Sau kết quả cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tại Anh, việc đảng Bảo thủ vẫn đứng đầu song không đạt đủ 326 ghế cần thiết tại hạ viện để tự thành lập chính phủ đã khiến Thủ tướng Theresa May không có được sự hậu thuẫn vững chắc trong quá trình đàm phán Brexit như bà mong muốn khi quyết định bầu cử sớm, mà còn dẫn tới khả năng cuộc đàm phán Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, có thể không diễn ra vào ngày 19/6 như kế hoạch đã định.
Theo phóng viên TTXVN tại London, Thủ tướng Anh đã tự làm “khó” mình khi đảng Bảo thủ không lập được chính phủ và phải liên minh với đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) - đảng chính trị lớn nhất ở Bắc Ireland vốn ủng hộ mạnh mẽ Brexit trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6/2016.
Điều đó khiến bà May chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thống nhất các chiến lược và kế hoạch đàm phán Brexit.
[Thủ tướng Anh Theresa May không thay đổi các bộ trưởng cấp cao]
Trước mắt, khi chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là bắt đầu đàm phán với EU liên quan đến Brexit, Thủ tướng May có thể yêu cầu EU tạm hoãn lại việc này để nước Anh có thời gian thành lập chính phủ mới.
Người phụ trách đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier, cảnh báo rằng điều này khiến cho các cuộc đàm phán vốn đã phức tạp sẽ càng trở nên khó khăn hơn, trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hy vọng cuộc đàm phán diễn ra đúng thời hạn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng việc thành lập một chính phủ liên minh cũng không phải hoàn toàn bất lợi cho tiến trình Brexit, bởi với một chính phủ liên minh, lập trường của Anh trong quá trình đàm phán rời EU có thể mềm mỏng hơn và cơ hội nước Anh ở lại Khu vực thị trường chung châu Âu cũng lớn hơn.
Điều này được thể hiện phần nào qua diễn biến trên thị trường tiền tệ và tài chính Anh trong ngày 9/6. Ngay sau khi cuộc bầu cử sớm cho kết quả quốc hội “treo,” đồng bảng đã rớt giá mạnh, giảm tới 2,5%, do những mối quan ngại về sự bất ổn đối với kinh tế Anh và tiến trình đàm phán Brexit, song triển vọng một Brexit “mềm hơn” với chính phủ liên minh lại giúp đồng bảng mạnh lên.
Giới phân tích cho rằng trước mắt đồng bảng sẽ dao động mạnh, nhưng trong dài hạn, triển vọng Brexit “mềm” hơn sẽ có lợi cho kinh tế Anh và giúp đồng bảng đi lên.
Ngoài ra, giới phân tích cho rằng dù Thủ tướng May hiện tuyên bố sẽ không từ chức, nhưng có thể việc bà thôi giữ chức vụ này chỉ là vấn đề thời gian, và khi đó, chưa rõ người lên thay sẽ ủng hộ Brexit “cứng” hay “mềm” hay một lập trường nào khác.
Những diễn biến này có thể dẫn tới khả năng chính phủ Anh sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử khác vào cuối năm nay. Điều này rất có thể sẽ làm gia tăng rủi ro chính trị lên đồng bảng. Theo các chuyên gia tiền tệ, trong bối cảnh hiện nay, nhiều khả năng đồng bảng sẽ giảm gần xuống ngưỡng 1,2 USD đổi 1 bảng, song cũng có thể một Brexit “mềm” hơn sẽ giúp đồng tiền này tăng lên trên ngưỡng 1,3 USD.
Trong khi đó, Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ đang dự định cắt giảm khoảng 1.500 việc làm tại London tới cuối năm 2018 như một phần trong những nỗ lực nhằm giảm bớt chi phí hoạt động toàn cầu.
Tuyên bố trên được đưa ra giữa bối cảnh một ngân hàng khác của Thụy Sĩ là UBS - ngân hàng tư nhân lớn nhất thế giới - cũng đang xem xét việc chuyển hàng trăm nhân viên khỏi London do Vương quốc Anh đang chuẩn bị các bước rời EU.
UBS và Credit Suisse, cũng như một loạt ngân hàng đầu tư lớn của Mỹ đều chọn London làm nơi đặt trụ sở của họ tại châu Âu. Tuy nhiên, vụ "li dị" giữa nước Anh và EU đã buộc họ phải tìm các "bến đỗ" mới nhằm duy trì khả năng tiếp cận thị trường châu Âu.
Xu hướng tìm kiếm địa điểm mới để mở cơ sở hoạt động của các công ty tài chính không chỉ giúp các nước châu Âu khác hưởng lợi, mà còn cả khu vực châu Á, nơi có số lượng triệu phú tăng mạnh nhất thế giới, khi cả UBS và Credit Suisse đều đang hướng sự chú ý sang châu Á.
Tuy nhiên, một trong số những nhà lãnh đạo của UBS cho biết ngân hàng này vẫn sẽ duy trì hoạt động tại London tới cuối năm nay trước khi đưa ra bất kỳ quyết định điều chuyển nhân sự nào./.