Những lợi ích chung giúp quan hệ Việt Nam-Malta ngày càng phát triển

Nhiều năm qua, Malta và Việt Nam đã xác định được những điểm tương đồng và lợi ích chung, giúp hai nước hợp tác trên nhiều lĩnh vực vì lợi ích của người dân hai nước.

Những lợi ích chung giúp quan hệ Việt Nam-Malta ngày càng phát triển

Năm 2024, Việt Nam và Malta kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (14/1/1974-14/1/2024).

Nhân dịp này, Đại sứ Malta tại Việt Nam, John Busuttil, đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại châu Âu về ý nghĩa sự kiện, cũng như những thành tựu hai bên đã đạt được và triển vọng hợp tác trong thời gian tới.

Về thành tựu quan hệ hợp tác giữa Malta và Việt Nam trong 50 năm qua, Đại sứ Busuttil cho rằng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là một cột mốc thực sự đáng chú ý và là dịp để hai nước nhìn lại những thành tựu trong 5 thập kỷ qua nhằm vạch ra tốt hơn tiến trình của tình hữu nghị đầy hứa hẹn giữa hai nước trong nhiều thập kỷ tới.

Theo Đại sứ Busuttil, mối quan hệ song phương đã phát triển khi cả hai nước đều tạo ra được những vai trò mới cho mình trong cộng đồng quốc tế qua những thời kỳ thay đổi sâu sắc về chính trị, xã hội và công nghệ.

Thế giới hiện nay rất khác so với năm 1974. Tuy nhiên, những nguyên tắc cốt lõi giúp hai nước xây dựng mối quan hệ này vẫn không thay đổi.

Bất chấp khoảng cách địa lý, trong nhiều năm qua, Malta và Việt Nam đã xác định được những điểm tương đồng và lợi ích chung, giúp hai nước hợp tác trên nhiều lĩnh vực vì lợi ích của người dân hai nước.

Trong lĩnh vực song phương, Malta và Việt Nam đã ký các thỏa thuận liên quan đến các lĩnh vực thương mại, kinh tế, tài chính và khoa học.

Malta luôn sẵn sàng cùng Việt Nam khám phá những con đường hợp tác mới và đa dạng nhằm phát triển sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau và gắn kết chung.

Bên cạnh tình hữu nghị song phương ngày càng phát triển, hai nước cũng chứng kiến mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam, cũng như sự hợp tác ngày càng rộng rãi giữa EU và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã trở thành trung tâm của sự ổn định và an ninh toàn cầu, đồng thời lợi ích của các quốc gia và khu vực ngày càng gắn kết với nhau, qua đó giúp gắn kết hai nước hơn nữa.

Trong lĩnh vực đa phương, hai nước đã phát triển cam kết chung trong việc theo đuổi hòa bình và thịnh vượng.

Việc cả hai nước đều tham gia Liên hợp quốc đã làm nổi bật những mục tiêu này, nêu bật tính năng động và linh hoạt với tư cách là thành viên của cộng đồng quốc tế, đồng thời khiến Malta và Việt Nam kiên cường hơn trước những thách thức toàn cầu, từ biến đổi khí hậu đến ổn định kinh tế.

Cuộc gặp vào năm 2018 giữa nguyên Ngoại trưởng Malta Carmelo Abela và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam khi đó là ông Phạm Bình Minh, bên lề Phiên họp lần thứ 37 của Hội đồng Nhân quyền và Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 73, đã nêu bật tầm quan trọng của khía cạnh đa phương trong mối quan hệ song phương.

Trong 50 năm qua, Malta và Việt Nam đều có những lo ngại sâu sắc về tác động an ninh của biến đổi khí hậu, trong đó có cả những tác động liên quan đến mực nước biển dâng. Cả hai nước đã tổ chức các sự kiện về chủ đề này trong các nhiệm kỳ tương ứng của mình tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Malta dự định tiếp tục ưu tiên tập trung vào chủ đề này trong và ngoài nhiệm kỳ hiện tại của mình tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Về những ưu tiên trong quan hệ của Malta với Việt Nam, Đại sứ Busuttil cho biết ở cấp độ song phương, Malta mong muốn tìm hiểu sâu hơn các con đường hợp tác thương mại với Việt Nam - một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và đã thể hiện khả năng phục hồi vượt trội - ngay cả trong những giai đoạn khó khăn lớn như đại dịch COVID-19.

Sự tăng trưởng nhất quán, tính linh hoạt và bí quyết trong lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế khiến Việt Nam trở thành đối tác hấp dẫn và Malta ngày càng nhận thức được tiềm năng thương mại của mối quan hệ này.

Ngoài ra, Malta cũng nhận thấy nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực như giáo dục và sản xuất tiên tiến.

Malta có thể cung cấp cho Việt Nam sự hỗ trợ trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ và trong các lĩnh vực chuyên ngành như luật hàng hải quốc tế.

Malta đảm bảo rằng vẫn luôn cởi mở với các sáng kiến mới nhằm tăng cường tương tác giữa các đối tác thương mại.

Ở cấp độ đa phương, Malta hiện đang giữ chức thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2024, với 4 lĩnh vực ưu tiên là Trẻ em và xung đột vũ trang; Khí hậu và đại dương (tập trung vào mực nước biển dâng); Phụ nữ, hòa bình và an ninh; và Sự biết chữ.

Lợi ích của Malta và Việt Nam đặc biệt liên kết chặt chẽ trong lĩnh vực Khí hậu và đại dương.

Giống như Malta, Việt Nam là nước ủng hộ tích cực các cuộc thảo luận về khí hậu và an ninh. Điều này được minh họa bằng việc Việt Nam tổ chức hội nghị không chính thức của các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về mực nước biển dâng vào ngày 18/10/2021.

Nhân dịp này, Việt Nam nhấn mạnh thực tế là hơn 70% số người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mực nước biển dâng trên toàn cầu sống ở châu Á.

Trong thời gian là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Malta sẽ cố gắng tiếp tục nêu bật mối đe dọa hiện hữu mà biến đổi khí hậu gây ra, đặc biệt là trong bối cảnh mực nước biển dâng cao, đe dọa các thành phố ven biển, các quốc đảo nhỏ và các quốc gia đang phát triển.

Tiếng nói của những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng phải được lắng nghe và những mối quan ngại cũng như thực tế của họ phải được Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế giải quyết thỏa đáng.

Về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, cả trong lĩnh vực song phương và đa phương, Đại sứ Busuttil nhấn mạnh rằng mặc dù các cơ hội thương mại và các mối quan ngại liên quan đến biến đổi khí hậu có thể định hình mối quan hệ Malta-Việt Nam ở cấp độ song phương và đa phương, nhưng hai nước không được bỏ qua khía cạnh khu vực và liên khu vực.

Ví dụ, mối quan hệ giữa EU và Việt Nam đã vượt ra ngoài phạm vi thương mại kể từ khi thành lập vào năm 1990 để phát triển sang các vấn đề an ninh, được minh họa bằng việc ký kết Thỏa thuận tham gia khung năm 2019 nhằm tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng song phương trong nhiều năm tới.

Bên cạnh đó, mối quan hệ song phương còn mở rộng sang các vấn đề liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh, được thể hiện qua Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (hoặc JETP), đã được nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN năm 2022.

Mối quan hệ hợp tác này đặt nền tảng cho việc EU tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.

JETP sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu Net Zero 2050, chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.

Cả về mặt song phương và với tư cách là thành viên ASEAN, Việt Nam đã phát triển để trở thành một đối tác quan trọng trong tầm nhìn khu vực của EU.

Diễn đàn Bộ trưởng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần thứ ba sắp tới, sau đó là Hội nghị Bộ trưởng EU-ASEAN, sẽ mang đến cơ hội vô cùng quý giá để mở rộng và củng cố đối thoại, hợp tác giữa các khu vực và giữa các đối tác.

Khi các mục tiêu của EU và ASEAN ngày càng phù hợp, Đại sứ Busuttil tin chắc rằng EU và Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác vì sự phát triển tốt đẹp hơn của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như vì hòa bình và thịnh vượng toàn cầu.

Ví dụ, trong các lĩnh vực như kết nối, hành động về khí hậu, phát triển bền vững và tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, EU có thể có tác động mạnh mẽ và có lợi cho khu vực.

Malta vui mừng ghi nhận những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các yếu tố này trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là xét đến tầm quan trọng của an ninh khí hậu đối với các ưu tiên của Malta trong nhiệm kỳ thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, EU sẽ cố gắng lắng nghe nhu cầu và mối quan tâm của các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như Việt Nam để phát triển tầm nhìn cho tương lai gắn kết, hướng tới tương lai và cùng có lợi.

Để quan hệ song phương tiếp tục phát triển trong thời gian tới, Đại sứ Busuttil cho rằng hai nước cần phát huy những thế mạnh cốt lõi chung.

Năm nay, Malta dự định tổ chức một số sự kiện tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh Malta vào tháng 9.

Đại sứ Busuttil nhấn mạnh trong năm qua, Việt Nam đã thể hiện kỹ năng ngoại giao mẫu mực của mình thông qua sự linh hoạt và sáng tạo, củng cố và làm sâu sắc thêm tình hữu nghị trong và ngoài khu vực mà không xa lánh hay bỏ mặc các đối tác hiện có, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, trong khi đối phó với các chủ thể toàn cầu đa dạng.

Malta cũng thúc đẩy chính sách ngoại giao thích ứng và đổi mới, đồng thời ngày càng tìm cách đa dạng hóa quan hệ đối tác.

Một trong những mục tiêu của Malta là xác định các mẫu số chung trong nỗ lực giải quyết cả những thách thức hiện tại và mới nổi, từ biến đổi khí hậu đến an ninh kinh tế, những vấn đề ngày càng mang tính chất xuyên quốc gia.

Đối thoại và can dự, cả song phương và đa phương, thông qua các tổ chức như EU, ASEAN và Liên hợp quốc, sẽ rất cần thiết để thúc đẩy những nỗ lực này.

Việc nâng cao lòng tin và tăng cường ý chí chính trị giữa các quốc gia sẽ là chìa khóa cho sự tiến bộ trong cả quan hệ song phương và đa phương của Malta và Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục