Tổng thống Donald Trump sẽ thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ từ ngày 20-27/5.
Với các chặng dừng chân tại Saudi Arabia, Israel, Italy và Bỉ, Tổng thống Trump sẽ gặp các nhà lãnh đạo những nước đến thăm, tiếp kiến Đức Giáo hoàng Francis tại Tòa thánh Vatican, tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7).
Giới phân tích kỳ vọng qua chuyến công du 8 ngày này, Tổng thống Trump sẽ thể hiện rõ hơn chính sách đối ngoại của chính quyền mới, đặc biệt về tiến trình hòa bình Trung Đông, việc đóng góp cho ngân sách hoạt động của NATO hay vấn đề bảo hộ thương mại...
Bối cảnh chuyến đi khá đặc biệt khi Tổng thống Trump đang gây ra sự chia rẽ trên chính trường Mỹ với quyết định sa thải Giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI) James Comey và việc ông bị cáo buộc tiết lộ thông tin tình báo mật cho phía Nga.
Với Trung Đông, ông Trump đã thể hiện một sự khác biệt rõ ràng so với các chính quyền tiền nhiệm khi ông lựa chọn khu vực này là điểm đến đầu tiên của mình trên cương vị ông chủ Nhà Trắng.
Hầu hết các đời tổng thống Mỹ đều chọn Mexico hoặc Canada là điểm dừng chân trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức.
Cũng chưa có tổng thống Mỹ nào thăm Israel trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Vì thế, sự lựa chọn này của ông Trump được nhìn nhận là nhằm củng cố quan hệ đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông trong nhiều thập niên qua.
Ngoài ra, ông Trump cũng muốn chuyến thăm này sẽ có tác dụng thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông hiện đang bị bế tắc, xúc tiến giải quyết cuộc xung đột giữa người Israel và Palestine.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn Saudi Arabia là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du được nhìn nhận là nhằm xóa bỏ suy nghĩ lâu nay của dư luận về việc ông Trump chủ trương chống Hồi giáo.
[Mỹ, Saudi Arabia sẽ ký nhiều thỏa thuận nhân chuyến thăm của ông Trump]
Trên thực tế, bất chấp chính sách xa lánh thế giới Hồi giáo mà ông Trump theo đuổi trong chiến dịch tranh cử cũng như lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân các quốc gia Hồi giáo, dường như các chính phủ Arab dòng Sunni vẫn hoan nghênh ông và ủng hộ các chính sách cứng rắn của ông đối với Iran.
Chuyến thăm cũng là một thông điệp gửi tới Iran, nước lâu nay vẫn là “cái gai” trong đánh giá của giới hoạch định chính sách Washington, đồng thời là đối thủ truyền kiếp của Saudi Arabia và Israel.
Có tin nói rằng nhiều khả năng ông Trump sẽ đề cập đến kế hoạch thành lập một "NATO của thế giới Arab” nhằm dẫn dắt cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, đồng thời đẩy lùi những thế lực hậu thuẫn cho Iran.
Giới chức Nhà Trắng cho biết các cuộc thảo luận về việc hình thành một liên minh quân sự của thế giới Arab đã được Mỹ và Arab Saudi tiến hành kể từ khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11/2016.
Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề về cơ cấu tổ chức của liên minh này cần được xác định rõ, trong đó bao gồm cả vai trò của Iran trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ngoài ra, thách thức lớn nhất của liên minh này là liệu các nước có tìm được tiếng nói chung hay không.
Trong quan hệ với NATO, lập trường của Tổng thống Trump đã có nhiều thay đổi trong thời gian qua.
Tháng trước, chính Tổng thống Trump đã nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của NATO, trong khi chỉ cách đó ít lâu, ông đã có những phát biểu coi liên minh này là một cấu trúc lỗi thời trong cuộc chiến chống khủng bố và không có khả năng yêu cầu các nước thành viên châu Âu tăng chi tiêu cho quốc phòng để san sẻ gánh nặng tài chính với Mỹ.
Thậm chí mới đây, ông còn khẳng định sẽ sát cánh cùng NATO trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Mặc dù không còn coi NATO là một tổ chức lỗi thời nữa, song không rõ liệu ông Trump có hiểu được cơ chế hoạt động của tổ chức này hay không.
Vì vậy, dư luận hoài nghi và chờ đợi những thể hiện của ông chủ Nhà Trắng tại hội nghị thượng NATO lần này.
Chủ đề được quan tâm tại Hội nghị thượng đỉnh G7 với sự tham dự lần đầu tiên của Tổng thống Trump là vấn đề bảo hộ thương mại.
Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết,” ông chủ trương đàm phán song phương với các đối tác vì cho rằng những chính sách tự do thương mại đa phương trước đây chỉ làm cho nước Mỹ yếu đi.
Ngay sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông đã ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một thỏa thuận tự do thương mại được ký kết với 11 nước khác, trong khi Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) được đàm phán giữa Mỹ và EU từ năm 2013 có vẻ được xếp cuối cùng trong danh sách các ưu tiên của ông.
Thực tế cho thấy chủ trương bảo hộ mậu dịch của ông Trump đã gây xáo trộn thương mại toàn cầu và khiến các đối tác của Mỹ trong G7 không khỏi quan ngại.
Chính vì vậy, hội nghị tại Sicily lần này sẽ là cơ hội để Tổng thống Trump hoặc trấn an các đồng minh, hoặc gia tăng thêm khoảng cách, tùy thuộc vào chiến lược lâu dài của Nhà Trắng.
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump có thể giúp ông thoát khỏi những chỉ trích hiện nay xung quanh các vụ bê bối nội bộ mới nhất, đồng thời là cơ hội để ông thể hiện vai trò của người đứng đầu nước Mỹ trên trường quốc tế.
Chuyến thăm cũng sẽ giúp định hình rõ hơn chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Washington bởi sau hơn 100 ngày cầm quyền, đường hướng đối ngoại của Nhà Trắng vẫn còn mơ hồ, chưa rõ ràng và cụ thể./.