Những lo ngại xung quanh Quỹ Hòa bình châu Âu của Liên minh châu Âu

Quỹ Hòa bình châu Âu sẽ tạo điều kiện để EU cung cấp viện trợ quân sự cho các nước đối tác và là nguồn tài chính để triển khai các nhiệm vụ quân sự của mình ở nước ngoài.
Những lo ngại xung quanh Quỹ Hòa bình châu Âu của Liên minh châu Âu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: eu4health.eu)

Theo trang tin Euractiv.com, bất chấp những lời chỉ trích từ các nhà lập pháp châu Âu và các nhóm vận động chính sách, Liên minh châu Âu (EU) đã cho thông qua Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF) trị giá 5 tỷ euro do Pháp làm trung gian.

Điều này sẽ tạo điều kiện để EU cung cấp viện trợ quân sự cho các nước đối tác và là nguồn tài chính để triển khai các nhiệm vụ quân sự của mình ở nước ngoài.

Mục đích của EPF

Với EPF, EU cho biết họ muốn “giúp đỡ các nước đối tác tốt hơn,” thông qua hỗ trợ các hoạt động gìn giữ hòa bình và hỗ trợ “tăng cường khả năng của các lực lượng vũ trang để đảm bảo hòa bình và an ninh trên lãnh thổ của mình.”

Bên cạnh đó, EU dự định sẽ sử dụng số tiền này để tài trợ cho các sứ mệnh và hoạt động của liên minh theo Chính sách An ninh và Quốc phòng chung của EU (CSDP), cũng như cơ sở hạ tầng và thiết bị quân sự cho các nước đối tác, như vũ khí và đạn dược cỡ nhỏ.

Ông Augusto Santos Silva, Bộ trưởng Ngoại giao Bồ Đào Nha - nước đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên EU, cho biết trong một tuyên bố rằng “EPF sẽ cho phép liên minh hỗ trợ các nước đối tác của mình trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung.”

[Mỹ và EU chia sẻ nhận thức chung trong quan hệ với Trung Quốc và Nga]

Tuyên bố nhấn mạnh các biện pháp hỗ trợ có thể bao gồm cung cấp thiết bị, cơ sở hạ tầng hoặc hỗ trợ liên quan đến quân sự và quốc phòng, theo yêu cầu của các nước thứ ba hoặc các tổ chức khu vực hoặc quốc tế.

Về phần mình, nghị sỹ David McAllister, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện châu Âu, nêu rõ: “EPF sẽ lấp đầy khoảng trống về năng lực hành động đối ngoại của EU. Nó tạo ra một công cụ duy nhất để cung cấp tài chính toàn diện cho tất cả Chính sách Đối ngoại và An ninh chung của EU (CFSP) trong các lĩnh vực quân sự và quốc phòng.”

Theo ông McAllister, điều này sẽ cho phép EU “linh hoạt hơn, tăng cường hỗ trợ cho các sứ mệnh CSDP và các hoạt động hỗ trợ hòa bình do các đối tác của EU thực hiện nhằm hỗ trợ các mục tiêu an ninh chung.”

EU cũng cho rằng EPF là cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện của EU tại ba quốc gia châu Phi một cách hiệu quả hơn và cho phép khối này đóng góp vào các nỗ lực gìn giữ hòa bình ở những nơi khác trên thế giới.

Cho đến nay, EU chỉ hỗ trợ cho các hoạt động ở châu Phi thông qua Quỹ Hòa bình châu Phi, vốn đã tài trợ cho các hỗ trợ an ninh và các hoạt động quân sự khác ở các nước châu Phi, trong đó có Somalia và khu vực Sahel.

Như vậy, với việc thông qua EPF, EU muốn “mở rộng phạm vi địa lý của mình” bằng cách đóng góp vào việc “tài trợ cho các hoạt động hỗ trợ quân sự hòa bình và các biện pháp hỗ trợ cho các đối tác ở bất kỳ đâu trên thế giới.”

Đây cũng là cơ chế đầu tiên của EU cho phép liên minh này gửi viện trợ và thiết bị quân sự đến khắp nơi trên thế giới.

Những vấn đề xung quanh EPF

Tuy nhiên, việc EU chi tiền cho vũ khí là một vấn đề nhạy cảm đối với một số quốc gia thành viên, đặc biệt khi nó liên quan đến các quốc gia có lịch sử bất ổn chính trị và vi phạm nhân quyền.

Một số nhà lập pháp EU tại Nghị viện châu Âu đã không ủng hộ sáng kiến này, nhấn mạnh rằng cần phải đưa ra khuôn khổ để tuân thủ.

Nghị sỹ EU Hannah Neumann, người phát ngôn chính sách đối ngoại của Đảng Xanh trong Nghị viện châu Âu, cho biết: “Với EPF, EU sẽ có thể xuất khẩu vũ khí sát thương trên toàn cầu, bao gồm cả các khu vực xung đột. Xuất khẩu vũ khí có thể 'đổ thêm dầu vào lửa' trong các cuộc xung đột quân sự; vũ khí và đạn dược gây sát thương có thể rơi vào tay kẻ xấu và một khi đã được giao thì không thể lấy lại.”

Các nhóm vận động chính sách và các chuyên gia cũng đã chỉ trích gay gắt EPF, với một số tổ chức phi chính phủ đã nêu rõ nguy cơ vũ khí và thiết bị do EU cung cấp cuối cùng có thể bị các "chính phủ độc tài" sử dụng để trấn áp bất đồng nội bộ.

Giuseppe Famà, người phụ trách về các vấn đề EU tại Tổ chức nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế ở Brussels, phát biểu: “Những thiết bị như vậy vẫn có thể bị lạm dụng để gây thêm bạo lực, vì chính phủ của các quốc gia yếu thường có hệ thống quản lý và điều hành kém để xử lý vấn đề. EU không nên cung cấp thiết bị sát thương cho các quốc gia yếu kém, thay vào đó nên ưu tiên các biện pháp hỗ trợ khác. EU cũng nên định hình các biện pháp can thiệp của mình trong các chiến lược chính trị với ưu tiên là cải cách quản trị, hòa giải và khôi phục cấu trúc xã hội.”

Trên trang mạng của mình (paxforpeace.nl), PAX - một tổ chức hoạt động nhằm mục đích thúc đẩy hòa bình trên thế giới, đã bày tỏ quan ngại sâu sắc rằng EPF sẽ không thể giải quyết được những nguyên nhân sâu xa gây ra xung đột và có thể khiến các cuộc xung đột hiện nay trở nên tồi tệ hơn.

Anna Timmerman, Tổng giám đốc của PAX, nói: "Có những rủi ro thực sự liên quan tới việc huấn luyện và trang bị cho các lực lượng an ninh ở những khu vực xung đột. Là một tổ chức làm việc với những con người bị ảnh hưởng bởi xung đột trên khắp thế giới, chúng tôi đã chứng kiến các hoạt động này thường làm xung đột leo thang như thế nào, và có thể dẫn tới các cuộc tấn công nhằm vào dân thường. EU và các quốc gia thành viên phải khẩn trương đưa ra những biện pháp để giảm thiểu những rủi ro này."

Các điều kiện của EPF rất thiếu minh bạch, cơ hội để xã hội dân sự được xem xét kỹ về đề xuất này rất hạn chế. EU phải ưu tiên bảo vệ dân thường, coi trọng sự tham gia của xã hội dân sự và có các biện pháp giảm thiểu các rủi ro mà EPF mang lại.

Rosie Ball, Cố vấn về các vấn đề liên quan tới EU tại PAX, nói: "Việc huấn luyện và trang bị cho các lực lượng an ninh ở nước ngoài là một hoạt động nguy hiểm, thường khiến các động lực thúc đẩy xung đột trở nên tồi tệ hơn và có thể 'góp phần' gây ra những vụ lạm dụng dân thường. Mặc dù một số quốc gia thành viên EU đã có những bước đi nhằm giảm bớt những rủi ro do EPF gây ra, song chúng tôi vẫn lo ngại về điều này, và nó có thể làm suy yếu nỗ lực xây dựng hòa bình, trung gian hòa giải và các hoạt động nhân quyền khác của EU."

PAX kêu gọi EU cần có những bước đi để giảm thiểu rủi ro làm leo thang xung đột, hợp tác với các xã hội dân sự và phản ứng nhanh chóng trước mọi cáo buộc về các hoạt động lạm dụng liên quan tới EPF trong tương lai.

Nếu đúng như tên gọi, EPF không được phép gây tổn hại tới dân thường hay làm thổi bùng lên các xung đột./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục