Trước thông tin về cơn bão số 13, cơn bão rất mạnh đang được dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển và đất liền các tỉnh khu vực Bắc và Bắc Trung Bộ từ ngày 14/11 đến ngày 15/11, phóng viên VietnamPlus có cuộc trao đổi với chuyên gia Hoàng Thanh Hải, Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam để chia sẻ những kiến thức cơ bản về bão, giúp người dân hiểu rõ hơn về vấn đề này và phòng, tránh.
- Trong thực tế khi nghe thông tin về một cơn bão, nhiều người cho rằng bão chỉ là một điểm và chỉ chú ý đến vị trí của cơn bão, theo ông như vậy là có đúng không, ý kiến của ông về vấn đề này?
Chuyên gia Hoàng Thanh Hải: Trong thực tế, khi nghe thông tin về một cơn bão, nhiều người cho rằng bão chỉ là một điểm và chỉ chú ý tới vị trí tâm bão và đường đi của tâm bão mà quên mất rằng gió mạnh và mưa lớn thường bao phủ một vùng rộng lớn xung quanh tâm bão.
Đây là một quan niệm rất sai lầm, bởi vì nhiều cơn bão khi tâm còn nằm ngoài biển nhưng vùng gió mạnh và mưa lớn do bão gây ra đã vào sâu trong đất liền. Ví dụ, cơn bão số 2 năm 2004 có tên quốc tế là CHANTHU, lúc 9 giờ 30 phút sáng 12/6/2004, tâm bão vẫn nằm ở ngoài biển, nhưng vùng có gió mạnh cấp bão đã vào sâu trong đất liền).
[Bão số 13 sẽ đi vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới]
Gió bão mạnh (trên cấp 10) có thể trải rộng trong một vùng có bán kính khoảng 50km xung quanh tâm bão đối với một cơn bão nhỏ và có thể tới hơn 150km đối với một cơn bão lớn. Khu vực có gió mạnh trên cấp 7 còn trải rộng hơn nữa, có thể cách tâm bão tới 500km trong một cơn bão lớn. Chính vì vậy, ngoài thông tin về vị trí tâm bão và cường độ bão, cần phải theo dõi thông tin về phạm vi bán kính gió mạnh trong các bản tin dự báo bão.
Khi bão còn đang trong giai đoạn trưởng thành, ở trên biển thoáng và đứng yên hay ít di chuyển, tức là ảnh hưởng của môi trường xung quanh đối với cơn bão là cân bằng nên vùng gió mạnh xung quanh tâm bão có thể xem là tương đối tròn.
Khi cơn bão di chuyển, chứng tỏ môi trường xung quanh đã có tác động không cân bằng tới nó, hoặc khi cơn bão bị ảnh hưởng của địa hình hay đang suy yếu, đặc biệt khi có sự kết hợp với một hệ thống thời tiết khác (ví dụ như không khí lạnh…) nói chung vùng gió mạnh xung quanh tâm bão sẽ không còn tròn nữa và trở nên phức tạp.
Khi bão kết hợp với một hệ thống thời tiết khác, dù còn cách rất xa tâm bão gió đã rất mạnh, tiếp đến khi tâm bão đi qua, gió lại yếu dần đi một cách nhanh chóng. Nhiều người cho rằng bão đã qua và chủ quan trong phòng chống. Nhưng thực tế sau đó gió lại mạnh trở lại và đổi hướng. Nhiều người cho rằng bão quay trở lại. Cần phải hiểu đúng vấn đề này để tránh chủ quan trong phòng, chống bão.
- Tại sao gió trong bão lại mạnh nhất ở vùng gần tâm, ông có thể giải thích cụ thể hơn về vấn đề này?
Chuyên gia Hoàng Thanh Hải: Nếu đi từ ngoài vào trong một cơn bão thì đầu tiên sẽ gặp các dải mây mưa ở rìa ngoài của bão (đi vào vùng này tốc độ gió tăng dần lên) có phạm vi cách xa tâm bão hàng trăm kilômét. Những dải mây này chuyển động xoáy trôn ốc theo chiều ngược chiều kim đồng hồ, có độ rộng từ khoảng vài kilômét đến vài chục kilômét.
Các dải mây này được tạo thành từ nhiều khối mây đối lưu phát triển mạnh, ở nhiều giai đoạn khác nhau và liên kết với nhau chặt chẽ, có sắp xếp, có tổ chức. Xen kẽ giữa các dải mây, mưa to kèm theo gió mạnh là những vùng gió không mạnh và mưa không nhiều theo từng đợt. Đây là đặc trưng thường thấy trong vùng chịu ảnh hưởng của bão, tạo cơ sở cho việc phòng, tránh trên thực tế
Tiếp tục đi sâu vào bên trong sẽ bắt gặp một tường mây dày đặc gồm các đám mây đối lưu phát triển lên rất cao, có thể lên tới độ cao 15-17km. Đi vào khu vực này tốc độ gió tăng lên đột ngột và đạt giá trị mạnh nhất trong bão.
Mắt bão có thể to ra, thu hẹp lại hay nhân đôi lên và có thể tạo nên nhiều vòng thành mắt bão. Sự biến đổi của mắt bão và thành mắt bão gây nên các biến đổi về tốc độ gió và cường độ bão. Trong cùng là mắt bão, là một vùng tương đối lặng gió, quang mây.
Do lực ly tâm làm không khí trong vùng trung tâm bão giãn ra nên mật độ không khí ở đây rất thấp và khí áp giảm xuống thấp nhất. Đường kính trung bình của mắt bão khoảng 30-60km.
Khi ở trong khu vực mắt bão, người ta thường rất ngạc nhiên khi thấy gió và mưa đang xảy ra rất dữ dội lại đột nhiên ngừng hẳn, trời quang, mây tạnh. Nhưng ngay khi mắt bão đi qua, gió mạnh và mưa xuất hiện lại ngay, cũng đột ngột như trước khi mắt bão đi qua, nhưng với hướng gió ngược lại. Trong thực tế phải hết sức chú ý đến hiện tượng này vì dễ tạo tâm lý chủ quan khi cho rằng bão đã đi qua và không cần phòng, tránh./.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.