Hát ru là loại hình nghệ thuật dân gian, một thể loại dân ca cổ truyền, một hiện tượng âm nhạc dân gian đặc sắc trong văn hóa dân gian Việt Nam.
Hát ru chứa đựng những giá trị văn hóa cao quý, tạo dựng nên một không gian văn hóa và góp phần hình thành, nuôi dưỡng nhân cách, năng khiếu, tâm hồn và thái độ ứng xử của con người.
Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những làn điệu hát ru mang vẻ đẹp riêng của mình.
Trong số đó, dân tộc Tày ở miền núi phía Bắc Việt Nam nói chung và người Tày ở xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, Bắc Kạn nói riêng còn lưu giữ được nhiều làn điệu hát ru độc đáo cả về âm điệu và ca từ, thể hiện đời sống văn hóa, tinh thần phong phú của bà con.
Suốt những năm tháng đầu đời, trẻ được tắm mình trong các điệu hát ru êm dịu từ tất cả những người lớn trong gia đình.
Những lời ru đầu tiên trẻ được nghe trong đời là trong lễ đầy tháng tuổi của mình.
Những lời ru đó là lời cầu chúc cho cháu bé sự bình an, hay ăn chóng lớn từ người thân hai bên gia đình nội, ngoại, chứ không chỉ nhằm mục đích để dỗ ngủ như hát ru thông thường.
"Ru em … em ngủ/Ngủ ngon ngủ say/Đương say em hãy lặng lắng nghe/Ngày lành địu em đi bán khóc/Để từ nay về sau em được bình an/Được ăn, ở an nhàn mãi mãi/Em ngủ võng ông ngoại mang đến/Được cõng trên địu, tã của ông bà nội cho/Hôm nay thật vui vẻ em ơi/Cả nội ngoại được mời về mừng/Mọi người đọc thơ ca chúc mừng/Chúc cho cháu ông bà mau lớn/Mỗi ngày cháu lớn như ngọn đa/Mỗi ngày cháu cao như ngọn trám/Ba tháng cháu biết lẫy dưới chăn/Sáu tháng cháu vịn phên (nhà) đứng dậy/Tròn tuổi cháu đứng dậy biết đi/Chúc cho cháu ở ngoan mãi mãi…"
Ngoài hình ảnh mẹ ru con rất thân thuộc, trong các bản người Tày, còn có thể bắt gặp các bà, dì, cô, thím, chị ru em. Không chỉ phụ nữ, đàn ông người Tày cũng biết hát ru, ông ru cháu, bố ru con, anh ru em.
[Lễ đón Bằng ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái]
Trong đời sống văn hóa Tày, tiếng hát ru được cất lên ở bất kỳ đâu, từ không gian trong nhà đến ngoài trời.
Ngoài sân, tiếng vịt, tiếng gà kêu tìm bạn, tiếng chó sủa nhóc nhách xa xa... Còn trong ngôi nhà sàn, không khí tĩnh lặng, yên bình, âm thanh tiếng nôi đưa kẽo kẹt và tiếng hát ru dịu dàng, khoan thai.... tất cả như một bản hòa ca những thanh âm của đời sống, tưới tắm tâm hồn trẻ:
"Ứ noọng nòn/Nòn đắc noọng nòn đí/Nòn tắng pí au qua/Nòn tắng a au luổm/Luổm lầu đảy sloong boóc/Nốc choóc đảy sloong tua."
Tạm dịch: "...Ư... em ngủ/ Ngủ say em ngủ ngoan/Ngủ đợi chị lấy dưa/Ngủ đợi cô bắt muỗm/Muỗm to được hai ống/Chim sẻ được hai con."
Lời ru vừa ngọt ngào, vừa đưa đẩy, dỗ dành đưa trẻ vào giấc ngủ êm đềm.
Khúc hát ru Tày còn phản ảnh chân thực cuộc sống lao đông, sản xuất của người Tày qua âm điệu du dương:
"… Muỗm tơ được đầy hai vạt áo/Muỗm to được hai ống/Chim sẻ được bảy con/Một con đi giặt tã/Một con đi nhuộm chỉ/Một con đi đun lửa chờ mẹ về/Một con thì tha thẩn rong chơi/Một con lùa trâu bò vào chuồng/Một con ngồi trước sàn học bài/Một con đi đưa nôi em ngủ…"
Câu hát nhẹ nhàng, êm ái, lắng đọng, tưởng như kể chuyện bâng quơ ấy lại hàm chứa một cách tự nhiên đời sống văn hóa sinh hoạt của người Tày.
Các gia đình người Tày xưa thường đông con cháu, vì thế mỗi đứa trẻ đều đảm nhận một việc: người giặt tã, nhuộm chỉ, chăn trâu; người nhóm bếp, học bài, đứa thì đưa nôi ru em, đứa thì chơi đùa, còn em bé nhất thì nằm trong nôi.
Những lời ru cổ xưa của người Tày rất tinh tế, dí dỏm vừa hợp với tư duy trẻ thơ, vừa phản ánh khá rõ nét, cụ thể về cuộc sống lao động, sản xuất của người dân như trồng bông dệt vải, chăn trâu, làm đồng...
Các em nhỏ lớn lên trên lưng mẹ, lưng bà gắn liền với tiếng ru ạ ời thể như dòng sữa nuôi dưỡng tâm hồn, gieo vào tâm thức trẻ thơ những hạt giống tốt lành.
Làn điệu hát ru của người Tày ở Bắc Kạn được truyền miệng lại từ xa xưa. Những đứa trẻ nghe nhiều rồi tự thấm, tự thuộc. Thế hệ này lớn lên lại hát ru các thế hệ kế tiếp.
Điệu hát ru như mạch nguồn tự nhiên chảy trong tâm hồn của mọi người Tày, góp phần bồi dưỡng nên nhân cách, tâm hồn cao đẹp, yêu quê hương, yêu lao động của tộc người Tày trong suốt tiến trình lịch sử.
Những gì còn hiện hữu trong hát ru của người Tày ở Bắc Kạn cho đến ngày nay là sự kết tinh, thành quả của quá trình chọn lọc, tiếp thu, phát triển những yếu tố lành mạnh, tích cực của cả cộng đồng trong quá trình phát triển.
Bắt nguồn từ nhu cầu của người mẹ là dỗ con ngủ, ban đầu chỉ là những câu ngân không lời, được tiếp thu, phát triển lên thành những câu hát, bài hát hoàn chỉnh.
Trong hát ru của người Tày có âm hưởng của phong slư, có âm hưởng của lượn cọi, nếu nghe thầy pụt hát lại có âm hưởng của pụt … điều đó làm tăng thêm tính đa dạng làn điệu, hình thức, nội dung thể hiện, làm giàu thêm vốn di sản văn hóa quý báu này./.