Miền Bắc đang bước vào giai đoạn những ngày nắng nóng gay gắt đỉnh điểm và rất dễ gây ra hiện tượng sốc nhiệt, say nắng.
Từ ngày 16/6, chỉ số nóng bức cực đại đo được tại thủ đô Hà Nội, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), thành phố Đà Nẵng và thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đạt mức 41-54 (mức nguy hiểm).
Với mức nhiệt này, người dân có khả năng bị say nắng, kiệt sức, thậm chí có thể bị sốc nhiệt nếu tiếp xúc với nắng nóng hoặc hoạt động thể chất kéo dài.
Sốc nhiệt có thể xảy ra với bất kỳ ai
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn nên ngày 18/6 và những ngày tới, Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt cao nhất phổ biến 37-40 độ C, có nơi trên 40 độ C.
Những ngày nắng nóng này kèm theo độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-55%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 10-19 giờ.
[Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng đặc biệt gay gắt, có nơi trên 40 độ C]
Phó giáo sư Nguyễn Văn Chi - Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) đã có những chia sẻ chi tiết để giúp người dân có thêm kiến thức giúp mình phòng tránh và sơ cứu khi gặp người bị sốc nhiệt, say nắng.
Theo phó giáo sư Nguyễn Văn Chi, sốc nhiệt có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng trẻ nhỏ và người lớn tuổi có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này. Thanh thiếu niên khỏe mạnh có tham gia tập luyện thể thao hoặc tắm nắng dưới nhiệt độ nóng cũng có nguy cơ bị sốc nhiệt. Thông thường, những người trẻ, khỏe không nhận thấy được các triệu chứng ban đầu của sốc nhiệt cũng như không quan tâm, hoặc họ có thể cảm thấy ngại khi than phiền về việc cảm thấy khó chịu trong quá trình luyện tập thể thao.
Các đối tượng có nguy cơ cao nhất đối với sốc nhiệt là những người phải làm việc trong điều kiện môi trường nắng nóng như người nông dân làm việc trên cánh đồng, người công nhân làm việc trên lò cao, các vận động viên thi đấu, luyện tập dưới điều kiện nắng nóng…
Đặc biệt, trong giai đoạn này, nhiều nhân viên y tế vừa phải chiến đấu với dịch COVID-19 trong điều kiên nắng nóng, vừa phải mặc những bộ quần áo chống dịch lại không được bật điều hòa khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao, là nguyên nhân gây ra say nắng, sốc nhiệt.
Bác sỹ Nguyễn Văn Chi phân tích sốc nhiệt là tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao đến mức gây tổn thương đến hệ thống thần kinh trung ương và các mô khác, đặc biệt khi nhiệt độ cơ thể đạt mức 40°C hoặc cao hơn. Bình thường cơ thể con người có cơ chế điều hòa thân nhiệt để giữ cho nhiệt độ cơ thể ở mức cân bằng, quanh 37 độ C. Trong thời tiết nắng nóng, cơ thể vừa sinh ra nhiệt trong quá trình hoạt động, vừa hấp thụ nhiệt từ môi trường vào cho nên những người ở lâu trong môi trường nắng nóng nguy cơ tăng thân nhiệt rất cao.
Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, cơ thể chúng ta sẽ thực hiện các cơ chế để điều tiết giữ thân nhiệt như thở nhanh, dãn mạch dưới da, toát mồ hôi, ức chế quá trình sinh nhiệt trong cơ thể... Tuy nhiên, nếu ở trong môi trường nắng nóng kéo dài, các cơ chế đó sẽ không còn hiệu quả, khi nhiệt độ tăng lên trên 41 độ C kéo dài, nó sẽ làm ảnh hưởng đến các chức năng của các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, thận và đặc biệt khi nhiệt độ tăng quá cao, các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể sẽ rối loạn nghiêm trọng, dẫn đến hôn mê, co giật.
Cách phòng tránh bị sốc nhiệt
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 16/6, chỉ số nóng bức cực đại (HI-Heat Index) và chỉ số tia cực tím (UV) tại 3 miền đều ở ngưỡng gây hại rất cao; đặc biệt tại các khu vực đang diễn ra nắng nóng diện rộng như Bắc Bộ, Trung Bộ.
Đặc biệt từ ngày 16 đến ngày 21/6, Hà Nội có đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất 36-39 độ C, có nơi trên 39 độ C. Độ ẩm thấp nhất mỗi ngày trong đợt nắng nóng này phổ biến ở mức 50-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C là từ 12-17 giờ. Thời gian nắng nóng còn kéo dài, vì vậy mỗi người dân cần trang bị các kiến thức để phòng tránh.
Trong những ngày nắng nóng, nhiều người vẫn phải làm việc ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng, những người phải di chuyển trên đường. Theo bác sỹ Chi, trường hợp nào phải ở lâu ở ngoài trời thì cố gắng tránh thời điểm từ 11 giờ trưa đến 15 giờ chiều là thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất. Mỗi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn, khi làm việc ngoài trời. Đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước. Nếu phải lưu thông trên đường thì cần đội mũ nón, che ô, mặc đồ chống nắng.
Người lao động ngoài trời ngoài việc có đầy đủ phương tiện dụng cụ chống nắng thì cứ sau 1 khoảng thời gian phải vào chỗ mát tạm nghỉ 10-15 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước cho cơ thể. Trung bình một người nên uống từ 2,5 -3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng.
Phó giáo sư Nguyễn Văn Chi chỉ rõ một số dấu hiệu của người bị sốc nhiệt như vã mồ hôi khi cơ thể phản ứng tỏa nhiệt. Nhiệt độ tăng dần, tăng dần đến khi cơ thể không giải phóng được khiến bệnh nhân kiệt sức và ngất xỉu.
Các triệu chứng khác của sốc nhiệt, bao gồm: Đau đầu; Chóng mặt và choáng váng; Da đỏ, nóng và khô; Yếu cơ hoặc chuột rút; Buồn nôn và ói mửa; Nhịp tim nhanh; Thở nhanh, thở nông. Bệnh nhân nặng hơn sẽ có những biểu hiện thay đổi hành vi như nhầm lẫn, mất phương hướng hoặc loạng choạng, thậm chí co giật, mất ý thức, hôn mê…
Khi phát hiện nạn nhân bị sốc nhiệt hoặc say nắng việc cần làm đầu tiên là phải sơ cứu bệnh nhân. Trong trường hợp này, mọi người cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân ra khỏi khu vực nắng nóng, đưa vào khu vực mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp hạ nhiệt bằng quạt, lau khăn ẩm nước mát toàn thân, nếu bệnh nhân tỉnh cho uống nước mát để bù nước…
Những người xung quanh cần cố gắng hạ thân nhiệt bệnh nhân xuống, nhanh chóng gọi cấp cứu 115 hoặc bố trí phương tiện phù hợp để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sỹ có thể khám, đánh giá toàn trạng bệnh nhân, hạ sốt, truyền dịch./.