1,2 USD đổi một euro, mức phí mà du khách Mỹ cần bỏ ra sẽ là 211 USD mỗi đêm. Ngày nay, họ chỉ phải chi 176 USD cho một đêm. Mức tỷ giá có lợi đó đến vào một thời điểm rất quan trọng: Lạm phát cao liên tục ở cả Mỹ lẫn các nước khác trên thế giới đã khiến việc đi du lịch tới bất cứ đâu trở nên đắt đỏ hơn.

Theo Chỉ số giá du lịch do Hiệp hội Lữ hành Mỹ tổng hợp, chi phí cho các hạng mục như vé máy bay, chỗ ở, giải trí và ăn uống tại nội địa đã tăng gần 19% trong tháng 5/2022 so với cùng thời điểm năm 2019.

Trong khi đó, nhu cầu đi du lịch quốc tế của người Mỹ dường như đang tăng lên do các yếu tố như việc các nước hủy bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 gần đây, cũng như việc dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên máy bay.

Theo khảo sát tháng Sáu của công ty nghiên cứu thị trường du lịch Destination Analysts, khoảng 34% du khách Mỹ có khả năng đi du lịch nước ngoài trong năm nay, tăng 6 điểm phần trăm chỉ trong vòng một tháng. Khi du khách được yêu cầu liệt kê các điểm đến nước ngoài mà họ muốn đến nhất trong 12 tháng tới, các điểm đến ở châu Âu chiếm 6 trong số 10 vị trí được nhiều người lựa chọn nhất.

Báo cáo của công ty chuyên về đặt chỗ du lịch trực tuyến Expedia cũng cho thấy, lượng tìm kiếm chuyến bay đến một số điểm đến hàng đầu ở châu Âu đã tăng hai con số trong giai đoạn từ ngày 3-11/7 so với tuần trước đó. Các lượt tìm kiếm các chuyến bay Paris và Frankfurt đều tăng 25%, trong khi sự quan tâm đến Brussels và Amsterdam tăng 20% và Dublin là 15%.

Điều đáng chú ý là đồng USD có thể tiếp tục quỹ đạo đi lên của mình.

Bà Cailin Birch, nhà kinh tế toàn cầu tại bộ phận phân tích, dự báo và tư vấn rủi ro EIU thuộc Tập đoàn The Economist cho biết hiện không có lý do gì để xu hướng đó đảo ngược, ngay cả khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Chuyên gia này nhận định một đồng USD mạnh sẽ tiếp tục hiện diện trong vài quý tới.

Thậm chí, nhận định đồng euro giảm xuống dưới mức tương đương với đồng USD đã trở thành hiện thực trong ngày 13/7 khi 1 euro có lúc chỉ đổi được 0,9998 USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục